Một khi có được nhà ở, công nhân sẽ ổn định về đời sống vật chất, khi đó, lại nảy ra nhu cầu bức thiết là phải đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí để phục vụ đời sống tinh thần cho người lao động.
Trên tinh thần này, UBND thành phố Đà Nẵng đã lập Kế hoạch số 3299/KH-UBND ngày 3-6-2010 về việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở (TCVHCS) trong khu công nghiệp (KCN). Căn cứ vào kế hoạch này, Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng đã lập tiểu đề án “Xây dựng các TCVHCS trong KCN Hòa Khánh” để trình UBND thành phố phê duyệt.
40 tỷ đồng cho đời sống tinh thần của công nhân
Theo khảo sát thực tế của Công ty, trong gần 150 doanh nghiệp (DN) đang thuê đất tại KCN Hòa Khánh thì chỉ mới có 50 DN có tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thường xuyên, nhưng còn hạn chế về thời gian, ít phong phú và không có chiều sâu. Đối với KCN Hòa Khánh thì hiện vẫn chưa đầu tư hệ thống TCVHCS như khu vui chơi giải trí, thư viện, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, công viên, khu thể thao…
Do nội dung xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ việc xây dựng các TCVHCS trong KCN không được đề cập đến trong Tổng dự toán được duyệt tại Quyết định số 8221/QĐ-UB ngày 25-10-2005 nên Công ty sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để xin chủ trương đầu tư các hạng mục này.
Theo tiểu đề án nói trên, Công ty dự kiến xây dựng các TCVHCS này tại phía Nam hồ Bàu Tràm, giáp với đường số 5 KCN Hòa Khánh. Tại đây, trên diện tích khoảng 2ha, với tổng kinh phí dự toán gần 40 tỷ đồng, sẽ có các hạng mục đầu tư gồm: cụm rạp chiếu phim (sức chứa 400 – 600 chỗ ngồi), nhà hàng, quán bar/café, trung tâm triển lãm kết hợp với giải trí tổng hợp, quảng trường trung tâm, khu sinh hoạt ngoài trời, bến thuyền, nhà thi đấu thể thao (1.000 chỗ ngồi), trung tâm vui chơi giải trí và các hạ tầng kỹ thuật phụ trợ khác.
Ngoài ra, đối với các DN trong KCN, Công ty sẽ phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng, tuyên truyền, vận động các DN xây dựng thiết chế văn hóa tại DN mình.
Bao giờ?
Đối với KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, một lãnh đạo Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng cho hay, hiện KCN này có quy mô đầu tư nhỏ, quỹ đất để đầu tư cho các TCVHCS chưa có, công nhân tại KCN này cũng chưa đông. UBND thành phố đã xây dựng một số chung cư cho công nhân tại khu vực lân cận, vì thế Công ty đề xuất không xây dựng các TCVHCS riêng rẽ tại KCN này mà sẽ phối hợp với UBND quận Sơn Trà, UBND các phường Thọ Quang, Mân Thái thực hiện.
Ở quận Liên Chiểu, trước đây, trong diện tích 68ha đất dự định xây dựng khu đô thị - công nghiệp được tách ra khỏi KCN Hòa Khánh, sẽ xây dựng một số khu tái định cư, Trung tâm Văn hóa - thể thao quận Liên Chiểu và một phần tái khởi động dự án chung cư cho công nhân và người thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận, địa điểm xây dựng Trung tâm đã được dời về khu vực hồ Bàu Sáu, phường Hòa Minh.
Ngày 12-10-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1780/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, với mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa của công nhân ở các KCN gắn với xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, chất lượng, hiệu quả. Theo đó, một trong những chỉ tiêu quan trọng là đến năm 2015, có 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có KCN) hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân; 50% công nhân ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.
Vậy là, các KCN ở Đà Nẵng hiện vẫn còn “trắng” TCVHCS. Trong lúc chờ đợi các tiểu đề án nói trên được phê duyệt, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân hiện vẫn tùy thuộc vào đời sống của các DN, các địa phương nơi KCN đứng chân.
VIÊN PHÚC QUÂN