.

Tìm “áo mới” cho cầu

.

Theo lời lãnh đạo thành phố, việc cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi (NVT) phải giữ lại tính nguyên bản, không để các chi tiết mới làm hỏng nét cũ. Ở hai đầu cầu có thể thiết kế công viên để du khách đến tham quan, du lịch… Dựa vào đó, đã có rất nhiều ý tưởng thiết kế cầu NVT được các nhà chuyên môn đưa ra. Nhưng dường như, vẫn chưa có ý tưởng nào đáp ứng đầy đủ mong muốn đó.

Một số mẫu thiết kế, cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi của Công ty BK-ECC.
Một số mẫu thiết kế, cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi của Công ty BK-ECC.

Cần giữ nguyên trạng

Cách đây 2 năm, để xây dựng mới cầu Trần Thị Lý (loại cầu dây văng một trụ tháp nghiêng, cao 145m so với mực nước biển, trên đỉnh tháp có bố trí sàn vọng cảnh phục vụ du khách tham quan với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng), UBND thành phố Đà Nẵng quyết định tháo dỡ hai cây cầu cũ là Trần Thị Lý và NVT vốn đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng. Theo đó, khi cầu Trần Thị Lý (mới) xây dựng xong vào năm 2013, sẽ tiếp tục tháo dỡ cầu NVT. Khi quyết định này được đưa ra, đã có nhiều ý kiến tỏ ý nuối tiếc cho sứ mệnh của cây cầu lịch sử đã kết thúc. Vậy nên, quyết định giữ lại cầu, cải tạo thành cầu đi bộ phục vụ người dân là một tin vui đầu năm của người dân Đà Nẵng.

Giữ lại cầu là chuyện dễ, nhưng làm thế nào để cây cầu vừa tương xứng với vai trò lịch sử, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch của Đà Nẵng lại là chuyện khó.

Kể từ khi xây dựng năm 1965, cầu NVT đã trải qua 3 lần “thay áo” mới. Theo đó, năm 1978, sau một thời gian dài sử dụng, cầu được dỡ bỏ bề mặt bằng gỗ đã cũ nát, thay thế bằng bê-tông cốt thép; năm 1985, cầu được gia cố trụ cầu cho vững chắc và lần cuối cùng là những năm 1996-1997, mặt cầu bê-tông lại được thay thế bằng các tấm thép để giảm trọng lượng phần thượng bộ (do kết cấu móng bị yếu), bề mặt cầu rải bê-tông nhựa dày 5cm nhằm bảo đảm xe 30 tấn có thể qua được.

Dù sửa sang nhiều lần, nhưng về cơ bản, cầu NVT vẫn giữ được hình dáng “nguyên thủy” như thuở ban đầu. Theo kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Thường trực, Hội Khoa học-kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, kiến trúc cầu NVT rất đẹp và là địa chỉ lịch sử gắn liền với thắng lợi trong cuộc tiến công giải phóng thành phố của quân và dân Đà Nẵng nên trước khi tiến hành sửa chữa, cải tạo, chính quyền thành phố cần mở “Hội nghị Diên Hồng” hoặc tổ chức cuộc thi thiết kế cầu NVT để tiếp cận được phương pháp cải tạo tốt nhất. Ngoài ra, việc tu bổ cần giữ nguyên hình dáng ban đầu, kể cả về độ cao, chiều dài, chiều rộng để không làm mất đi tính chất lịch sử, văn hóa vốn có.

Cũng vấn đề này, Th.S Lê Văn Lạc, nguyên Trưởng khoa Cầu đường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng nói, ở Việt Nam chỉ còn hai cây cầu có kiến trúc đặc biệt với khung và cọc làm bằng ống thép rỗng không rỉ là cầu Long Hổ ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa và cầu NVT ở Đà Nẵng. Các dàn khung và cọc của cầu rỗng bên trong đã làm giảm đáng kể trọng lượng của cầu. Vì vậy, khi cải tạo cầu NVT, thành phố cần nghiên cứu kỹ những đặc tính này để tránh làm biến tướng hình dáng của cầu.

Tránh làm biến tướng

Đầu tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng BK-ECC đã đề xuất lên lãnh đạo thành phố phương án thiết kế và cải tạo cầu NVT. Ngoài mục đích xây dựng cầu đi bộ, đơn vị thiết kế thêm các điểm dừng chân, thưởng ngoạn cho du khách, phương án còn đặc biệt chú ý đến việc sử dụng kích nâng nhịp cầu nhằm bảo đảm thông thuyền phục vụ tuyến du lịch đường sông.

Hai bên đầu cầu sẽ bố trí hai bãi đỗ xe. Quan điểm thiết kế cho phép người đi bộ, xe đẩy người tàn tật có thể lên được cầu, lắp đặt các trạm phát sóng wifi miễn phí và các ghế đá để du khách ngồi nghỉ ngơi, lướt website. Tạo không gian hai đầu cầu thành điểm nhấn lịch sử-văn hóa bằng việc xây dựng bảo tàng lịch sử về Hoàng Sa và Trường Sa cùng với các hình ảnh, hiện vật gắn liền với lịch sử kháng chiến của quân và dân Đà Nẵng…

Kỹ sư Mai Triệu Quang, Giám đốc công ty cho hay, đơn vị tư vấn đã tiến hành công tác khảo sát và đo vẽ lại hiện trạng cầu cũ, tính toán trọng lượng nhịp cầu cần nâng và đề xuất thay thế toàn bộ vật liệu mặt cầu cũ bằng thứ vật liệu nhẹ và gọn hơn. Mặt khác, tại các vị trí thừa của trụ sẽ làm thêm sàn vọng cảnh cao hơn mặt cầu hiện tại khoảng 50cm để trưng bày các quầy, hàng lưu niệm gắn với sản phẩm du lịch địa phương. Lắp đặt hệ thống lan can có tính mỹ quan cao cho cầu bộ hành. Sơn lại kết cấu khung giàn thép màu vàng đặc trưng. Thiết kế lắp đặt hệ thống chiếu sáng trang trí và hệ thống phun nước. Xem xét đặt phòng triển lãm thông tin thiết kế về các cây cầu bắt qua sông Hàn với diện tích sàn mái che hình lá thân thiện với môi trường, vừa làm mái che, vừa áp dụng công nghệ bền vững để lấy năng lượng mặt trời dùng cho việc thắp sáng, duy trì năng lượng cho các khu mua sắm, tạo nên điểm nhấn lãng mạn của cầu NVT nhằm thu hút khách.

Đến thời điểm này, đây là phương án chi tiết nhất về việc cải tạo cầu NVT được đưa ra mổ xẻ, phân tích. Tuy nhiên, một số nhà chuyên môn cho rằng, nếu điểm xuyết quá nhiều chi tiết mới cho cầu, vô tình sẽ làm mất đi giá trị lịch sử và dễ làm biến dạng hình dáng cầu NVT. Thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện phương án cải tạo cầu NVT, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đà Nẵng cho biết, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu và hoàn thiện phương án thiết kế một cách tối ưu nhất, nhằm bảo đảm “sản phẩm NVT” trong tương lai không chỉ đẹp mà còn giữ được nét lịch sử, văn hóa bấy lâu.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.