.

Truyện ngắn duy nhất của Phan Châu Trinh

.

Phan Châu Trinh đã viết rất nhiều sách báo. Ông đã trở thành nhà văn hóa lớn. Sự nghiệp về văn hóa của ông cũng gần ngang tầm với sự nghiệp chính trị. Sáng tác của ông thuộc đủ mọi thể loại từ thơ, diễn ca, văn nghị luận cho đến tuồng và câu đối.

Tượng Phan Châu Trinh do nghệ nhân làng đá Non Nước Nguyễn Long Bửu thực hiện.
Tượng Phan Châu Trinh do nghệ nhân làng đá Non Nước Nguyễn Long Bửu thực hiện.

Nhưng có lẽ ít người biết Phan Châu Trinh cũng đã từng viết truyện ngắn. Đó là truyện viết bằng chữ Hán, năm 1904, có tựa là “Điền Xá Ông Truyện”, được Huỳnh Thúc Kháng dịch ra quốc ngữ “Chuyện người lương dân” và đăng trên báo Tiếng Dân năm 1933. Truyện chỉ có 588 từ, kể một câu chuyện đơn giản nhưng đầy tính “thời sự”.

Truyện kể về một nhân vật có tên là Điền Xá ông - một người già lụ khụ, ăn nói vụng về ở tỉnh X. Ông được vua ban bốn chữ “Sắc tứ lương dân” sơn son thếp vàng. Bảng treo ở cổng khiến ai ngang qua cũng trầm trồ khen ngợi. Có người khách nghe tiếng tìm đến hỏi gốc gác của tấm biển. Điền Xá ông thật tình trình bày cuộc đời của mình và nguyên nhân được bảng kia. Rằng mình là người phong lưu, nhưng học chữ, làm ruộng, đi buôn và làm thợ đều thất bại. Một năm nọ hạn hán mất mùa giặc cướp nổi lên khắp nơi. Dân làng đua nhau đi ăn cướp. Ông ta không tham gia nhưng bị ép nên đành phải theo, nhưng không cướp bất cứ một vật nào. Sau việc đến tai nhà vua, vua bèn ban cho ông ân điển trên. Nghe thế, người khách vừa tức giận vừa khinh bỉ nên khuyên Điền Xá ông xuất tiền nhà ra để giúp người nghèo làm việc có ích. Điền Xá ông bảo, ông ta đông con đâu ngu dại gì mà không tính toán vun đắp cho con cái mai sau. Nghe thế, khách nổi giận bỏ đi. Từ đó chẳng ai còn nhớ đến chuyện Điền Xá ông và tấm biển vàng nữa.

Sự lý thú mà người đọc dành cho truyện không phải ở sự ly kỳ của cốt truyện, ở văn phong của người viết và người dịch mà ở sự mới lạ của nó: Phan Châu Trinh viết truyện ngắn! Truyện càng trở nên độc đáo vì tư tưởng mà người viết cùng người dịch gửi vào đó.

Thứ nhất, đây là truyện ngắn duy nhất của Phan Châu Trinh và theo một số nhà nghiên cứu thì đây là tác phẩm đầu tay của ông. Bài thơ “Chí thành thông thánh” được cho là viết sớm và rất nổi tiếng của ông cũng chỉ được viết năm 1905.

Thứ hai, truyện thể hiện rõ quan điểm của Phan Châu Trinh trước thời cuộc và con đường hoạn lộ của mình. Chỉ một thời gian ngắn sau khi viết truyện này, Phan Châu Trinh đã dứt khoát rũ áo từ quan. Đối với ông việc làm quan dưới chế độ phong kiến ruỗng nát dù có thanh liêm, cần mẫn thì cũng chỉ như Điền Xá ông “Đi ăn cướp mà không lấy của người, cái đó không phải là đức tính đáng khen hay là đáng ban thưởng” (Lời bình của Huỳnh Thúc Kháng). Quan niệm như vậy nên cuối năm 1904, Phan Châu Trinh đã từ quan (dù trước đó ông cũng đã chẳng tha thiết gì với công việc, như Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh đã từng nói “Ở bộ tôi có một anh Thừa biện mà suốt cả năm nay tôi không hề thấy mặt”) để cùng hai đồng chí là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng hình thành bộ ba Phan-Trần-Huỳnh xúc tiến công cuộc Duy tân ở Quảng Nam.

Thứ ba, một số nhà nghiên cứu cho rằng Phan Châu Trinh viết truyện nhằm châm biếm nội các triều Thành Thái, sau đó Huỳnh Thúc Kháng dịch ra quốc ngữ và đăng trên báo Tiếng Dân cũng nhằm châm biếm việc cải tổ nội các triều Bảo Đại. Người viết và người đọc - hai nhà cách mạng hàng đầu - đều có đồng quan điểm và có chung mục đích. Người dịch lại còn đi xa hơn ý đồ ban đầu của người viết với lời bàn và chú thích sắc sảo: “Bài này bản ý tác giả vẽ ra một cái triều đại mà xã hội lộn xộn, nhân vật hèn hạ. Cùng đi ăn cướp mà không lấy của người, cái đó không phải là đức tính đáng khen hay là đáng ban thưởng. Người ở trên đời cốt làm sao cho có công nghiệp giúp ích cho nhân quần xã hội kia. Ở một cái đời mà dư luận và quốc điển biểu dương cho một người đi ăn cướp không lấy tiền thì cái thời đại và xã hội ấy nội dung thế nào, không nói cũng rõ. Tuy vậy anh khách kia cũng khắc trách quá, nếu như anh ta thấy hạng người “quốc sự mang đãy” ngày nay thì hơi đâu mà mắng”; cốt chửi bọn lo việc nước mà chỉ biết “nặng túi, dày cặp” không thiếu gì trong xã hội đương thời”. (Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam chọn lọc, Tập 1, NXB Văn học, 1996).      

Thứ tư, truyện ngắn “Chuyện người lương dân” ít người biết vì không ai nghĩ là Phan Châu Trinh có viết truyện ngắn (mới quá) và trong các tác phẩm mang tính kinh điển về Phan Châu Trinh như Thơ văn Phan Châu Trinh của Huỳnh Lý và Hoàng Ngọc Phách hoặc Tuyển tập Phan Châu Trinh của Nguyễn Văn Dương đều không đề cập tới. Giáo sư Chương Thâu là người đầu tiên phát hiện ra truyện này. Hiện nay chúng ta có thể đọc truyện trong hai tác phẩm: Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam chọn lọc, NXB Văn học, 1996, hoặc Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Lê Thị Kinh, NXB Đà Nẵng, 2001.

Đọc lại truyện ngắn đầu tay và duy nhất của ông để hiểu thêm quan điểm tư tưởng cùng sự đa dạng trong tài năng của ông và cũng là nén hương thắp lên tưởng nhớ “Nhà cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam” như đánh giá hết sức nghiêm túc của Huỳnh Thúc Kháng.

LÊ THÍ
 

 

;
.
.
.
.
.