.

Bất ổn xã hội gia tăng ở châu Âu

.

Cắt giảm phúc lợi và các cuộc biểu tình phản đối tỷ lệ thất nghiệp ngày một nhiều đã tạo ra sự bất ổn xã hội lan rộng trên toàn châu Âu.

Người dân Tây Ban Nha xuống đường biểu tình dài ngày để phản đối chính phủ.
Người dân Tây Ban Nha xuống đường biểu tình dài ngày để phản đối chính phủ.

Giới chức EU thừa nhận cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc của thị trường lao động. Người trẻ tuổi không thể tiếp cận được thị trường lao động vì thiếu kinh nghiệm làm việc. Họ hoặc chấp nhận cảnh thất nghiệp hoặc chịu cảnh bị giới chủ doanh nghiệp ép ký những hợp đồng lao động ngắn hạn. Cũng như những người trẻ tuổi, phụ nữ chịu cảnh tương tự. Những người chịu cảnh thất nghiệp lâu ngày rất khó tìm việc làm ngay cả khi nền kinh tế khôi phục mạnh mẽ.

Cái vòng luẩn quẩn trong xã hội nhiều nước EU: tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cao dẫn tới nền kinh tế suy yếu buộc chính phủ các nước phải mạnh tay cắt giảm phúc lợi xã hội. Cái vòng luẩn quẩn đó đẩy người dân xuống đường biểu tình phản đối trên rất nhiều thành phố ở nhiều quốc gia thuộc EU. “Nhiều chính phủ quyết định cắt giảm phúc lợi xã hội và thất bại trong việc thực thi các chính sách nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp”, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kết luận.

Các kỹ sư Đức bắt đầu làn sóng biểu tình đòi tăng 6,5% lương và các công nhân Tây Ban Nha ra đường ở 50 thành phố nhằm phản đối tình trạng phúc lợi xã hội bị cắt giảm cũng như tỷ lệ thất nghiệp ngày một tăng cao. ILO cho biết đây không phải là trường hợp cá biệt ở Đức và Tây Ban Nha mà là tình hình chung ở 27 nước thuộc khối EU. Tình trạng này càng lúc càng cho thấy bất ổn hơn.

ILO nhận xét: “Người dân châu Âu lo lắng nhiều hơn về chuyện tìm kiếm việc làm. Chỉ số bất ổn xã hội trong năm 2011 cao hơn năm 2010. IG Metall, Công đoàn công nghiệp đầy sức chiến đấu của Đức cho biết người lao động đòi tăng lương lên 6,5% nhưng giới chủ chỉ tăng 3% trong 14 tháng qua. Phần tăng đó không “bõ bèn” gì so với mức lạm phát 2,7% hiện nay.

Ở Tây Ban Nha, hàng nghìn biểu tình phản đối quyết định cắt giảm chi tiêu của Thủ tướng Mariano Rajoy. Những “vết cắt” nhắm vào giáo dục và y tế vì mục tiêu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ nhưng lại đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức 25%. Bất chấp cuộc biểu tình, Thủ tướng Rajoy khẳng định quyết định đó là không có bất cứ lựa chọn nào khác bởi Tây Ban Nha cần sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc. Thái độ kiên định của chính phủ Rajoy càng làm cho cuộc biểu tình ở Tây Ban Nha lan rộng ra và có tính châu lục hơn khi các liên đoàn lao động kêu gọi biểu tình mạnh hơn để thuyết phục Rajoy cũng như nhiều chính phủ khác tìm ra những biện pháp kích thích tăng trưởng.

ANH THƯ (Theo  Guardian và Telegraph)

;
.
.
.
.
.