“Giải quyết một bài toán cũng như ăn từng miếng nhỏ của trái táo. Làm như thế một là để thưởng thức, hai là để tránh nghẹn”, ông già Cartesius đã khuyên Ai như thế, trong Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình (ảnh), cuốn sách được xem như là cuốn vỡ lòng về triết học của toán học.
Khi đọc Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình, tôi nghĩ rằng những bạn thích và chưa thích học môn toán sẽ được tiếp thêm tình yêu, sự say mê để đến với một môn học tưởng sẽ rất khô khan, khó hiểu. Cuốn sách với cách kể chuyện sinh động và trí tuệ sẽ giúp các bạn bước qua những cột mốc lớn nhất của nền văn minh toán học loài người.
Nhân vật cậu bé Ai xuất hiện đột ngột trong một “khoảng không rộng lớn, vô cùng tĩnh lặng, giống như một tiểu vũ trụ trong vắt không một hạt bụi”. Ở thế giới kỳ lạ đó, bỡ ngỡ nhưng không cô đơn, Ai đã có Ky, một chàng trai “đeo kính trắng, đầu to, tóc bạc sớm, nụ cười hiền lành” và dế Jim, một chú “dế cụ, đầu gân guốc” có tài búng râu kỳ dị đợi sẵn để cùng cậu lên đường. Chặng đường Ai và Ky dấn bước trong nửa đầu câu chuyện cũng chính là hành trình văn minh nhân loại đã trải qua: từ buổi bình minh của toán học với Euclid vĩ đại và những tiên đề đầu tiên về điểm và đường thẳng, Diogenes đức hạnh luôn giơ cao ngọn đèn tìm người lương thiện, hay Cartesius với hệ tọa độ và phương pháp tư duy trừu tượng… Những nhân vật lịch sử từ nhiều niên đại được các tác giả cho cùng ngồi ăn tối hay đàm đạo dưới một mái nhà. Các bậc danh nhân toán học đó đã giảng giải cho Ai và Ky những kiến thức cột mốc trong lịch sử phát kiến và nghiên cứu toán học, với một nguyên tắc: Những quy luật, những định lý, những vẻ đẹp của Toán chỉ có thể hiện lên một khi các cậu bé thực sự muốn khám phá.
Trong thế giới những con số và phép dựng, của trường và chiều mênh mông, Ai và Ky không cần biết đâu là giới hạn cuộc phiêu lưu của mình. Mỗi bước tiến lên phía trước, các cậu không chỉ thu thêm một kiến thức, một công cụ mà còn kết thêm được một người bạn mới: nơi này là kẻ lang thang Thales, người đã tặng lại Ky cặp kính hình bình hành nổi tiếng của mình; nơi khác là Aesop với sọt bánh mì nặng trĩu sau lưng; nhân vật Alice, vận động viên bất-khả-chiến-thắng trong cuộc chạy đua với Cụ Rùa già nua; chàng thanh niên Elaci có mái tóc bù xù, xuất hiện như một nhà thơ nhưng sau này sẽ trở thành một anh hùng; và ấn tượng nhất là nàng Zena xinh đẹp có đôi mắt nâu mở to hút hồn cậu bé Ai ngây thơ…
Nửa sau của cuốn sách là những biến cố bất ngờ có phần siêu thực, có vẻ rất hợp với tâm lý thích phiêu lưu của những cô cậu bé ở lứa tuổi mới lớn. Cuốn sách dừng lại với một cái kết mở ra cho một câu chuyện khác. Mang theo mình chiếc túi da đựng cả hành trang kiến thức có được sau những bước phiêu lưu: cây thước, chiếc compas, cái búa căn và hệ tọa độ cùng trà, đậu, mật ong… như những biểu trưng của cuộc sống, Ai cùng Ky rời lò bánh mì của Aesop và tiếp tục đi về phía biển. Ở đây các cậu được thuyền trưởng Steve mời lên chiếc tàu “Phía Trước”, tiếp tục khám phá đại dương tri thức. Hình ảnh dải đất hình chữ S cuối sách như một nhắc nhớ cảm động về cội nguồn mà các tác giả muốn lưu giữ…
Nhà toán học Ngô Bảo Châu và đồng tác giả - “dân vật lý” Nguyễn Phương Văn đã tự đặt vui cho cuốn sách một thể tài mới: “tiểu thuyết toán hiệp”. GS. Hà Huy Khoái thì cho rằng tác phẩm là “cuốn sách vỡ lòng về triết học của toán học”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa coi đây là “một cuốn sách giản dị đến mức ai đọc cũng được, kể cả những người không biết gì về toán”. Với cặp mắt ngây thơ của Ai, ta nhìn ra mâu thuẫn ẩn chứa trong các chứng minh phản chứng, mâu thuẫn giữa cái hữu hạn và vô hạn, của sự chứng minh được hay không một chân lý toán học. Bởi thế nên ông già Cartesius (René Descartes) mới nhận ra rằng, để “tồn tại” thì chỉ “suy nghĩ” thôi là chưa đủ: “Ta đang nghi ngờ, việc của ta là nghi ngờ. Ta sợ một lúc nào đó ta không còn nghi ngờ được nữa, thì bản thân ta cũng sẽ trở nên tàng hình”. Cũng bởi vì thế mà Diogenes xứ Sinop mới cầm đèn đi giữa ban ngày để tìm cho ra người lương thiện.
Bằng lời văn trong sáng, Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình có thể được xem là một cuốn sách giản dị, thông thái, sâu sắc, vừa dễ gần, nhưng vừa không dễ hiểu nếu như bạn không cảm nhận môn toán dưới góc độ phép tư duy trừu tượng của nó.
HOÀNG NHUNG
(*) Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình. Tác giả: GS Ngô Bảo Châu, Nguyễn Phương Văn, NXB Thế giới và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam ấn hành tháng 3-2012.