.

PA ở Đà Nẵng

.

Trước đây, chị Trần Thị Yến Linh (34 tuổi, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) rất ngại khi xuất hiện trước đám đông hoặc đi đến những buổi tiệc tùng, bởi chị bị liệt hai chân, di chuyển rất khó khăn. Nhưng từ ngày có PA (người hỗ trợ cá nhân), mọi thứ dường như thay đổi hẳn.
 

Từ ngày có PA Nguyễn Thị Tâm, chị Yến Linh (trái) có thể tự tin làm được nhiều việc  ý nghĩa.
Từ ngày có PA Nguyễn Thị Tâm, chị Yến Linh (trái) có thể tự tin làm được nhiều việc ý nghĩa.

Làm chủ cuộc sống

Một ngày của chị Linh bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng khi Nguyễn Thị Tâm, cô sinh viên năm 2 khoa tiếng Trung của Trường Đại học Ngoại ngữ đến gõ cửa. Tâm cùng chị Linh tập những bài tập thể dục tại chỗ, xoa bóp chân tay cho chị. Bao giờ Tâm cũng không quên giúp chị Linh pha một cốc nước chanh với mật ong, thứ mà chị thích uống nhất. Sau đó, Tâm bế chị Linh ra xe máy, rất nhẹ nhàng và thuần thục đưa chị đến nơi làm việc. Chiều đến, Tâm lại chở chị Linh về. Buổi tối, Tâm cõng chị đi chơi hàng xóm, đi photo tài liệu. Trên đường đi, Tâm lại ríu rít với chị về những câu chuyện ở trường ở lớp; Linh thì chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại phụ họa vài câu, hay chia sẻ với Tâm cảm nhận của mình về cuộc sống, có khi chỉ là một câu chuyện hay vừa đọc.

“Ban đầu khi được giao hỗ trợ cho chị Linh, em cũng hơi ngại ngùng vì chưa quen nhưng bây giờ em cảm thấy thân thiết như chị em. Càng hiểu, em càng khâm phục nghị lực vượt qua khó khăn của chị để làm việc có ích cho cuộc sống”, Tâm bộc bạch. Cùng với Tâm, lần đầu tiên, Linh đã tham gia buổi tiệc khá đông người trong ngày 8-3 vừa qua. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng chị còn nhờ Tâm đẩy đi chợ, chọn mua những món ngon để làm cho cả nhà. Linh cười rạng rỡ: “Lúc trước mình có thể ngủ nướng, ngại đi ra đường, làm gì cũng phải nhờ ba mẹ nhưng từ khi có Tâm, mình tập thói quen làm việc khoa học hơn, tự làm mọi việc theo ý mình dưới sự trợ giúp của Tâm. Mình đã thực sự làm chủ cuộc sống của chính mình”.

Còn với anh Trần Ngọc Tuấn (33 tuổi, ở Quận Hải Châu) thì PA Phạm Văn Bá Tuấn (sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Thương mại) đã trở thành người “trợ lý” không thể thiếu trong cuộc sống. Một vụ tai nạn đã khiến chàng kỹ sư kiêm giám đốc công ty này bị liệt 2/3 cơ thể. Đã có lúc, Tuấn chán nản, bi quan muốn buông xuôi tất cả. Rồi anh được cung cấp PA để thuận tiện hơn trong công việc. “Con thì còn nhỏ, vợ bận đi làm nên lúc trước mình chỉ bó gối trong nhà rất buồn chán. Từ khi có PA, mình có thể đi dạo phố, thậm chí đến chỗ làm với công việc mới vừa tìm được”, Tuấn bộc bạch. Anh khoe, vừa rồi mới cùng với PA về dự đám cưới người bạn ở tận huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam, điều mà từ sau tai nạn đến giờ anh chưa dám nghĩ tới.

Anh Tuấn (trái) và PA.
Anh Tuấn (trái) và PA.

PA - nghề mới?

PA là viết tắt của từ tiếng Anh Personal Assistant – người làm công việc hỗ trợ cá nhân. PA lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ từ những năm 1970, sau đó lan rộng sang Canada, Châu Âu và Châu Á. Ở Việt Nam, PA ra đời xuất phát từ dự án “Sống tự  lập dành cho người khuyết tật” của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) thành phố Hồ Chí Minh. Dự án này giúp người khuyết tật thay đổi suy nghĩ, tự quyết định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, khái niệm PA còn khá mới mẻ. Nhóm Sống độc lập Đà Nẵng đã bước đầu tiến hành thử nghiệm việc cung cấp PA cho 2 người khuyết tật nặng với 4giờ/ngày/người là Trần Ngọc Tuấn và Trần Thị Yến Linh.

PA Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Lúc đầu em chỉ nghĩ công việc của PA đơn giản là hỗ trợ người khuyết tật trong công việc, vật lý trị liệu nhưng không phải thế. PA thực sự phải trở thành người bạn thân thiết, hiểu rõ tính tình, thậm chí sở thích của người khuyết tật thì mới có thể làm tốt công việc”. Còn với PA Phạm Văn Bá Tuấn thì: “Từ khi nhận công việc này, em đã học được rất nhiều điều từ đức tính kiên trì, chịu khó đến những nghị lực, ý chí vươn lên của người khuyết tật”. Những PA vốn là sinh viên này đều cho rằng mặc dù thù lao không cao, chỉ có 10.000 đồng/giờ làm việc và công việc tùy vào nhu cầu của người khuyết tật, nhưng họ đều cảm thấy rất vui. Tuy nhiên, theo anh Đặng Thiện Tùng, Trưởng nhóm Sống độc lập Đà Nẵng, để PA trở thành một nghề thực sự, phải có sự phân cấp theo thu nhập và tăng mức thù lao. “Chẳng hạn PA sơ cấp thì hỗ trợ những công việc cơ bản không cần nhiều kỹ thuật, PA trung cấp thì có thể am hiểu về y học để có thể giúp người khuyết tật trong việc tập luyện, phục hồi dần tùy theo dạng tật…”, anh nói.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.