.
Nghề tơ lụa truyền thống Quảng Nam

Khôi phục không dễ

.

Hầu hết các ý kiến tại tọa đàm “Những trăn trở về nghề tơ lụa truyền thống Quảng Nam” tại thành phố Hội An vào cuối tuần qua đều nhìn nhận việc khôi phục nghề này không dễ bởi cần những giải pháp căn cơ và nhiều yếu tố khác. Tọa đàm do Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An và Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam tổ chức.

Các sản phẩm có chất liệu từ lụa, như đèn lồng ở Hội An, rất được du khách nước ngoài ưa chuộng.
Các sản phẩm có chất liệu từ lụa, như đèn lồng ở Hội An, rất được du khách nước ngoài ưa chuộng.

Ông Lê Thái Vũ, Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, chia sẻ về niềm đam mê tơ lụa của mình với mong muốn thực hiện thành công dự án Làng Lụa. Trải qua quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, nay dự án vừa được đưa vào thử nghiệm các hoạt động và đang tiếp tục hoàn thiện. Song, người giám đốc trẻ này không giấu được sự lo lắng khi mục tiêu của dự án phải là “nhiều trong một”: Làng Lụa vừa là nơi lưu giữ các nguồn gien quý về dâu tằm, giống tằm; vừa là nơi bảo tồn các quy trình sản xuất lụa truyền thống; vừa là nơi tổ chức các hoạt động thao tác nghề, hướng nghiệp dạy nghề; vừa là điểm du lịch với những dịch vụ văn hóa đầy sức hút; cũng là nơi góp phần tổ chức các sự kiện văn hóa với sự hội tụ, gặp gỡ giữa các nhà văn hóa, văn nghệ, truyền thông, doanh nhân và những ai quan tâm, yêu mến nghề tơ lụa Quảng Nam.

Theo ông Hồ Xuân Tịnh (Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam), cách đây khoảng 300 năm, tại huyện Đại Lộc, một số làng ở ven sông Vu Gia như Giao Thủy, Quảng Huế, Phước Bình, Hà Nha…, nhờ các bãi bồi ven sông đầy ắp phù sa, bên cạnh nghề trồng rau, đậu, lúa, bắp, thuốc lá, người dân đã chú trọng nghề trồng dâu nuôi tằm. Còn làng dâu tằm Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn ngày nay) ra đời cách đây khoảng 300-400 năm, người dân nuôi tằm ươm tơ để bán cho các làng dệt ở đồng bằng, trong đó chủ yếu là Duy Xuyên. Ông Hồ Xuân Tịnh cho biết, nghề ươm tơ dệt lụa ở các làng Đông Yên, Thi Lai (Xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) ra đời từ thế kỷ 16, gắn liền với sự tích Bà Chúa Tằm tang Đoàn Quý Phi…, từ đó minh chứng rằng đã có một thời vàng son của nghề nuôi tằm dệt lụa ở Quảng Nam.

Ông Hồ Viết Lý, Giám đốc Công ty Dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh (thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình rằng, tơ lụa Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường đến mức hầu như chi phối toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh may mặc, tơ lụa ở Việt Nam. Thực tế, lụa nhập từ Trung Quốc chỉ có giá 50.000 đồng/mét, trong khi lụa truyền thống của Việt Nam giá khoảng 120.000-150.000 đồng/mét. Song, lụa tơ tằm nguyên chất nếu kéo mạnh thì mép vải không bị xô hay rạn, tạo cảm giác ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè và mềm mại. Còn lụa của Trung Quốc thường pha nilon, dễ nhăn và nhàu, nhúng vào nước thường bị phai màu, vải nhanh mủn và nhão; giặt vài lần sẽ thấy bục vải ở đường chỉ… Là người gốc Quảng Nam, dày dặn kinh nghiệm với lụa tơ tằm, từng thực hiện trang phục lụa cho các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu lần 5 năm 2004 và Hội nghị cấp cao APEC 14 tại Việt Nam năm 2006, ông Hồ Viết Lý vẫn đau đáu giấc mơ khôi phục nghề tơ lụa cho vùng đất Quảng mặc dù ông thừa nhận những khó khăn. Một ý kiến khác thẳng thắn nhìn nhận rằng, trên thị trường Hội An hiện tại toàn là lụa Trung Quốc và đây sẽ là thách thức không nhỏ cho dự án Làng Lụa của ông Lê Thái Vũ.

Nhà báo Trần Tuấn đề cập đến “không gian lụa” thật sự đối với dự án Làng Lụa - một làng nghề sống động kết nối giữa cái nôi văn hóa - giao thương Hội An, với cái nôi lụa Mã Châu - Duy Xuyên, đồng thời tạo ra một bảo tàng văn hóa lụa để giữ chân du khách. “Tuy là đô thị nhỏ nhưng Hội An thật sự là “ngôi nhà toàn cầu”. Nếu chọn Hội An làm một “bàn đạp”, cộng với tâm huyết, biết huy động tài năng, chất xám của đội ngũ thiết kế đẳng cấp, các nghệ nhân, nghệ sĩ, sẽ cho ra những sản phẩm lụa hấp dẫn, mang hình ảnh Hội An, xứ Quảng”, nhà báo Trần Tuấn nói.

Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhắc đến việc đưa hàm lượng văn hóa vào sản phẩm lụa để thổi vào đó cái tinh thần của người dân Quảng Nam cũng như hồn di sản văn hóa thế giới Hội An. Hàm lượng văn hóa cho Làng Lụa là điều mà những người tâm huyết như ông Lê Thái Vũ muốn hướng đến, nhưng thực hiện được là cả chặng đường dài.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.