.
Kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám (19-8) và Quốc khánh (2-9)

Ký ức tháng Tám

.

Tháng Tám-1945, trong tâm thức của những người đã vượt xa tuổi “xưa nay hiếm” vẫn tươi rói như mới xảy ra ngày hôm qua…

Cụ Trần Thị Thống bên chân dung Nữ tướng Nguyễn Thị Định do Hội LHPN huyện Hòa Vang tặng nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng.
Cụ Trần Thị Thống bên chân dung Nữ tướng Nguyễn Thị Định do Hội LHPN huyện Hòa Vang tặng nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng.

Chuyện của cây đại thụ... 104 tuổi

Xã Hòa Khương có đến 3 trong tổng số 9 cán bộ tiền khởi nghĩa ở huyện Hòa Vang hiện còn sống, trong đó, người cao niên nhất là cụ Trần Thị Thống, sinh năm 1908, hiện ở với người con gái tại thôn Phú Sơn Nam.

Cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Hòa Khương Trần Văn Cường có họ hàng với cụ Thống, đưa chúng tôi đến thăm nhà cụ. Căn nhà này, cụ kể, sau khi 3 cán bộ chủ chốt trong Chi bộ Phổ Lỗ Sĩ - chi bộ đầu tiên trên đất Hòa Vang được thành lập tại làng Phú Sơn, tổng An Phước vào năm 1939 - là Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Như Gia và Nguyễn Lương Thúy bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An, đã trở thành nơi hội họp để duy trì lực lượng, truyền bá quốc ngữ, chống sưu thuế.

Nhìn dáng vẻ rắn rỏi, nghe giọng nói chắc khỏe của cụ, ít ai nghĩ cụ đã ngoài trăm tuổi. Phải chăng, được chào đời ngay vào năm nổ ra Phong trào chống sưu thuế - giới sử học gọi là “Trung kỳ dân biến”, mà cụ đã toàn tâm toàn ý dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng? Làm liên lạc cho Chi bộ Phổ Lỗ Sĩ, gửi con mới 6 tuổi cho nhà chồng, người phụ nữ trẻ ngày đó là cụ quyết tâm đi làm cách mạng, đi theo con đường mới để những phụ nữ nông thôn thoát được cảnh đói cơm, khát chữ.

Ở làng Bồ Bản, xã Hòa Phong, có ông Hồng Hoán theo học nghề y với người cậu trong nhà rồi làm cán bộ tài chính xã, mở tiệm thuốc bắc ở chợ Túy Loan để các đồng chí của ông có nơi gặp gỡ, trao đổi công chuyện. Ông ngược xuôi không biết bao nhiêu lần trên đường 14B, từng cắt thuốc cho các cán bộ trong chi bộ Phổ Lỗ Sĩ. Cụ Thống có lần nhận mấy thang thuốc bắc từ ông Hoán, lội nước lụt ngang ngực, xuống tận nhà lao Hội An để trao cho 3 cán bộ chủ chốt trong chi bộ. Đầu tháng 8-1945, cả 3 người ra tù, mang về cho cụ một cái rổ đan trong nhà lao làm kỷ niệm.

Đó là những ngày tháng Tám khó thể nguôi quên. Sáng ngày 16-8, cụ gói cơm sắn, muối mè, xách cây gậy tre kéo chị em trong tổ Phụ nữ Cứu quốc đi biểu tình. Đoàn biểu tình đến từ các xã Phú Sơn, Hương Lam, La Châu, Cẩm Toại vừa hô vang khẩu hiệu “Đánh đổ phát-xít Nhật”, “Việt Nam muôn năm”, vừa kéo đến nhà Chánh tổng Dương Chiên ngay bên chợ Ngã Tư làng Phú Sơn, buộc y phải đầu hàng và giao nộp triện đồng, sổ sách. Đoàn biểu tình tiếp tục đi cướp chính quyền các xã quanh vùng. Đến ngày 24-8, cụ Thống hòa mình trong số 5 nghìn người tham dự lễ ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng Lâm thời huyện Hòa Vang tại sân vận động Cẩm Toại, tổng An Phước.

104 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, cụ là cây đại thụ trong những cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống ở Hòa Vang. Cụ bảo, con cháu chừ đứa mô cũng học hành đàng hoàng hết, không như hồi năm bốn lăm. Quốc khánh 2-9 năm đó, cụ đã đứng trên lễ đài kêu gọi phụ nữ đi học bình dân và bản thân cụ ngay sau đó cũng tham gia diệt giặc dốt.

Ông Ba Khuê (trái) được xem là “nhân chứng sống” của những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945 ở tổng An Lưu.
Ông Ba Khuê (trái) được xem là “nhân chứng sống” của những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945 ở tổng An Lưu.

Tiếng gọi từ An Lưu

Huyện Hòa Vang ngày trước gồm có 7 tổng, 158 xã, trong đó tổng An Lưu có địa giới gần như trùng với địa giới của quận Ngũ Hành Sơn ngày nay. Cán bộ Văn phòng Đảng ủy phường Hòa Quý Ngô Hòa đưa tôi về Khái Tây gặp ông Nguyễn Khuê, thường được gọi là Ba Khuê, cán bộ tiền khởi nghĩa, năm nay 94 tuổi theo giấy khai sinh, nhưng tuổi thật của ông chỉ mới 86. Trẻ hơn cụ Thống gần 20 tuổi nên ông Ba Khuê chừng như vẫn còn giữ trong giọng kể của mình ngọn lửa hừng hực thời trai trẻ của 67 năm trước.

Đầu năm 1945, ông kể, khi Ban vận động Việt Minh tổng An Lưu quyết định đổi Hội thanh niên Cứu quốc Khái Tây thành Đội tự vệ chiến đấu để làm nòng cốt cho việc cướp chính quyền ở tổng thì ông là đội viên. Đội ban đầu chỉ 12 đội viên, do ông Huỳnh Bá Kiền người trong làng làm đội trưởng, chỉ có 2 khẩu súng lục, một cây gươm Nhật và một số vũ khí tự tạo là dao rựa, gậy gộc. Ông Nguyễn Mưu, chủ lò rèn được giao nhiệm vụ bí mật rèn gươm, mã tấu, giáo mác... để trang bị cho lực lượng. Đêm đêm, cả đội tập trung về vườn Bà Hẹn để tập kỹ thuật quân sự, chủ yếu là tập các ngón võ dân tộc, tập đi rập bước để sau tham gia cướp chính quyền.

Tối 16-8-1945, trong lúc đám lý hương đang cúng ở đình Khái Tây thì Ban khởi nghĩa tổng An Lưu tập hợp lực lượng kéo ra đình tổ chức mít-tinh. Lý hương hoảng hốt bỏ chạy, bỏ lại trống, thanh la trước sân đình. Ông Ba Khuê cùng anh em du kích chiến đấu, kẻ đánh thanh la, người giục trống; chẳng mấy chốc dân làng các nơi kéo tới rất đông, mang theo các loại nông cụ như gàu, cuốc, phạng... Ban khởi nghĩa tuyên bố với bà con là thời cơ tổng khởi nghĩa đã đến và kêu gọi đồng bào, lực lượng vũ trang trong tổng sẵn sàng tư thế để lên đường cướp chính quyền.

Mờ sáng hôm sau, Ban khởi nghĩa tổng An Lưu phát lệnh tổng khởi nghĩa. Đội tự vệ chiến đấu Khái Tây với vũ khí, giáo gươm, gậy gộc trong tay, chỉnh tề tập trung tại nhà đội trưởng Huỳnh Bá Kiền rồi tiến ra đình làng Khái Tây. Đông đảo nam phụ lão ấu từ các xã quanh đó đã tề tựu ở sân đình. Lực lượng tự vệ canh gác chung quanh, ông Kiền đại diện Ban khởi nghĩa tổng An Lưu đọc lệnh khởi nghĩa, chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận Việt Minh và tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tổng.

Lý trưởng Khái Tây đem sổ sách, triện đồng nộp cho chính quyền cách mạng. Cuộc khởi nghĩa ở Khái Tây - trọng điểm của cuộc khởi nghĩa ở tổng An Lưu đã thành công. Tiếp đó, các làng khác trong tổng cũng lần lượt khởi nghĩa: Tân Lưu, Thị An, Hải An, Mân Quang, Khái Đông, Khuê Bắc, Trà Lộ, An Nông, Trà Khê, Xuân Nhâm... Đến tối ngày 18-8 thì việc cướp chính quyền ở tổng An Lưu đã hoàn toàn thắng lợi.

Ông Ba Khuê không sao quên được bữa ăn trưa ngày 17-8, khi đoàn người kéo đi cướp chính quyền nghỉ lại ở đình Tân Lưu (nay thuộc phường Hòa Hải), mỗi người chỉ ăn một nắm xôi với muối mè nhưng ai cũng cảm thấy chưa bao giờ ngon đến thế. Mọi người như “say” trong khí thế hừng hực của ngọn lửa cách mạng. Nhiều người không có vũ khí nên lận con dao phay vào lưng, đến khi về nhà rồi mới biết da lưng phồng rộp lên vì cán dao trước đó đã dùng để giã ớt, giã tỏi!

Anh Nguyễn Sang con ông Ba Khuê đưa chúng tôi ra xem đình Khái Tây. Ngôi đình uy nghiêm từng chứng kiến sự kiện quan trọng ở tổng An Lưu gần 70 năm trước giờ chỉ còn lại một bàn thờ thần hiu quạnh với mấy viên đá tảng kê gốc cột to đùng phía trước. Nghe anh Sang nói đang có dự án trùng tu lại đình. Để câu chuyện năm xưa tháng Tám còn được nối dài trong tương lai…

Ghi chép của VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.