Những tưởng nghề lặn biển chỉ dành cho những người đàn ông có sức vóc, khỏe mạnh. Vậy mà, không ít phụ nữ ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu đã gắn bó với nghề này.
Phân loại thành phẩm trước khi đưa đi tiêu thụ. |
Những chuyến đi ngày một xa
Buổi trưa, ở biển Nam Ô, một chiếc thúng chở những người đi lặn biển bắt ốc, khởi, hàu… cập bờ. Anh Bùi Văn Sáu, tổ 36, (Nam Ô 3), chủ chiếc thúng nói với một chủ quán thu mua hải sản: Hôm nay không phải là ngày nước ròng, nên mọi người phải lặn lâu hơn và về trễ hơn so với mọi ngày.
Chuyến đi chỉ có 4 người là nữ. Gần 30 năm trong nghề lặn biển, chưa khi nào chị Nguyễn Thị Hồng, 47 tuổi, (Nam Ô 2) thấy biển cạn kiệt như bây giờ. “Trước kia đặt chân ra biển là thấy từng mảng rong dày đặc, sát vào tận bờ, còn giờ rong và các sản phẩm của biển đều bị tận diệt, phải đi xa hơn mới có”. Chị Hồng ngó ra biển nói trong tiếc nuối.
Để có được khoảng 2, 3 tạ cua, ốc mang về, các chị phải khởi hành từ 2 giờ sáng. Trong lúc đàn ông lái thúng thì những người phụ nữ tranh thủ chợp mắt, để khi ra đến hòn Chảo, khoảng hơn 6 giờ sáng, ăn vội bữa sáng và bắt đầu lặn biển.
Ngoài chiếc kính lặn biển và đôi găng tay, không ai dùng bình dưỡng khí, hay bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào. Có chăng mùa lạnh trùm thêm chiếc áo mưa tiện lợi cho ấm. Ngâm mình suốt nhiều giờ dưới nước, các chị đuổi theo những con khởi, cạy tìm các loại ốc nón, ốc trinh nữ, bào ngư… Các loại này, ở độ sâu nào thì họ lặn theo độ sâu đó.
Sau mỗi chuyến đi, sản phẩm được đưa về nhà anh Sáu, phân loại cua, ốc bắt được. Có những hôm, các đầu mối không thu mua hết, mọi người lại chia nhau đem đi bán tại các chợ chiều. Về nhà, cơm nước, dọn dẹp xong việc nhà cũng chừng 9 giờ tối, lại tiếp tục 2 giờ sáng hôm sau ra biển.
Ngay từ những ngày còn nhỏ theo nhau ra ghềnh bứt rau câu, dần dần chị Nguyễn Thị Rô, 46 tuổi, tổ 32 (Nam Ô 2) theo nghề lúc nào không hay. Ngày nào cũng ra biển, nhiều khi không có thời gian để chăm sóc gia đình, con cái. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn thì phải thế chứ biết làm răng”, chị ngậm ngùi. Con chị vẫn đang tuổi ăn, tuổi học, chồng chị lại thường xuyên đau yếu, chỉ ở nhà phụ vợ những việc lặt vặt, cơm nước. Chị trở thành trụ cột chính trong gia đình nên dù cực đến mấy vẫn phải bám biển. Cả ngày ngâm mình trong nước, lặn lên, ngụp xuống, tay chân của chị Rô chuyển sang màu bợt bạt, da tay sun hết lại. Dù có mang găng tay nhưng vẫn bị khởi kẹp cho chảy máu. Chị Rô chỉ mong được mạnh khỏe, những chuyến đi thuận buồm xuôi gió.
Ở tuổi 71, bà Trần Thị Ninh (Nam Ô 3), không nhớ mình đã bám biển bao nhiêu năm, chỉ biết từ hồi con gái chưa chồng bà đã bắt đầu theo những chuyến đi lặn ốc, lặn khởi, vớt rong, mứt biển. Giờ khi đã “thất thập cổ lai hy” không còn lặn được, nhưng cách vài ngày bà vẫn theo những chuyến thúng ra hòn Chảo khảy hàu sữa. Trong khi các chị em khác lặn dưới nước thì bà đội nón ngồi trên từng mỏm đá. Mặc cho cái nắng trên đầu dội xuống, cái nóng từ đá cuội bốc lên, bà vẫn cần mẫn dùng dao mố đập vỡ rồi cạy lấy ruột. Bàn tay bà nhăn nheo, đầy những vết sứt sẹo do vỏ hàu sắc cạnh gây ra. Bà chẳng thể nhớ được đã bao nhiêu lần tay bà bị đá, vỏ hàu cắt đến tứa máu, chân bị sụp hố đá về đau đến mấy ngày. Bà nói: “Làm miết rồi quen, giờ chỉ cần nhìn là biết chỗ nào có hàu và cứ thế ngồi mà cạy”. Dù ở với anh con trai út, không phải quá lo lắng chuyện bữa cơm hằng ngày, nhưng bà vẫn muốn tự lo cho cuộc sống, mỗi chuyến đi bà khảy được khoảng 2,5kg thu về khoảng 200-300 ngàn. Cứ vài ngày lại đi một chuyến cho đỡ nhớ biển.
Nay mai, ai có theo nghề?
Theo anh Sáu, khu vực Nam Ô còn khoảng 4 thúng, và 12 phụ nữ chuyên đi lặn biển. Mùa hè thì đi bắt cua, ốc, tới tháng 9 chuyển sang đi vớt mứt, rong biển. Mùa nào thức nấy. Nhưng trong một năm cũng chỉ đi được khoảng 6 tháng, một tháng khoảng 20 ngày. Những chuyến đi ngày một xa hơn. Tiền xăng dầu nhiều hơn, nhưng thành phẩm lại ít hơn. Mỗi chuyến đi như thế, trừ tất cả các chi phí mỗi người được khoảng 500 ngàn, nhưng cũng có hôm về tay trắng.
Cái nghề quá vất vả nên chẳng mấy ai theo, “Nay mai, các chị ở đây lớn tuổi, không biết còn ai theo nghề lặn biển. Đời cha mẹ quá nhọc nhằn, nên đều quyết tâm cho con cái đi học chữ, học nghề”. Anh Sáu nói với vẻ mặt không biết là anh đang vui hay đang buồn?
Cực nhọc, nguy hiểm, nhưng thật lạ, với những người phụ nữ lặn biển, tiếng cười đùa như luôn lan dội trên sóng nước trong những giây phút thảnh thơi. Niềm hạnh phúc của họ, đôi khi chỉ là “Sau mỗi chuyến đi, trở về nhà, thấy chồng cặm cụi làm hết việc nhà, nhắc nhở con chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn là thấy vui, thấy mình có thêm sức mạnh để cố gắng cho những chuyến biển ngày hôm sau” như chị Rô chia sẻ.
“Bơi lặn giỏi chính là lợi thế giúp các chị tham gia các cuộc thi bơi lội không chuyên do các cấp quận, thành phố tổ chức”, chị Võ Thị Kim Oanh, Chi hội trưởng Hội phụ nữ tổ 36, phường Hòa Hiệp Nam bày tỏ. Mỗi chuyến đi biển về rất mệt, nhưng khi chi hội phụ nữ tổ chức sinh hoạt là các chị luôn cố gắng tham gia. Dù rằng, rất nhiều buổi sinh hoạt, các chị vẫn phải tự nhắc mình phải về sớm để chuẩn bị cho những chuyến mưu sinh vào sáng sớm hôm sau…
THU HÀ