.

Tính cách người Quảng

.

Tôi không rõ các tiên dân Quảng Nam ngày xưa, khi định cư ở vùng này đã mang theo bao nhiêu đặc tính trong cái mà chúng ta gọi là tính cách Quảng Nam hiện nay.

Cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân
Cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân

Rồi đến thời kỳ nào thì từng bước lại đưa ra những “nguyên tắc, nguyên lý” làm “tỉnh ước”, “Quảng Nam ước” một thứ lệ bất thành văn cho con cháu học và cũng hiểu là noi theo để tự mình biết mình, tự giữ mình, đối phó với người. Tôi cố dò trong văn học dân gian để tìm hiểu vào các thế kỷ XVII, XVIII khi Quảng Nam còn là phủ Điện Bàn, phủ Thăng Hoa và người Quảng Nam được gọi là dân Thăng Điện đã có lệ ấy chưa? Tôi chưa tìm thấy. Còn những lệ này thì hoàn toàn xuất hiện sau thời kỳ Gia Long, Minh Mạng hay sau nữa không chừng. Điều đó dễ kiểm chứng vì hầu hết các lệ này đều có kèm theo sự so sánh, đối với ít nhất một tỉnh mà nhiều nhất là cả đất Bắc, đất Nam.

Một tỉnh như:

Ai về Bình Định mà nghe
Nghe thơ thằng Lía, nghe vè Quảng Nam.
Còn về 4 tỉnh sát nhau thì nhiều và nay còn truyền tụng. Chẳng hạn về tài năng của dân mỗi tỉnh.
Hát bội Quy Nhơn
Hầu (?) đôn Quảng Ngãi
Thơ lại Quảng Nam
Hò khoan xứ Huế…

Còn nhiều câu hoặc thành ngữ khác như kiểu trên mà nếu giỏi tìm tòi chúng ta sẽ thấy tính “Quảng Nam quốc” như người Hoa gọi trấn Quảng Nam (bao gồm Quảng Nam, Bình Định) tuy đã bị hủy bỏ sau thời Gia Long, song tính di truyền từ thời các chúa vẫn mỗi ngày rút gọn vào tính cách người dân Quảng Nam-Đà Nẵng, nghĩa là từ khi chủ nghĩa “trọng võ khinh văn” chuyển sang “trọng văn khinh võ”.

Chẳng hạn, nếu về văn nghệ, chúng ta để ý tới vè Quảng Nam thì sự kiện ấy không thể mới xảy ra mà nó phải có từ lâu, lâu lắm với tính thích ca hát nhưng rất nặng về kể chuyện, mô tả, phân tích nhất là phê phán một sự việc có thật đã xảy ra. Vè vẫn tiếp tục sống giữa thế kỷ này ở nhiều vùng và tính ưa làm báo không phải không manh nha từ đấy, lại như thơ lại Quảng Nam, thì cũng rất rõ thời các chúa lấy sinh đồ làm quan ít mà Hoa văn làm lại tự (chức vụ ngang chánh văn phòng phủ huyện xuống) rất nhiều như Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục phê phán. Dân Điện Bàn ở ngay dinh trấn và lại học khá (như sau này chứng tỏ) thì chức thơ lại nhất định được đào tạo nhiều. Về sau, thơ lại Quảng Nam nổi tiếng khắp miền Nam, ra làm quan ở đất Bắc, các cụ vẫn mang theo vì trong hành chánh, không có thơ lại giỏi, rất khó giải quyết nhiều vấn đề. Nhưng thơ lại giỏi đóng góp rất đáng kể cho các cấp trên từ phủ huyện trở lên… Đây là loại căn bản của một cơ sở hành chánh thiếu nó không thể được mà tính cách của các nhân vật này nói lên phần nào tính cách văn bản địa phương về văn học và pháp lý. Bệnh lý sự hay cãi có thể một phần do tính cách này mà ra.

… Nhưng nói Quảng Nam mà không nói tới tính hay cãi thì thật thiếu sót quan trọng.

Tuy vậy, vấn đề này quá rộng lớn và e bàn tới đâu cũng không hết. Tôi chỉ rút gọn lại trong cái lý sự cho cái bệnh cãi là: “Quảng Nam vô chánh nhất”.

Người Quảng Nam không giống đồng bào ta ở nhiều tỉnh là ít nặng về cảm tính mà nặng về lý tính. Do nặng suy tư muốn tìm ra lẽ phải cuối cùng (mà ít khi đạt được), người Quảng Nam hay bàn luận và thiên về bàn luận có khi đến xô xát, quyết liệt dầu phải dẫn tới mất mát quyền lợi quan trọng nhất đời. Phương ngôn ta có câu “Quảng Nam vô chánh nhất” nghĩa là người Quảng không có Cần chánh điện đại học sĩ là tước vị cao bậc nhất của triều Nguyễn dù lắm người học hành xuất sắc và được trao chức vụ cao. Trong khi đó ngoại trừ Thừa Thiên- Huế, nếu có một hay nhiều ông Cần (tiếng gọi tước vị Cần chánh nói trên) vì đây là đất đế đô, đất của triều đình, của quan lại, còn hai tỉnh nhỏ phải phụ thuộc hành chánh vào tỉnh lớn khác là Quảng Trị, Quảng Ngãi (như Nam Ngãi tổng đốc tức là quan tổng đốc Quảng Nam có quyền tối hậu liên tỉnh đối với Quảng Ngãi) thì đều có các ông Cần. Quảng Ngãi có Trương Đăng Quế, Nguyễn Thân, Quảng Trị có Nguyễn Văn Tường… Ta có thể đoán người Quảng Nam bị nhiều trắc trở trong việc thăng quan, tiến chức mà một trong những lý do chính, quan trọng có thể vì bệnh hay cãi mà ra.

Cãi đúng hay sai, điều ấy không thể biết được vì nó đã thuộc về dĩ vãng. Nhưng chỉ cần nghe tiếng “hay cãi” là không cấp lãnh đạo nào “nghe” dễ chịu. Đó là những người bình thường, nhưng lại thích đẩy sự bàn luận đến triệt để, chứ không kể những nhân vật có bệnh cãi bằng giọng trịch thượng, khiêu khích, chống đối kiểu Ông Ích Khiêm, một chiến tướng, một nho tướng lừng lẫy nhất thời Tự Đức, viên tướng diệt tướng Ngô Côn là bậc đàn anh các đạo quân Cờ đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng cứu xứ Bắc kỳ khỏi nạn Thái Bình Thiên quốc tràn sang lấn chiếm. Chiến công vang dội bậc nhất đất nước để rồi… phải tự độc (uống thuốc độc) chết trong ngục Bình Thuận cũng chỉ vì hay… cãi! Một nhân vật 15 tuổi đậu cử nhân, vua Thiệu Trị đích thân kiểm tra và phê son khen ngợi còn ghi sử sách, đánh giặc hiển hách như một chiến tướng tài danh vô song và kết thúc bằng bản tuyệt thư khá lạ. Bệnh cãi đấy! Nhưng không cãi sao được khi ta biết người đày ông vào Bình Thuận là ai? Nguyễn Văn Tường! Cần chánh điện đại học sĩ đấy!

Lại chuyện cãi om sòm nhất đầu thế kỷ XX của các bậc anh hùng tài danh mà dẫn đầu là Trần Cao Vân triết học, dịch học, lập thuyết Trung Thiên dịch mới mẻ với tổ chức cách mạng chống lề lối cũ; Nguyễn Thành Tiểu La với tư tưởng lãnh đạo, lần đầu xuất hiện trên vũ đài chính trị Việt Nam! Vĩnh biệt sự nhờ cậy đến điên cuồng của các bậc thầy như Tôn Thất Thuyết chuyên cậy Tàu, ông chuyển sang dựa Nhật, Phan Bội Châu đã tìm đến vị lý thuyết gia mới này để lập Hội Đông du lừng lẫy một thời. Nhưng lừng lẫy nhất là người cãi lại hết các thế hệ cứu nước cũ: Phan Châu Trinh, người cho là chỉ có đổi mới (Duy tân) mọi phương diện nhất là việc học mới có thể cứu nước hữu hiệu.

Không Âu hóa làm ăn bê bối, chẳng có phép tắc theo văn trị việc làm ăn thì không tiến bộ. Còn không hiện đại hóa công, kỹ nghệ, thương mãi thì chẳng bao giờ bằng người, kịp người. Thoát ly lối học cũ nhân trị, là đạo đức để tổ chức cai trị chỉ dẫn tới một chế độ biếng lười. Lấy pháp trị để phát triển, ai cũng biết tôn trọng hiến pháp, luật pháp thì mới mong có sự bình đẳng, sự công bằng và dành cho bất kỳ ai muốn tiến bộ được ứng dụng tài năng vào việc giúp nước.

Nếu không có pháp trị, không thể có dân quyền. Phan Châu Trinh cùng các bạn giương cao ngọn cờ dân quyền, thiết lập chế độ dân chủ là mục đích tối cao. Dân quyền giúp khai thác hết năng lực và tiềm năng của con người và đất nước để tổ chức một quốc gia hùng mạnh về chính trị, giáo dục và kinh tế.

Những cuộc cãi vã này làm ầm ĩ cả tỉnh rồi cả nước trong những năm sơ niên thế kỷ XX. Cuộc Âu hóa và hiện đại hóa có cơ sở vững vàng để phát triển. Nhưng tất nhiên những người lãnh đạo của các cuộc vận động ấy đều không được Cần chánh điện đại học sĩ mà chỉ chết như những thứ dân cao hơn Cần chánh điện đại học sĩ biết bao!

Cũng không thấy ai đề cập đến các ông Cần với các công trình nghiêm túc, nhưng Trần Cao Vân, Tiểu La Nguyễn Thành, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và nhất là Phan Châu Trinh cùng các bạn thì xuất hiện biết bao nhiêu tác phẩm ngoài Việt Nam cả ở Pháp, Mỹ… Công trình nghiên cứu về Trung Thiên dịch, Trung Thiên đạo của Trần Cao Vân, nguyên tác của Lương Vĩnh Thuật (Paris - với biệt hiệu Hành Sơn) và Trần Công Định tục biên và bổ túc đầu thập niên 90 này dày 545 trang, viết và in ở Mỹ là chứng minh mới nhất, gần nhất để cho thấy tư tưởng và hành động các nhân vật tiền bối của tỉnh nhà ngày càng sáng tỏ, càng làm sáng tỏ bệnh “hay cãi” có thiện ý.

Có thiện ý! Đó là tất cả các vấn đề để đóng góp vào văn hóa chính trị, kinh tế Việt Nam.

NGUYỄN VĂN XUÂN

(Lược trích từ Nguyễn Văn Xuân - Sức sống văn hóa xứ Quảng - NXB Hội Nhà văn 2011)
 

;
.
.
.
.
.