.
Tản văn

Những người cháu

Tôi có nhiều người cháu, như khá đông những người đã sống tới tuổi 50 - 60 trở lên, trong một dòng tộc phát triển bình thường ở một đất nước phát triển nhanh về dân số. Có những người cháu bằng hoặc lớn tuổi hơn tôi, gọi tôi bằng chú hay bằng cậu. Đó là những người cháu trong gia tộc mà cha hoặc mẹ của họ có số tuổi đời gần bằng tuổi của song thân tôi. Hai trong số những người cháu ấy là Võ Ngọc Sơn và Nguyễn Văn Kỳ, bạn học cùng lớp với tôi và đã có nhiều năm tháng khá thân thiết. Đi học với nhau trên cùng một con đường, chơi đùa với nhau ở nhà tôi hoặc ở nhà ông ngoại - ông nội của “hai đứa nó” (mà tôi gọi bằng bác - bác Thị Châu - người bác mà tôi giữ trong lòng những hình ảnh và tình cảm đẹp). Là bạn cùng lớp ở tuổi con nít, dĩ nhiên đã có lần cãi cọ đến mức suýt đánh nhau. May mà… Vậy mà, chưa hề “mày tao” với nhau. Nghĩ cũng… lạ. Mãi cho đến bây giờ, dù hiếm khi gặp nhau nhưng vẫn không khác “ngày xưa” là mấy: thân tình nhưng vẫn trước sau thứ bậc, bình đẳng mà không hề quá mức xuê xoa.

Nghĩ  cũng là lạ.

Tôi rời quê từ lúc ba tuổi, rồi nhiều năm sống xa… Sau khi im tiếng súng, về làng, đã lắm lần bị “mắng” vì gọi chị bằng dì, chào anh thành chú. Một người cháu lại “nhận ra” tôi: Bùi Thị Hải, người cháu mà tôi thực lòng có phần nể phục: Cái “con Bảy không biết chữ” ngày xưa ấy đã trở thành người sáng tác những làn điệu dân ca xứ Quảng đầy cảm xúc. Thỉnh thoảng, Hải gửi cho tôi một số bài cô viết, để cho tôi “tham gia”. Gần như tôi không thêm bớt gì. Không phải vì lười biếng hay ngại ngùng, mà tôi biết, không nên làm loãng đi cái chất dân gian hồn nhiên trong những bài thơ - hát của Hải. Hải cũng quý tôi: năm ngoái, khi ra mắt câu lạc bộ dân ca ở “quê làng cố quận” mà chính mình là người tổ chức - vận động, Hải bảo con trai đến chở tôi về dự cho bằng được, vì đêm ra mắt ấy là cả tình cảm của Hải đối với bà con xóm giềng. Đã có lần tôi phải chòng ghẹo Hải khi cô cháu này tỏ ra hãnh diện vì có một ông chú bị “liên can” đến cái nghiệp chữ nghĩa: “Ôi chao, có mấy ai lại khờ như Hải đâu. Phải “ưng cái bụng” nếu có người chú ở chức vị cao và nhiều tiền lắm bạc, mới “phải đạo” chứ?”. Hải cười hi hi, rõ là rất “ưng cái bụng” về cái sự điên điên của mình. Hải là thương binh sau nhiều năm tham gia chiến đấu bảo vệ làng quê và cô vẫn đang thuê một căn phòng tuềnh toàng làm chỗ trú cho hai mẹ con. Vậy mà Hải vẫn vui...

Nghĩ cũng lạ, phải không?

Những người cháu khác, là con của năm người anh chị em ruột tôi. Có đến mười lăm cháu (dân số tăng, như vậy cũng… chóng mặt). Thuộc một thế hệ khác, phần đông lớn lên trong khoảng thời gian cận kề cái mốc chấm dứt tiếng súng bom. Thế hệ khác, thì cách sống và suy nghĩ cũng khác, tất nhiên. Không thể “kể lể” được về tất cả, nhưng tôi mừng, vì chưa có người cháu nào… bị hư. Ơn trời, ơn ông bà tiên tổ. Chợt nhớ lời vị chủ tịch hội đồng quản trị một trường đại học ở miền Trung, mới vài tháng trước: Các vị tiền bối cách mạng của chúng ta xuất thân từ nhà trường thực dân Pháp. Thế hệ chúng ta lớn lên trong nhà trường đế quốc. Vậy mà sao lại có hoài bão tốt đẹp và chiến đấu dũng cảm như vậy? … giờ đây, tuổi già sức yếu không làm được gì nữa, chúng ta chỉ còn biết nhắc nhở nhau, phải cố gắng bảo vệ con cháu của mình giảm được chừng nào hay chừng đó trước những lây lan “dịch bệnh” từ xã hội bên ngoài…!

Vậy mà sao, cũng là, lạ lạ.

Tiếp nữa, tất nhiên là đến các cháu ngoại - nội của vợ chồng tôi, kể cả các cháu gọi tôi là ông cậu-ông chú.

Như cu Ri, con của người con gái út của chị ruột tôi. Năm nay lên mười, Ri vẫn nhớ hồi hai tuổi, tôi ghé nhà chơi và cõng Ri dạo trước sân nhà để cháu… ngắm trăng. Cháu siêng đọc sách và lễ độ.

Như cháu Ring và Bé, cháu nội tôi. Khỏe mạnh, béo hơn mức bình thường do… ngon miệng quá.

Như cu Mưa… cá biệt, cháu ngoại tôi, “kiên quyết” không chịu đi nhà trẻ.

Như cu Nam, con của cháu Mơ (gọi tôi bằng cậu ruột). Cu Nam sinh ở nước ngoài, lúc mới chưa đầy ba tuổi mà đã tự lo được cho mình những việc lặt vặt: D’ont worry about me (Đừng bận tâm về cháu). Và đang chạy chơi, chợt nhớ lời cô giáo bảo mẫu dặn, cu Nam dừng lại và… thở: hít vào phình bụng ra, thở ra thót bụng lại. Tôi thực tình… khâm phục cu Nam. Và… buồn, khi thấy có những thanh niên sắp đến tuổi vào đại học mà vẫn còn thích đọc truyện… tranh.

Nghĩ như quen, mà sao là, cũng lạ.

Những người cháu, đang - và - đã trở thành ông, thành bà. Những người cháu sẽ trở thành cha, thành mẹ. Biết nói gì hơn, ngoài lòng biết ơn đối với người đi trước và niềm hy vọng gửi đến người đi sau. Để mãi truyền lưu máu một dòng. Dòng Việt.

Nghĩ là lạ. Mà không.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

;
.
.
.
.
.