Như thường lệ, công ty nghỉ trưa lúc mười hai giờ. Bao bộn bề trên bàn làm việc tạm thời gác lại, nhường chỗ cho những thư giãn, giải lao ít ỏi của một ngày.
“Cơm thôi!” – Giọng An hoan hỉ.
“Ừ, cơm thôi....” – Lý đáp.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thấm thoát đã hai tháng Lý vào công ty làm. Một tháng thử việc. Một tháng bắt đầu làm chính thức. Lương cũng vừa đủ trang trải cuộc sống…
“Cơm! Nghĩ gì thế?”.
Giật mình. Vừa lửng lơ trôi trong dòng suy nghĩ, tâm trí Lý đã bị kéo ngược trở lại thực tại.
Hôm nay như mọi bận, An lại đem cơm từ nhà lên. Ngày nào mẹ An cũng dậy từ sớm sửa soạn cơm cho con gái đem theo đi làm. Ban đầu nghe An tâm sự, Lý ngạc nhiên trầm trồ lắm.
“Có gì đâu, mẹ An nói giờ đồ ăn ở ngoài không có bảo đảm, thôi để mẹ nấu cho chắc ăn…”.
An thích thật – Lý thầm nghĩ. Lâu lắm rồi thỉnh thoảng Lý mới được ăn cơm nhà chứ đừng nói đến cơm mẹ nấu. Dẫu biết lời mẹ An nói hoàn toàn không sai nhưng Lý biết làm sao được. Một thân một mình lên đây trọ học, không thân không thích. Bốn năm vùn vụt trôi qua. Chạy đôn chạy đáo xin việc khắp nơi, may mắn rồi cũng mỉm cười khi bước chân vào đây. Giờ này còn biết bao bạn bè của Lý xoay xở trong khốn khó ngoài kia…
“Hôm nay ăn gì nè?”.
“Lại cơm tấm thôi…”.
Gần chỗ trọ có hàng cơm tấm quen khá rẻ. Sáng, trước khi đến công ty, Lý hay tạt qua mua để trưa ăn.
Dù đến trưa cơm trong hộp đã nguội ngắt. Thôi kệ. Rẻ mà, hơn cơm gần công ty rồi…
An khoe mẹ chu đáo lắm, trong cà-mèn bao giờ cũng có một món mặn và canh, lại thường xuyên thay đổi cho con gái không ngán.
“Để xem hôm nay mẹ nấu món gì…”
Lý cũng mở hộp cơm đặt lên bàn. Phòng chỉ có hai đứa là con gái, lại xêm tuổi nên thân nhau lắm. Mấy ông con trai còn lại chỉ toàn thích đi ăn ngoài, cơm xong còn cà-phê cà pháo đọc báo hút thuốc tán dóc với nhau đến đầu giờ chiều mới chịu về.
“A, canh khổ qua dồn thịt nè. Lý ăn chung luôn nhen”.
Cơm bỏ trong cà-mèn nên khi An lấy ra vẫn còn âm ấm.
“Ừ, ngon ghê!” - Húp thử một muỗng, Lý xuýt xoa.
“Cơm thôi, Lý”.
“Ừa, cơm. Giờ Lý đi mua nè, có gửi gì không?”.
“Cho An đi chung với, có gì ngon thì mua. Bữa nay không ăn cơm tấm nữa hở?”.
“Ăn hoài ngán chết được”.
Cách công ty vài căn có hàng bún thịt nướng, lâu Lý ăn thấy cũng được, thôi ghé mua vậy.
“Mua chè nữa Lý, ăn cơm xong tụi mình tráng miệng, hi hi…”.
Để ý mới thấy, từ khi nào mà Lý có thói quen hồi hộp chờ đợi xem hôm nay trong cà-mèn An đem cơm có món gì. Càng ngày, Lý càng trào lên một cảm giác ngưỡng mộ lắm – con người đã một mình sửa soạn hết thảy những bữa trưa thế này.
Mở hộp bún thịt nướng, Lý bóc bao đũa, tháo giây thun cột bịch nước mắm rồi chan vào hộp.
Những cái hộp xốp màu trắng. Thân thương như người bạn tri kỷ. Lý bật cười khi lại tự thả trôi tâm trí trong dòng sông liên tưởng vô cùng tận. Trí tưởng tượng là một món quà quý Lý được trao tặng từ thuở bé. Ngay như lúc này, Lý thấy chúng: vô số cái hộp xốp trắng đang nhảy múa, nhún nhảy, lộn vòng, xếp hàng chạy vòng quanh. Bỗng nhiên, nắp của chúng bật mở. Cơm tấm. Cơm tấm. Cơm tấm. Cơm tấm...
Bún thịt nướng. Bún thịt nướng. Bún thịt nướng. Bún thịt nướng…
“Ăn đi! Lại nghĩ gì thế?”.
Một lần nữa tiếng nói của An biến thành đôi bàn tay giật mạnh, lôi tuột Lý trở về giữa buổi ban trưa.
Thịt kho. Canh khoai mỡ. Lý liếc nhìn màu tim tím hấp dẫn nơi phần cơm của An.
“Trông ngon nhỉ?”.
“Mẹ An mà!”.
“Ừ. Thích thật. An là sướng nhất rồi…”.
Cơm xong xuôi, đôi bạn “giải quyết” tiếp hai ly chè đã mua khi nãy. Giọng An thốt nhiên bồi hồi:
“Vì nhà chỉ có An và mẹ thôi, nên mẹ cưng An nhất…”.
Lâu nay, ít nghe An nói về chuyện gia đình, Lý tưởng tượng An như một tiểu thư thành phố được bao bọc đủ đầy: chỉ việc sáng đi làm chiều về nhà, chẳng phải lo nghĩ tiền phòng tiền ăn tháng này chi tiêu bao nhiêu, nên gói ghém tiết kiệm thế nào cho phải. Nhưng dường như, thật ra ai ai ít nhiều cũng có những nỗi niềm riêng. Giấu cho mình thôi – Lý thường nhủ lòng vậy… Những câu nói cứ văng vẳng trong đầu không dứt. Phải mạnh mẽ hơn. Thành người lớn rồi. Chẳng còn bé bỏng nữa đâu. Nước mắt cần biết kìm nén lại…
“Ba An đi lấy vợ khác từ lâu lắm rồi. Mới đầu, nhà còn có chị An nữa. Rồi chị đi du học, học xong ở lại làm luôn, kiếm tiền gửi về cho mẹ…”.
Câu nói của An lửng lơ tại đó cùng hai ly chè đã vơi đi quá nửa.
“Cơm thôi…”.
“Ủa, cà-mèn đâu?”.
“Mẹ An bị mệt nên sáng không làm đồ ăn. Chút nữa chiều An xin về sớm chở mẹ đi khám bệnh. Hôm nay Lý ăn gì cho An theo mua với…”.
Vậy là hôm nay Lý không được thưởng thức “ké” món canh mẹ An nấu rồi. Cảm giác có gì đó như hụt hẫng trong lòng.
“Ừ, đi một vòng xem thử có gì ngon nhen”.
Bữa cơm trưa của Lý cứ thế đều đặn diễn ra theo vòng quay của mọi ngày. Cơm trưa của những người đi làm. Có thể là nơi quán xá đông đúc mồ hôi nực nội trưa hè ở đâu đó. Cũng có thể mát mẻ hơn trong phòng máy lạnh, tại một góc bàn làm việc. Hay nhiều chốn cà-phê có đề bảng to bên ngoài: “Cơm trưa văn phòng”. Hoặc rất lắm khi: những bữa trưa chỉ toàn những hộp xốp và hộp xốp liền kề.
Và mấy ai biết đâu, niềm vui bé nhỏ của người ăn trong hộp xốp là đợi chờ xem người đem cà-mèn hôm nay có món gì…
“Ăn gì hai đứa?”.
“Dạ cho con mực xào thơm… An ăn gì?”.
Đắn đo, lúng túng mãi, cuối cùng An mới chọn được món đậu hũ dồn thịt. Bác bán cơm cứ thế tay thoăn thoắt gắp thức ăn bỏ vào hộp. Cơm vẫn còn nóng hổi. Lại bỏ vào bao ni-lông bịch canh nóng, thêm trái chuối, đũa rồi tăm.
Trên đường về công ty, hai đứa còn đi ngang vài hàng quán nữa. Lại bắt gặp mấy ông con trai cùng phòng đang ngồi vừa ăn vừa tán chuyện nổ còn hơn bắp rang.
“Tụi con trai… vui thật, Lý nhỉ?”.
“Ừ…” – Lý cười.
“Lâu lâu mới lại ăn cơm hộp, xem ngon không nào…”.
“Được không?”.
“Cũng được…”.
“Thua mẹ An thôi hả?”.
“Ừa. Cơm mẹ là nhất!”.
Cơm mẹ là nhất. Lý thấy có gì cay cay nơi khóe mắt. Giờ này ở quê, cả nhà chắc cũng đang dùng cơm. Lý hình dung mẹ đang bới cơm cho bố, cho em gái vừa đạp xe đi học về. Trong mâm cơm là con cá chiên. Tô canh mồng tơi. Ít muối vừng mẹ tự làm... Không cầm lòng được, Lý thốt lên:
“An là sướng nhất rồi…”.
LƯU QUANG MINH