Đà Nẵng cuối tuần
Châu Thị Vĩnh Tế, tên người tên kênh
Bà có công tận tụy giúp đỡ chồng trong việc đào con kênh từ Châu Đốc ra đến Hà Tiên nên vua Minh Mạng lấy tên bà đặt tên cho kênh là kênh Vĩnh Tế.
Châu Thị Vĩnh Tế (1766-1826) hay Châu Thị Tế người cù lao Dài (cù lao Năm Thôn) thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Bà là trưởng nữ của ông Châu Huy (có sách chép là Châu Vĩnh Huy) và bà Đỗ Thị Toán.
Thời chúa Nguyễn, Nguyễn Văn Thoại theo mẹ rời làng An Hải (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng ngày nay) di cư vào Nam sinh sống ở cù lao Dài nên đã gặp bà và cưới bà tại đây vào năm 1788.
Bà nổi tiếng là người vợ hiền đức, tận tụy, đảm đang, đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp lừng lẫy của chồng. Bà còn là người có công xây dựng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam - Châu Đốc.
Khi chồng bà, Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại, được vua giao trọng trách đào con kênh nối liền từ Châu Đốc đến Hà Tiên, bà đã tận tụy giúp chồng chăm lo công việc đại sự. Những lúc chồng bận việc công cán, bà đã thay chồng lãnh phần đôn đốc, coi ngó việc đào kênh, tiếng nhân đức của bà được nhân dân truyền tụng. Bấy giờ trong dân gian có câu: Nước Nam trai sắc gái tài,/ Gương bà Châu thị lưu đời ngàn năm.
Việc đào kênh dài hơn 87 km này kéo dài trong 5 năm (1819-1824), huy động đến hàng vạn nhân công và phải hoãn 4 lần. Công trình thủy lợi chiến lược này đã được sách cũ mô tả “dài 205 dặm rưỡi, rộng 7 trượng 5 thước, sâu 6 thước… Từ đấy, đường sông lưu động, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng…”.
Để tuyên dương công trạng của vợ chồng bà và thể theo lòng dân mến mộ, vua Minh Mạng cho lấy tên chồng bà là Nguyễn Văn Thoại đặt cho con kênh “Thoại Hà”, núi “Thoại Sơn”, đặt tên kênh Châu Đốc - Hà Tiên là “Vĩnh Tế Hà”, núi Sam gần đấy là “Vĩnh Tế Sơn” và làng cạnh núi là “Vĩnh Tế Thôn”. Năm 1836 (Minh Mạng thứ 17), vua cho chạm hình tượng kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh, đỉnh đồng lớn nhất trong Cửu đỉnh đặt tại Thế miếu, Huế.
Chồng bà đã soạn bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký (Bia chép núi Vĩnh Tế do vua đặc biệt ban tên) và đã dành cho bà những lời lẽ tốt đẹp như sau:
“... Năm trước đây, thần phụng mạng xem sóc việc đào kênh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kênh núi Sập mà đặt tên núi Thoại (tức Thoại Sơn). Đến nay, hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố đến vợ thần là Châu Thị Tế, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là Vĩnh Tế Sơn...”.
Tú tài Trần Hữu Thường đã dịch thành thơ: “... Họ Châu tên Tế vợ tôi,/ Noi bà Thái Dĩ (vợ Chu Văn Vương, có công giúp chồng, nổi tiếng đức hạnh - NV) ỷ ôi khuyên chồng./ Thờ trên siêng gắng một lòng,/ Cũng nhờ chút giúp sửa xong nghĩa đời./ Bề trên dùng núi sánh người,/ Sửa tên Vĩnh Tế ngàn ngày để vinh./ Người nhớ núi ấy nêu danh,/ Tóc trâm móc gội thêm xinh khôn dò./ Núi nhờ người đặt hiệu cho,/ Cỏ cây thêm sắc ơn vua thắm nhuần...”.
Thoại Ngọc Hầu và Châu Thị Tế được người dân An Giang cảm mến, nhớ ơn. Ở huyện Thoại Sơn, ngoài đền thờ, bia đá còn có khu du lịch mang tên Hồ Ông Thoại. Tại chân núi Sam, có một làng mang tên Vĩnh Tế. Hai tiếng Vĩnh Tế đời biểu lộ sự nhớ ơn của nhân dân đối với ông bà Bảo hộ Thoại... Nơi này còn có câu ca dao: Đi ngang qua cảnh núi Sam,/ Thấy lăng Ông Lớn hai hàng lụy rơi./ Ông ngồi vì nước vì đời,/ Hy sinh tài sản không rời nước non./ Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ, /Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên bà cho con đường dài 359m, rộng 7,5m (ảnh), từ đường Nguyễn Văn Thoại đến khu dân cư, thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 24-12-2009 của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC