Đà Nẵng cuối tuần
Hàm Nghi
Kỳ 2: Nỗi hờn vong quốc
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau đúng một tháng lênh đênh trên biển, chiều chủ nhật ngày 13-1-1889, cựu hoàng Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algérie (lúc đó là thuộc địa của Pháp) và bắt đầu cuộc lưu đày khi vừa bước qua tuổi 18.
Lúc đầu, ông tạm trú tại L’Hôtel de la Régence (Tòa Nhiếp chính); sau đó, được chuyển về ở Villa des Pins (Biệt thự Rừng thông) thuộc làng El Biar, cách Alger 5 cây số. Ngày 24 tháng 1, Toàn quyền Tirman của Algérie tiếp kiến và mời cựu hoàng dùng bữa cơm gia đình.
Vẹn tấm lòng Việt trên đất khách
Mấy hôm sau, Toàn quyền Tirman báo tin thân mẫu của cựu hoàng là bà Phan Thị Nhàn (vợ thứ của Kiên Thái Vương, hoàng tử thứ 26 của vua Thiệu Trị) vừa mất vào ngày 21 tháng 1 tại Huế. Khi bước lên tàu rời xa quê hương, ông đã ngoái vào bờ và òa khóc vì không nén được cảm xúc từ niềm riêng và vận nước. Khi hay tin mẹ mất, lòng ông lại quặn đau vì không tròn đạo hiếu.
Trong mười tháng liền sau đó, ông nhất định không chịu học tiếng Pháp vì cho đó là thứ tiếng của kẻ đã xâm lược nước mình, mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Sau, thấy người Pháp ở Algérie thân thiện, không như người Pháp ở Việt Nam, nên ông bắt đầu học tiếng Pháp và chỉ sau vài năm đã nói và viết thuần thục tiếng Pháp.
Năm 1904 diễn ra một sự kiện văn hóa ở Alger: Ông đính hôn với Marcelle Laloë (1884-1941), con gái Chánh tòa Thượng thẩm Alger. Hai ông bà có với nhau 3 người con: các công chúa Như Mai (1905- 1999), Như Lý (1908-2005) và hoàng tử Minh Đức (1910-1990).
Trong suốt thời gian lưu đày, cựu hoàng luôn hướng về cố quốc, thường ngày vẫn dùng khăn đóng áo dài với búi tóc đặc trưng Việt Nam. Lúc sinh thời, người con đầu của ông là công chúa Như Mai kể rằng, khi vua Bảo Đại qua Alger thăm có mang cho ông một số tiền, nhưng ông không nhận và khuyên Bảo Đại nên đem tiền về lo cho dân nghèo.
Sống trên đất khách, tuy ông tiếp xúc với người Pháp và người bản xứ bằng tiếng Pháp thông thạo, nhưng vẫn luôn nói tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Một lần có người ca ngợi nước Pháp giàu đẹp, ông đáp: “Lịch sử nước Pháp rất hấp dẫn tôi, nhưng lịch sử của nước tôi cũng hấp dẫn tôi không kém”. Nhiều quan chức cao cấp của Pháp rất tôn trọng tinh thần yêu nước và phong cách sống phương Đông của ông.
Vị vua yêu nước thời chống Pháp
Ngày 4-1-1944, cựu hoàng Hàm Nghi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày tại Villa de Gia Long (Biệt thự Gia Long) và được an táng tại thủ đô Alger. Ông ra đi mang theo nỗi hờn vong quốc không bao giờ nguôi ngoai trong tâm trí và để lại sự mến thương, nể trọng của vợ con và kiều bào Việt Nam lúc đó. Năm 1965, sau khi Algérie độc lập, vợ con ông dời hài cốt ông về làng Thonac vùng Dordogne, miền Tây nước Pháp. Công chúa Như Mai là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trúng tuyển và đỗ đầu vào Institut d’Agronomie de Paris (Viện Nông học Paris) năm 1926. Bà sống độc thân, chăm lo phần mộ của vua cha từ năm 1965 đến khi bà tạ thế.
Nhà ông cả ba anh em đều làm vua, nên dân gian hồi đó có câu hát: “Một nhà sinh đặng ba vua,/ Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài”. (Vua còn là Đồng Khánh, vua mất là Kiến Phúc, vua thua tức Hàm Nghi). Riêng ông, cùng với hai vua Thành Thái và Duy Tân, được xem là 3 vị vua yêu nước của Việt Nam thời Pháp thuộc.
Ngày 24-1-2010, bức tranh Déclin du jour (Chiều tà), do ông vẽ năm 1915 trên vải khổ 35 x 46cm được phát hiện dưới nghệ danh Xuân Tử, đã được bán đấu giá ở Paris, Gérard Chapuis - một bác sĩ người Pháp gốc Việt đang sinh sống tại Marseille, mua với giá 8.800 euro. Bức tranh được cho chịu ảnh hưởng bởi phong cách của Paul Gauguin, sau lần ông sang thăm Paris vào năm 1899 và đến xem một triển lãm của danh họa này.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 730m, rộng 15m, từ đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Văn Linh, theo Nghị quyết HĐND thành phố khóa V, ngày 10-7-1999 về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC