Đà Nẵng cuối tuần

CỬA SỔ TRI THỨC

Việt hóa từ gốc Hán

08:38, 25/11/2012 (GMT+7)

* Các từ gốc Hán đã được Việt hóa như thế nào? (Nguyễn Mạnh, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Trong bài viết “Từ Hán Việt - Những khía cạnh Việt hóa” đăng trên Tạp chí Tài hoa trẻ, tác giả Võ Ngân Vương có đề cập đến sự Việt hóa gốc Hán về các mặt kết cấu, ý nghĩa và màu sắc tu từ.

1. Thay đổi kết cấu: Dễ thấy nhất là xu hướng rút gọn hàng loạt từ ghép thành từ đơn: văn (văn chương, văn học), lệnh (mệnh lệnh), đảm (đảm đương), hạn (kỳ hạn), hỗn (hỗn hào), điệu (yểu điệu), nghiệt (khắc nghiệt)… Đã thế, người Việt lại phát triển thành từ ghép Việt Nam theo công thức: từ Việt + từ Hán. Ví như: cảm mến, bao gồm, bày biện, bình bầu, biến đổi, bồi đắp, kỳ lạ, sống động...

Ngay cả những từ ghép mang gốc Hán hoàn toàn, khi trở thành từ Hán - Việt thì đã chuyển hóa vị trí. Thí dụ: náo nhiệt (Hán: nhiệt náo), di chuyển (chuyển di), tố cáo (cáo tố), phóng thích (thích phóng)...

Lại có những từ ghép hoàn toàn mang gốc Hán, song người Việt thay hẳn một yếu tố nào đấy để dùng riêng: họa sĩ (Việt) - họa sư/họa công (Hán); tường tận - tường tế... Thậm chí, những kết cấu ngôn ngữ Hán rất ổn định, rất bền vững là thành ngữ, thì cũng phải thay đổi lúc trở thành thành ngữ Hán - Việt. Những từ nằm trong ngoặc đơn ở các thí dụ sau là gốc Hán: tác oai tác quái (tác uy tác phúc), khẩu Phật tâm xà (Phật khẩu xà tâm), du thủ du thực (du thủ hiếu nhàn), thập tử nhất sinh (cửu tử nhất sinh), an phận thủ thường (an phận thủ kỹ), thượng lộ bình an (nhất lộ bình an)...

2. Thay đổi ngữ nghĩa: Với những từ ghép đa nghĩa, lắm khi chúng ta chỉ chọn một số ý nghĩa nào đấy mà thôi. Chẳng hạn từ phù phiếm, ta chỉ dùng nghĩa bóng là “không thiết thực” mà không dùng nghĩa đen là “ngồi thuyền dạo chơi”.

Nhiều trường hợp, khi vay mượn từ gốc Hán, người Việt chủ động phát triển thêm một vài nghĩa không có trong tiếng Hán. Từ Hán đinh ninh vốn có nghĩa “dặn dò”, lúc trở thành từ Hán - Việt thì có thêm nghĩa mới là “yên trí”. Hoặc từ bồi hồi vốn có nghĩa “đi đi lại lại”, người Việt còn hiểu là “bồn chồn, lòng dạ không yên”.

Táo bạo nhất là cách thay đổi toàn diện ý nghĩa: hình thức vay mượn, song ý nghĩa lại khác hoàn toàn. Như khôi ngô, từ Hán có nghĩa “to lớn”, còn từ Hán - Việt lại có nghĩa “thông minh”. Hoặc mê ly, từ Hán có nghĩa “mơ hồ, không rõ”, từ Hán - Việt có nghĩa “rất hay, rất hấp dẫn”. Hoặc lẫm liệt, từ Hán có nghĩa là “rét mướt”, từ Hán - Việt có nghĩa “oai phong”. Với những trường hợp này, sự Việt hóa đã đạt đến mức triệt để.

3. Thay đổi màu sắc tu từ: Thông thường, với hai từ đồng nghĩa (một từ Hán - Việt và một từ Việt), thì dùng từ Hán - Việt mang tính trịnh trọng hơn, hoặc văn hoa hơn. Thí dụ: phụ nữ/đàn bà; nhi đồng/trẻ em; phu nhân/vợ; mẫu tử/mẹ con; trường thọ/sống lâu; từ trần/chết...

Tuy nhiên, có những từ Hán - Việt lại mang màu sắc tu từ trái ngược so với từ gốc Hán. Đáo để vốn có nghĩa “đến tận đáy”, “đến cùng”, song trong ngôn ngữ Việt Nam lại là “riết róng, đanh đá”. Thủ đoạn tiếng Hán có nghĩa “phương pháp, kỹ pháp”, song đối với chúng ta thì đây là từ chỉ “mưu mẹo, mánh khóe” theo nghĩa xấu. Dã tâm trong tiếng Hán chỉ mang nghĩa “tham vọng”, song biến thành từ Hán - Việt thì có nghĩa “lòng dạ hiểm độc”.

ĐNCT

.