Đà Nẵng cuối tuần
Phạm Cự Lượng vì lợi nước quên thù nhà
Giữa lúc giặc phương Bắc lăm le xâm lược đất nước, ông đành dứt mối thù riêng để tập trung vào công cuộc chống ngoại xâm.
Đường Phạm Cự Lượng trên địa bàn quận Sơn Trà. |
Phạm Cự Lượng (944 – 984), còn gọi là Phạm Cự Lạng, người làng Trà Hương, Khúc Giang, nay thuộc Nam Sách, Hải Dương. Ông nội ông từng giữ chức Đông giáp Tướng quân đời Ngô Quyền; cha ông làm Tham chính Đô đốc đời Ngô Nam Tấn vương (Xương Văn). Ông có 8 anh chị em, 5 trai, 3 gái, tất cả đều hiển đạt.
Khi Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, ông cùng người anh cả là Phạm Hạp đem hơn 2.000 người, ngựa từ quê nhà ra Hoa Lư theo phò. Năm 968, dẹp xong loạn, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua lấy đế hiệu Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ông được phong Tâm phúc Tướng quân coi việc Thị vệ quan thân cận của vua. Anh trai ông cũng là một danh tướng và được vua Đinh tín cẩn.
Năm 979, vua Đinh và Nam Việt vương Đinh Liễn bị gian thần Đỗ Thích giết chết, đình thần tôn em Liễn là Đinh Toàn mới sáu tuổi lên kế ngôi vua cha. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn nhiếp chính, tự xưng là Phó Vương.
Sợ Lê Hoàn tiếm ngôi nhà Đinh, Phạm Hạp cùng với Đinh Điền và Nguyễn Bặc đem quân chống lại, với danh nghĩa bảo vệ vua nhỏ tuổi. Việc không thành, Đinh Điền tử trận, Phạm Hạp và Nguyễn Bặc bị bắt đưa về kinh hành quyết. Trong triều biến loạn, ngoài biên ải quân thù dòm ngó, chính sự thật rối ren.
Bấy giờ, nhà Tống ở phương Bắc vừa thống nhất toàn Trung Hoa nên nhân đó mưu toan bành trướng xuống phía Nam. Năm 981, nhà Tống đem quân thủy bộ sang xâm lược nước ta.
Sau khi nhận được tin dữ, Thái hậu Dương Vân Nga truyền cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn vạch kế hoạch đối phó với quân Tống. Dẫu biết Phạm Cự Lượng là em ruột người vừa bị mình hành quyết, nhưng Lê Hoàn vẫn tiến cử họ Phạm vì cho rằng đất nước đang cần tướng tài và tuy hai anh em nhưng người nào có chí riêng của người ấy, không nên vì tội của anh mà nghi ngờ em.
Bản thân Phạm Cự Lượng cũng có cái nhìn sáng suốt trước vận nước lâm nguy, ông đã cùng tướng sĩ phò lập Lê Hoàn lên làm vua vì thấy rằng chỉ có Thập đạo Tướng quân mới có thể đảm đương trọng trách giữ yên đất nước.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: ... khi triều đình đang họp bàn về việc xuất quân chiến đấu thì Phạm Cự Lượng cùng các tướng quân khác mặc binh phục, đi thẳng vào Nội phủ và nói với mọi người rằng: “Nay, thưởng người có công mà phạt kẻ không vâng mạng, đó là phép hành binh. Bây giờ Chúa Thượng hãy còn thơ ấu, bọn ta dẫu hết sức liều chết, may mà có chút công lao thì ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn ngay Thập đạo Tướng quân lên làm Thiên tử, sau sẽ ra quân”.
Lê Hoàn, ngay khi vừa lên ngôi (Lê Đại Hành), đã sai Phạm Cự Lượng gấp rút chỉnh đốn quân đội, sẵn sàng đối đầu với quân Tống. Vua thân chinh đánh giặc, kế thừa kinh nghiệm của Ngô Quyền lúc trước, cho đóng cọc gỗ vạt nhọn xuống sông Bạch Đằng rồi nhử địch vào khu mai phục sẵn để tiêu diệt. Phạm Cự Lượng chỉ huy thủy quân, thực hiện thành công chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ 2 trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Tướng Tống là Hầu Nhân Bảo chết trận, quá nửa quân giặc bị diệt, buộc vua Tống xuống chiếu lui quân.
Năm sau, 982, Phạm Cự Lượng được cử cầm quân đánh Chiêm Thành để trả đũa việc vua Chiêm vô cớ bắt sứ giả Đại Cồ Việt. Sau đó, ông được vua giao việc khai sông mới, đắp đường, đào cảng ở một số vùng đất thuộc Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay. Về sau, những nơi này đều lập đền thờ ghi ơn ông.
Năm 41 tuổi, ông mắc bệnh sốt rét, mất tại Đồng Cổ, nơi ông đang làm việc. Nhà vua thương tiếc, sai người đem linh cữu về kinh, an táng tại phía nam Bồ Sơn.
Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 1.500m, rộng 7,5m, trên địa bàn quận Sơn Trà theo Nghị quyết về Đặt tên một số đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2011 của HĐND thành phố.
LÊ GIA LỘC