Đà Nẵng cuối tuần
Trần Thủ Độ, người sáng nghiệp Triều Trần
Triều Trần đã sản sinh nhiều nhân vật lừng danh trong lịch sử dân tộc, trong đó, Trần Thủ Độ được một số sử gia xem là “đại khai quốc công thần” của triều đại 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông này.
Trần Thủ Độ (1194 - 1264) xuất thân trong một gia đình làm nghề chài lưới tại làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng; nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Mồ côi cha từ nhỏ, ở với người anh cả, ông phải lam lũ mưu sinh nên học hành không nhiều. Năm 1224, ông được nhà Lý phong làm Điện tiền Chỉ huy sứ giữ quân hộ vệ cấm đình.
Vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung có 2 con gái, người em được phong là công chúa Chiêu Thánh. Thủ Độ ép Huệ Tông lên làm Thái thượng hoàng để nhường ngôi cho Chiêu Thánh, tức Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới lên 7 tuổi. Ông cùng với Trần Thừa đem Trần Cảnh (con trai Trần Thừa) tác hợp với Chiêu Hoàng, sau đó bức tử Huệ Tông và ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông, khởi nghiệp nhà Trần vào khoảng cuối năm 1225.
Sau khi nhà Trần thành lập, Trần Thủ Độ được cử giữ chức Thái sư với quyền thế ngày càng cao. Ông là người có bản lĩnh, quyết đoán, nhiều thủ đoạn chính trị, nhưng làm quan rất nghiêm minh.
Có lần ông đi duyệt định hộ khẩu, công chúa Thiên Cực xin cho một người được làm chức Câu đương, ông nhận lời. Khi xét duyệt, ông gọi người nọ lên rồi bảo: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt ngươi một ngón chân để phân biệt với người khác!”. Người đó van xin mãi ông mới tha cho. Từ đó, không ai dám đến nhà ông xin xỏ việc riêng nữa.
Vợ Thủ Độ là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung (chị họ ông và là vợ vua Huệ Tông) khi đi ngang qua cung cấm thì bị một người lính chạy cờ ngăn lại. Bà về kể lại và khóc: “Mụ này là vợ ông mà bị bọn quan khinh nhờn như vậy!”. Ông tức giận sai bắt người lính chạy cờ về trị tội. Nhưng sau khi nghe người này trình bày nguyên do thì ông cười và nói: “Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa”, nói rồi sai ban thưởng cho người này.
Qua những chuyện này, người đời sau cho rằng ông là một điển hình mẫu mực về lòng tận tụy, đức liêm chính, đi đầu trong việc chống các hiện tượng tiêu cực (hối lộ, lợi dụng chức quyền,…), bảo đảm luật pháp nghiêm minh. Với quân giặc xâm lược, ông tỏ rõ ý chí chiến đấu.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), khi vua Thái Tông và một số triều thần tỏ ra dao động trước thế mạnh của giặc, ông đã khảng khái nói: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”. Câu nói chắc như đinh đóng cột ấy đã làm cho vua tôi vững dạ, tự tin vào sức mạnh của mình, cả nước cũng vin vào đó mà quyết sống mái một trận cùng quân giặc và cuối cùng đã chiến thắng lẫy lừng.
Đánh giá về Trần Thủ Độ, có hai luồng ý kiến khác nhau.
Các sử gia phong kiến mà điển hình là các sử thần nhà Lê với quan niệm đạo đức và tư tưởng trung quân Nho giáo đã đánh giá Trần Thủ Độ rất khắt khe. Để nói về ông, họ thường dùng những từ như: độc đoán, tàn bạo, gian hùng, bất nhân, có tội với nhà Lý, ít học, loạn luân...
Tuy nhiên, một điều quan trọng ai cũng thấy là mọi việc ông làm không vì lợi ích cá nhân mà đều phục vụ lợi ích dòng họ Trần và cơ nghiệp Nhà Trần – triều đại hưng thịnh vào bậc nhất của chế độ phong kiến Đại Việt.
Chính vì thế, người dân ở Tiên Sơn – Hà Bắc, quê hương của Nhà Lý, đã dựng đền thờ ông và với câu đối: Công đáo vu kim bất đán Trần gia nhị bách tải/ Luận định thiên cổ kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu. Dịch nghĩa: Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong 200 năm đời Trần. Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc nhất dưới trời Nam.
Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 370m, rộng 10,5m thuộc địa bàn phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, theo Nghị quyết số 28/2003/NQ/HĐND ngày 11-1-2003 của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC