Đà Nẵng cuối tuần
45 năm sau...
Đúng 8 giờ sáng 25-11-2012, nhằm ngày 12-10 năm Nhâm Thìn, trên đồi đất gồ ghề cây, gạch, đá… bên kia Bến Đò Xu xã Hòa Xuân, Đinh Ba đốt cháy thẻ hương vái lạy cha và xin động thổ. Anh hùng Đinh Châu, nằm dưới huyệt tạm sâu đến 2,8 mét, trong lòng đất, đầy bùn, nước. Tính từ 8 giờ sáng ngày 30-1-1968, thì thiếu một tháng là tròn 45 năm, cha của Đinh Ba vẫn chưa về được nơi yên nghỉ.
…Theo kế hoạch của chiến dịch T25, Tiểu đoàn R.20 - tiểu đoàn số 1 - tinh nhuệ của Đặc khu Quảng Đà sẽ tìm nhập, lót sát bên bờ Nam sông Cẩm Lệ, bố trí quân xuống phía sông Hàn, bí mật rấm quân ở các thôn Cồn Dầu, Trung Lương, Liêm Lạc... chờ đêm thì vượt sông, qua vùng Cây Đa, Cây Xợp… áp sát Bộ chỉ huy Quân đoàn I ngụy.
Bất ngờ, 4 giờ chiều 30 Tết Mậu Thân, Bí thư khu ủy Năm Công đang ở Xuyên Khương, Duy Xuyên, bỗng nhận được bức điện từ Quân khu ủy V: “Hoãn ngày N lại một ngày”. Sau một lúc căng thẳng, Năm Công bảo cần vụ gửi một bức điện với nội dung: “Khu V đã triển khai lực lượng vào vị trí chiến đấu, không thể hoãn được. Xin cho Khu V thực hiện theo phương án cũ”.
Trước giờ N-giờ nổ súng, qua điện báo của các đơn vị thì các mũi tiến công đã áp sát mục tiêu. Bỗng Tư Thuận (tức đồng chí Trương Chí Cương, trực tiếp chỉ huy chiến dịch T 25) nhận được điện khẩn của Thường vụ Khu ủy V, từ bộ phận cơ yếu. “Hoãn giờ N”, tức là giờ N phải chờ 24 tiếng đồng hồ sau. Đọc xong bức điện, Tư Thuận thần người ra, tay đập mạnh vào đầu chiếc võng đang ngồi. Tư Thuận vẫn chưa tin, gọi ngay điện thoại sang Bộ tư lệnh tiền phương Mặt trận 4, xác định lại. Đúng! Tư Thuận lập tức lệnh điện hỏa tốc cho các đơn vị có thể liên lạc được, qua vô tuyến, qua PRC25 vẫn y lệnh giờ N.
Tư Thuận càng lo hơn khi biết Sư đoàn 2 đã nhận được lệnh “Hoãn”. Có nghĩa là cú đấm quyết định hỗ trợ cho các mũi tiến công vào sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy không có. Lần đầu tiên Tư Thuận nói đến hai chữ “khó khăn” khi nghĩ đến Tiểu đoàn R.20 - mũi tiến công chủ yếu do Đinh Châu, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Đà trực tiếp chỉ huy.
Sư 2 nhận được lệnh “Hoãn” khi mới hành quân cấp tốc đến đất Duy Xuyên, liền ghìm quân lại Gò Nổi, sau đó không thể đưa quân áp sát Đà Nẵng như kế hoạch. Còn mũi chủ lực của Mặt trận 4 thì đã tiềm nhập sát mục tiêu… Mũi phía đông của Tiểu đoàn R20, gồm một trung đội của Tiểu đoàn phối hợp với một Trung đội của bộ đội khu 3 Hòa Vang, là mũi duy nhất với 57 chiến sĩ bí mật, bất ngờ tiềm nhập sớm nên qua được sông Cẩm Lệ, vào khu vực Chùa Bà Quảng trên đất Hòa Cường, một bộ phận chiếm lĩnh Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, phá hủy một xe thiết giáp, diệt nhiều tên lính. Bị tấn công bất ngờ lính tráng Quân đoàn I hốt hoảng, lúng túng chống đỡ, chờ viện binh.
Mờ sáng 30-1-1968, địch tổ chức phản kích, máy bay Mỹ yểm trợ, rải quân từ Cây đa Đò Xu lên tới Khuê Trung - Cẩm Lệ. Máy bay trực thăng bay thấp, quét đại liên dọc theo sông. Một mũi quân của Tiểu đoàn R.20 tiến qua hướng cầu Cẩm Lệ bị phản kích quyết liệt, tổn thất nặng không chiến sĩ nào vượt qua được bên kia cầu Cẩm Lệ. Hai mũi chính diện từ Cồn Dầu - Cổ Mân bị kẹt ở bên kia sông.
Lúc 7 giờ sáng, Bộ Chỉ huy tiền phương của Tư Thuận tại La Hòa, qua điện đài còn liên lạc với Mai Đăng Chơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng đi với Đinh Châu; trong khi bộ đội thiện chiến của Tiểu đoàn R.20 phải chống trả một cách quyết liệt, kiên cường, trong thất thế, với một lực lượng áp đảo cả bộ binh trực thăng và phi pháo địch.
Khoảng 8 giờ kém, sáng ngày 30-1-1968, địch mở trận tấn công, Đinh Châu và các cộng sự trụ lại chiến đấu quyết liệt, kiên cường.
Đinh Châu hy sinh. Bộ chỉ huy tiền phương bàng hoàng.
Từ Hạ Nông, Tư Thuận qua điện đài nói chuyện trực tiếp, không cần mật mã với Mai Đăng Chơn, trong tiếng ầm ào của máy bay và đạn rốc-két. Bộ Chỉ huy tiền phương bắt liên lạc được một lúc, khoảng hơn 8 giờ sáng hôm ấy - mồng một Tết Mậu Thân, thì tin từ mũi tấn công chủ lực tắt hẳn. Tất cả mọi người có mặt tại Bộ Chỉ huy ở La Hòa bật khóc. Ai cũng nghĩ rằng sau Đinh Châu là đến Mai Đăng Chơn hy sinh. Câu nói nghe không rõ lắm của Mai Đăng Chơn với Tư Thuận… anh em hiểu đó là lời chào vĩnh quyết!
Chuyện về Đinh Châu là một câu chuyện dài. Chỉ nhắc ở đây chuyện 58 năm trước, Đinh Châu và anh em đi tìm một đồng đội, khi Đinh Châu từ miền Bắc về lại chiến trường, lấy tên mới là Nguyễn Hữu Đức.
Tháng 7-1959, cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam đóng ở Bồ Lô Bền-vùng trung của huyện Hiên. Ở Bồ Lô Bền được một tháng rưỡi thì địch đổ quân càn, lên đóng chốt ở sông Voi, lùng sục mấy ngày mới phát hiện ra kho muối, chúng xúc đổ hết xuống sông.
Sau khi địch rút xuống đồn Phú Nưa, anh em chạy mỗi người mỗi ngã lần lượt về đến nơi, chỉ thiếu Nguyễn Trung. Chắc Nguyễn Trung đã hy sinh, chia nhau đi tìm cả một ngày không thấy xác. Cho người xuống giáp ranh gặp dân hỏi, dân nói khi địch rút không thấy bắt được ai. Như vậy, khả năng Nguyễn Trung bị bắt được loại. Ăn tối xong, Bí thư Tỉnh ủy Mười Khôi mời cả cơ quan họp, quyết định chia làm 3 cánh, đi 3 mũi tìm cho ra Nguyễn Trung, may thì cứu sống, chết thì đem xác về chôn. Mười Khôi đi theo một mũi cùng anh em Văn phòng. Trung úy Nguyễn Chơn đi một mũi, Trung úy Đinh Châu đi một mũi. Lúc đầu, các mũi cứ bám theo khe nước tìm vì nghĩ có thể Nguyễn Trung bị thương, bám xuống khe uống nước. Tìm đến ngày thứ 2 thì mũi của Nguyễn Hữu Đức nghe tiếng ruồi xanh bay. Là bộ đội lại là chỉ huy nên Nguyễn Hữu Đức nghĩ có thể ruồi xanh đánh hơi xác chết. Thế là Nguyễn Hữu Đức dẫn anh em bám theo hướng ruồi xanh bay nghe vo vo, phát hiện Nguyễn Trung bò đến một khe khô, nằm trong hốc đá có một hục nước nhỏ. Nguyễn Trung bị thương nặng nằm như cái xác chết, ruồi xanh bay quanh, kiến bu... anh em liền xúm nhau khiêng Nguyễn Trung về cứu sống.
Suốt bao nhiêu năm nay, gia đình, người thân đã đi tìm hài cốt của Đinh Châu trong lặng lẽ vô vọng. Mấy năm gần đây, khu vực Đinh Châu hy sinh đang sắp biến thành khu phố sinh thái. Đất mới từng ngày đè lên nền đất cũ, và nhà cao sẽ mọc lên, việc tìm kiếm hài cốt sẽ muôn phần gian khó. May mắn thay, sự nỗ lực của bao người tham gia vào cuộc kiếm tìm cuối cùng đã tìm được lời đáp.
Ngày vái lạy, xin động thổ, Đinh Ba hứa với người cha thân yêu, sau khi đưa cha về nơi yên nghỉ, thì con sẽ tiếp tục đi tìm đồng đội của cha.
Vậy là, sau 45 năm, bạn bè, người thân của gia đình và đồng đội đã vào tuổi 90 còn sống sót mới được cúi đầu thắp nén hương chào tiễn biệt Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đinh Châu-Nguyễn Hữu Đức về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng.
HỒ DUY LỆ