Đà Nẵng cuối tuần

Cơ duyên với cổ vật

10:11, 09/12/2012 (GMT+7)

Hầu hết những nhà sưu tầm (NST) cổ vật đều cho rằng nhiều cổ vật đến với mình như một cơ duyên, bởi mỗi cổ vật có niên đại hàng mấy trăm năm, được “truyền” qua tay bao người, có thứ trước đó  nằm yên dưới đáy sông, đáy biển hàng thế kỷ.

Tượng Phật bằng ngọc do Thượng tọa Thích Từ Nghiêm sưu tầm.
Tượng Phật bằng ngọc do Thượng tọa Thích Từ Nghiêm sưu tầm.

Mỗi pho tượng gắn với một lịch sử riêng

Nói về tượng Phật và sự đam mê sưu tầm tượng Phật của mình, Thượng tọa Thích Từ Nghiêm cho rằng thế giới có hàng nghìn tượng Phật, nên hơn 200 tượng Phật của nhiều niên đại khác nhau về với thầy Nghiêm là một cơ duyên. Khi thỉnh những bức tượng Phật có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau về căn phòng chừng 20m2 của mình, thầy Nghiêm cho rằng “về đây, Phật lúc nào cũng có chỗ ở”.

Từ đức Phật, qua bàn tay tài hoa của mỗi nghệ nhân sẽ có những bức tượng mang nghệ thuật điêu khắc khác nhau, phản ánh lịch sử, văn hóa, nếp nghĩ của mỗi dân tộc, mỗi đất nước; từ đó mà Thượng tọa Thích Từ Nghiêm tìm đến tượng Phật để sưu tầm. Hiện thầy Nghiêm có trong tay hơn 50 tượng Quán Thế Âm Bồ tát hiện nhiều thân khác nhau, trên 20 tượng Di Lặc, số còn lại là tượng đức Đạt Lai Lạt Ma. Theo thầy Nghiêm, đạo Phật xuất phát từ Ấn Độ nhưng có nhiều trường phái khác nhau nên dòng tượng Phật cũng khác nhau. Như tượng Phật phái Nam tông chỉ có cùng một kiểu tượng; khi qua Trung Quốc, Việt Nam theo trường phái Đại thừa Bát truyền thì số lượng tượng rất dồi dào, nhiều nhất thế giới là tượng Phật có xuất xứ từ Trung Quốc, kế đến là Việt Nam. Khi Phật giáo qua Thái Lan, Campuchia... tượng Phật đã mang sắc thái khác. “Nếu người Hàn Quốc ưa để râu thì ông Phật do nghệ nhân Hàn Quốc làm ra sẽ có râu”, thầy Nghiêm cho biết.

Trong suốt 12 năm sưu tầm tượng Phật, thầy Nghiêm đã nhận diện từng xuất xứ tượng Phật khác nhau. Như tượng Phật từ Trung Quốc rất cầu kỳ, thì người Việt Nam làm tượng Phật đơn giản, mộc mạc hơn như cách nhìn, quan điểm của người Việt. Thời Lý-Trần-Lê, mỗi thời kỳ đã có những biến chuyển về mặt phong cách. Tượng Phật của người Chăm được mặc kiểu xà-rông, môi dày, đức Phật có eo thon; đức Phật hài hòa với những vị hộ pháp (các vị thần Ấn Độ). Tượng Phật của nghệ nhân miền Bắc và miền Trung có nhiều nét giống tượng Trung Quốc, nhưng khi vào đến miền Nam thì đức Phật mang những nét hiền từ (tượng ông Thọ) hay tượng Phật mục đồng (giống trẻ chăn trâu).

Bộ sưu tập tượng Phật của thầy Nghiêm xuất xứ từ nhiều vùng đất như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Nhật Bản, Tây Tạng…; đa dạng về chủng loại và chất liệu từ đồng, gỗ, sành, bạc, ngọc. Ngoài những tượng có niên đại mấy trăm năm, thầy còn sưu tầm tượng mới có chất liệu từ thạch cao, bột đá, nhựa tổng hợp. Trong bộ sưu tập có tượng Phật Di Lặc điêu khắc từ gỗ mun có niên đại hơn 200 năm, tượng đồng Cô Xá Na Phật thời Minh niên đại 500 năm, tượng Quán Thế Âm điêu khắc từ gỗ hóa thạch, tượng Thập nhất diện Quan Âm niên đại 300 năm, Quan Âm thác kiến bằng gỗ hóa thạch niên đại cách đây 700 năm; một bức tượng bằng chì niên đại 500 năm vào loại hiếm trên thế giới.

Thầy có một cặp tượng mang tên Thủy nguyệt quan âm và Long như ý rất độc đáo, chưa xác định được chất liệu và niên đại; khi đốt trầm trên pho tượng, sẽ có dòng khói trắng như sữa chảy ra. Khi tìm hiểu, thầy Nghiêm nói rằng đó là “sữa trầm gỗ chiên đàn (trầm nhũ chiên đàn), tạo thành mây dưới chân Phật. Hay như bức tượng đức Phật Thích ca khổ hạnh (tượng Phật đi) rất hiếm gặp. Cứ thế, mỗi một pho tượng gắn với một lịch sử riêng, mối lương duyên riêng. Có cái thầy thỉnh lại từ những nhà sưu tầm khác trong nước, có tượng thầy thỉnh về trong các chuyến đi trong và ngoài nước, có cái do phật tử tặng.

 Anh Phạm Phú Khánh giới thiệu về cái ché có chữ Vương phía trên (đồ dành cho vua) trong bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu của mình.
Anh Phạm Phú Khánh giới thiệu về cái ché có chữ Vương phía trên (đồ dành cho vua) trong bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu của mình.

Văn hóa Việt trên đồ sứ men lam

Hơn 30 năm “dấn thân” vào quá trình sưu tầm cổ vật, NST Phạm Phú Khánh có trong tay một cơ ngơi toàn đồ cổ trong ngôi nhà bình yên trên con đường Ông Ích Khiêm náo nhiệt. Trong nhà, từ những vật dụng hằng ngày đến giường tủ, bàn ghế… đều là đồ cổ. Có loại từ dưới trăm tuổi đến vài trăm tuổi; có loại như đồ gốm Óc eo niên đại hơn 1.000 năm, 12 gương đồng niên đại 1.200 năm... Và đam mê nhất với anh Khánh là đồ sứ ký kiểu. Hơn 200 cổ vật gốm sứ xuất xứ từ thế kỷ 17 đến 19 anh Khánh sưu tập được gồm nhiều loại như ché, bình, bát đĩa; có cái là đồ dùng của vua chúa, thường dân, có cái là vật dụng để trưng bày. Quan điểm của anh Phạm Phú Khánh khi sưu tầm đồ sứ ký kiểu là “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ cổ” và điều này cũng quyết định khá lớn đến giá cả của mỗi món đồ. Trong những đồ gốm sứ đang sở hữu, anh Khánh cho biết đồ sứ thời nhà Minh (Trung Hoa) dù niên đại lâu hơn nhưng chất liệu men lam không đẹp bằng thời nhà Thanh. Đặc biệt trong các đời vua nhà Thanh thì đồ sứ ký kiểu thời vua Khang Hy và Càn Long là đạt đến đỉnh cao của chất liệu gốm sứ cũng như màu men, họa tiết…

“Khi sưu tầm đồ sứ ký kiểu, tôi được tiếp cận với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhiều thế kỷ trước, tôi được gặp nhiều bài thơ chữ Nôm rất lạ… đó là hình ảnh của cha ông qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Trung Hoa. Cũng từ chơi đồ sứ ký kiểu, tôi học thêm một số chữ Hán Nôm, dù không nhiều nhưng cũng biết chút ít để xem niên đại khi đi sưu tầm. Và khi tiếp cận với từng cổ vật, là tôi có trong tay một vật chứng của nhiều trăm năm trước, xuất xứ từ Trung Hoa, qua Việt Nam, xuống sông, xuống biển và qua tay bao người rồi mới đến với tôi. Cho nên tôi xem việc mình có một số cổ vật như một cơ duyên”, anh Phạm Phú Khánh tâm sự về việc mình bỏ hơn nửa đời người sưu tầm cổ vật.

Và một điều gặp nhau giữa những nhà sưu tầm cổ vật, là ước muốn được thành lập những bảo tàng tư nhân, để mỗi bộ sưu tập được xác định niên đại, chất liệu một cách tỉ mẫn, rõ ràng hơn; và quan trọng hơn là khi đứng trong bảo tàng, mỗi cổ vật thể hiện nét tinh hoa mà những nghệ nhân truyền qua vẻ đẹp tinh tế của đường nét, chất liệu mà họ lựa chọn; người xem có thể tiếp cận với từng cổ vật để hiểu hơn văn hóa, lịch sử trong niên đại mà cổ vật ra đời…

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Trần Đức Anh Sơn thì đồ sứ ký kiểu là đồ sứ do người Việt Nam gồm cả vua quan thường dân đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ (TK) 17 đến đầu TK 19, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề. Gồm đồ sứ ký kiểu thời Lê-Trịnh (nửa sau TK 17 đến cuối TK 18); thời chúa Nguyễn (cuối TK 17 đầu TK 18); thời Tây Sơn (đề thơ Nôm, cuối TK 18); thời Nguyễn (từ 1804 đến 1925).

HOÀNG NHUNG

.