Đà Nẵng cuối tuần

Hồ sơ tên đường

Nguyễn Khắc Viện với quan niệm sống 3T

23:18, 02/12/2012 (GMT+7)

Ông là bác sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em, nhà nghiên cứu chính trị, nhà tuyên truyền đối ngoại... và hơn hết, ông đã để lại cho đời một quan niệm sống.

Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997) quê ở làng Gôi Vị, bên bờ sông Ngàn Phố, nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân từ một gia đình khoa bảng, thân phụ ông là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, người từng làm Thượng thư Bộ Lễ triều Nhà Nguyễn.

Ông học ở Trường Collège de Vinh (sau đổi thành Quốc học Vinh, nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Vinh), nơi có nhiều học sinh thành danh như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đức Nguyên (tức Hoài Thanh). Sau ông vào Huế học và đỗ Thành chung, rồi ra Hà Nội học và đỗ tú tài, vào học Trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Năm 1937, ông sang Pháp học tại Đại học Y khoa Paris. 4 năm sau ông tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa và bác sĩ các bệnh nhiệt đới nhưng do Thế chiến thứ hai bùng nổ nên ông không thể trở về, nhận một chân bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Trousseau ở Paris. Lúc này, trong 9 năm (1942 - 1951), ông mắc bệnh lao và phải điều trị trong Viện dưỡng lao St-Hilaire-du-Touvet.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, trong bài viết “Anh Viện”, đã kể rằng, ông đã phải 7 lần lên bàn mổ, cưa 8 khúc xương sườn. Lúc đó chưa có thuốc kháng sinh nên khi bị lao thì chỉ còn cách nằm chờ, nhẹ thì có thể vượt qua thử thách, nặng thì hy vọng sống vài năm là cùng. Ông bệnh rất nặng, chỉ còn cách vận dụng yoga, khí công và hiểu biết khoa học để tìm ra phương pháp thở bụng, rèn luyện tâm thể để đẩy lùi tử thần.

Sau khi ông bị cắt trọn phổi phải và một phần phổi trái, người ta tiên đoán ông chỉ có thể sống thêm nhiều nhất 3 năm. Nhưng trên thực tế, ông đã sống thêm 58 năm. “Phép màu” nằm gọn trong một bài vè ngắn do ông sáng tác về phép tập thở bằng cơ hoành (tức thở bụng) – bài mà ông cho là có giá trị lâu dài nhất trong hàng nghìn trang viết ông để lại cho đời.

Sau khi lành bệnh, ông quay lại Paris. Tại đây, ông nghiên cứu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, phản đối chiến tranh của thực dân Pháp và Mỹ tại Đông Dương. Lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp, ông thường xuyên viết bài giới thiệu Việt Nam, phê phán chủ nghĩa thực dân đăng trên các tạp chí và báo nổi tiếng tại Paris như La Pensée (Tư tưởng), Esprit (Tinh thần), Cahiers du communisme (Tập san cộng sản), France nouvelle (Nước Pháp mới), Le monde diplomatique (Thế giới ngoại giao)...

Năm 1963, ông về nước sáng lập và chủ biên Tạp chí đối ngoại Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Etudes Vietnamiennes, Vietnam Studies) và làm Giám đốc NXB Ngoại văn (nay là NXB Thế giới).

Năm 1984, ông sáng lập, điều hành Trung tâm NT (viết tắt của Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em), ông cho xuất bản tờ “Thông tin khoa học tâm lý”, đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm lý do hoàn cảnh, góp phần giáo dục trẻ em thiếu tình thương gia đình, “bụi đời”, nghiện ma túy...

Tháng 11 năm 1992, ông được trao giải thưởng Grand Prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp. Ông đã tặng phần lớn khoản tiền thưởng 400.000 franc (khoảng 80.000 USD) cho quỹ của Trung tâm NT.

Ngày 10 tháng 5 năm 1997, ông qua đời sau khi được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Thi hài ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, nơi dành cho những danh nhân có công đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. 3 năm sau, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho cuốn “Việt Nam, một thiên lịch sử” của ông.

Ông gửi lại những người sau một quan niệm sống gọi tắt là 3T: (1) Tạo cho mình một cái thế đứng vững giữa xã hội tự lập không phải nhờ vả vào ai. (2) Nuôi dưỡng cái tình người cho phong phú gắn bó với nhiều người, nhiều cộng đồng khác nhau. (3) Tự tạo cho mình một cái tâm ổn định, mình làm chủ lấy mình, đời có sóng gió, cái tâm của mình vẫn vững vàng.

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 230m, rộng 15m, điểm đầu giao đường 10,5m đang thi công, điểm cuối giao với đường Hoàng Trọng Mậu, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
 

.