Tham khảo sách vở và các kiến thức khoa học trên đài báo, anh biết trẻ con nên được học ngoại ngữ sớm để kích thích trí não và phát triển ngôn ngữ. Trẻ có thể học cùng lúc hai ngoại ngữ khác nhau, bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Đặc biệt, trước 5 tuổi là giai đoạn vàng của đời người, trẻ càng cần được quan tâm đầu tư. Anh quyết định sẽ cho con học Anh văn trước khi bé bước vào lớp 1.
Nhưng vấn đề là bé con của anh sẽ học tại đâu để đạt hiệu quả như mong muốn? Tức việc học giúp trẻ được phát triển trí tuệ chứ không phải làm… thui chột bộ não đang non nớt.
Chọn một trường quốc tế, nơi có môi trường giao tiếp rộng rãi với nhiều người nước ngoài, giáo viên đến từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh, chương trình học mà chơi… đúng là quá lý tưởng, nhưng cũng quá viễn tưởng với một người có thu nhập trung bình như anh. Cố cho con học một khóa thì được, nhưng để con học đến nói thông viết thạo thì đồng lương của anh quá đuối sức.
Anh nghĩ đến giải pháp tầm sư học đạo “nội địa”. Lại một mâu thuẫn nữa nảy sinh. Các trường mầm non trên địa bàn thành phố hiện đang có cuộc giằng co dữ dội giữa dạy hay không dạy tiếng Anh trong nhà trường. Nhà khoa học bảo nên, nhà giáo dục bảo không, còn giáo viên và học sinh thì đành đứng giữa ngồi đợi bên nào thắng thế. Hay cho con đến các lớp học thêm tiếng Anh hoặc mời gia sư về kèm cặp? Vừa nghĩ tới đây, đột nhiên anh rùng mình…
Nhớ hồi xưa, thuở còn là cậu học trò lớp 7, anh được bắt đầu làm quen với môn tiếng Anh. Chưa biết “hế-lô”, “bái-bai” là gì, anh đã bị mấy nhỏ ở xóm hù: Tiếng Anh khó lắm đó mi!
Đúng là khó thiệt. Ngày đầu tiên cô giáo bước vào lớp, chưa lật ra trang 1 để trò ngó mặt mũi tiếng Anh ra sao, cô đã làm một “tràng” (mãi sau này anh mới biết là cô đang giới thiệu về bản thân mình bằng tiếng Anh!). Tiếp sau đó là những ngày trò vật lộn với các cấu trúc ngữ pháp, thì hiện tại, thì quá khứ như một nhà ngôn ngữ học. Khó nên sợ, sợ nên… dốt. Mới hồi tưởng một chút thôi, anh đã không đủ can đảm nhớ thêm, bởi không thể để bé con ngây thơ của mình sớm trở thành ông cụ non đau đáu với cấu trúc ngôn ngữ trúc trắc này nọ.
“Con phải hơn cha cái vụ này”, anh thầm nhủ. Nhưng vẫn là câu hỏi: Học ở đâu? Giá như chương trình học ngoại ngữ ở ta nhẹ nhàng hơn, vui nhộn hơn, gây tò mò thích thú hơn cho trẻ thì hay biết mấy.
Trẻ con vốn thích của lạ, ngoại ngữ cũng là một “của lạ” nếu so với thứ tiếng quen thuộc chúng sử dụng hằng ngày. Thế nên chắc chắn một điều rằng đứa bé nào cũng thích khám phá những câu, chữ lạ lẫm đó. Vấn đề là làm sao cho con cảm nhận môn Anh văn thật vui, giờ học thật vui, tiết học thật vui… Nghĩ tới đây, buồn thiu!
TRÀ MY