Hơn 20 năm qua, hình ảnh người bác sĩ tuổi xế chiều chưa một ngày rời xa người bệnh đã in đậm trong ký ức người dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Bữa ông đến cấp cứu cho người này, bữa chữa bệnh cho người khác, rất nhiều gia đình ở vùng này đã xem ông như một điểm tựa bình yên.
Kiểm tra sức khỏe người cao tuổi. |
Nước da trắng, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, dáng người cân đối, ông Trần Đình Thông trông trẻ hơn tuổi 82 của mình khá nhiều. Theo bà Lê Thị Bé, vợ ông, có được sức khỏe như vậy nhờ ông năng đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh và chế độ ăn uống hợp lý. Nhờ vậy, ông vẫn rất minh mẫn, nhất là trong khám chữa bệnh. Với ông, còn sức là còn khám chữa bệnh và tư vấn cho mọi người. Lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu đối với người thầy thuốc đã thấm vào máu thịt ông từ khi mới chập chững vào nghề. Để rồi, hễ ở đâu có người cần cấp cứu, ông đều đến với họ bằng tấm lòng và khả năng của thầy thuốc giàu kinh nghiệm.
Hàng chục năm qua, ông đã giành giật sự sống cho biết bao người khỏi bàn tay tử thần. Ở phường Hòa Hiệp Nam, nơi gia đình ông cư ngụ, người coi ông là ân nhân không ít.
Cách đây chừng vài tháng, giữa đêm khuya, cả nhà đang ngon giấc, bỗng có tiếng đập cửa ầm ầm. Biết có người đến nhờ cấp cứu, ông Thông bật dậy. Vừa mở cửa, đứa con lớn bà Nguyễn Thị Trợ, trú cùng khu vực ào tới, nói không ra hơi: “Nhờ bác đến cứu mẹ cháu. Mẹ cháu bị ngất rồi”. Ông lấy vội chiếc túi để trên bàn, chạy vội. Đến nơi, thấy vẻ mặt ai nấy thất thần, lo lắng, có người thút thít khóc. Ông trấn an mọi người rồi nhanh chóng khám tim mạch, đo huyết áp cho bà Trợ. Bà bị đột quỵ do huyết áp tăng đột ngột. Tình thế rất nguy cấp, ông viết vội tên thuốc vào tờ giấy, đưa con trai bà Trợ, chạy về nhà ông lấy thuốc về cấp cứu. Dùng xi-lanh đâm thủng viên thuốc, dốc ngược vào miệng bà Trợ, quay ra, ông tiếp tục trấn tĩnh và dặn dò mọi người cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp. Khoảng 10 phút sau người bệnh tỉnh lại. Mấy đứa con bà thở phào nhẹ nhõm. Có người chạy tới ôm chầm lấy ông: Mẹ con sống rồi!
Trước khi chia tay, ông Thông kiểm tra huyết áp cho bà Trợ lần nữa, khuyên mọi người nên đưa bà đến viện. Vừa ra ngõ, chồng bà Trợ chạy theo, dúi vào tay ông chiếc phong bì, miệng ấp úng: “Bác là ân nhân cứu mạng nhà con. Hôm nay không có bác đến cứu kịp thời, chưa biết sự thể thế nào. Bác cầm cho chúng con yên lòng”. Nắm chặt bàn tay người đàn ông, ông nhỏ nhẹ: Cất đi để lo thuốc thang cho bà ấy. Sống cùng khu vực, chắc anh cũng biết, tôi có lấy tiền ai bao giờ.
Cho đến nay, ông Thông và người thân trong gia đình không thể nhớ nổi suốt hơn 20 năm qua, ông đã cải tử hoàn sinh cho bao nhiêu người. Chỉ biết rằng, bất kể giờ nào, hễ ai đó đến báo tin có người cần giúp là ông đi ngay. Bà Trần Thị Luân, gần 80 tuổi, ở tổ 24 nói về ông: Cách đây mấy năm, bị đột quỵ, không có ông ấy cấp cứu kịp thời có khi xanh cỏ rồi. Không chỉ tôi mà bà con ở phường này ai cũng thế. Hễ trái gió trở trời là đến ổng. Nhà ổng không phải phòng khám mà đông hơn phòng khám. Quanh năm khám chữa bệnh cho mọi người, mà không khi nào lấy tiền của ai. Nghe đâu ông lấy lương hưu mua thuốc…
Sống cùng khu vực, bà Luân chứng kiến không ít lần ông Thông cấp cứu người bệnh ngay tại nhà. Đã 5 năm trôi qua, thế nhưng tình huống ông cứu cháu bé bị ngất do sốt cao, vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bà. Bà Luân kể: Tối đó, bà đến nhờ ông Thông tiêm thuốc. Tiêm xong đang chuyện trò xem ti-vi. Khoảng 9 giờ, có cô gái trẻ trên tay bế đứa nhỏ chừng một tuổi chạy thốc vào nhà, mặt mày tái mét: “Nhờ bác cứu con cháu. Con cháu bị ngất”. Đứa bé bị ngất do sốt cao, bác Thông làm hô hấp nhân tạo, rồi cạy miệng cho uống thuốc. Nửa tiếng sau cháu tỉnh. Đêm đó, cả nhà ông Thông thức cùng cháu bé.
Ở phường Hòa Hiệp Nam, nói đến Bác sĩ Thông, bất cứ người nào cũng có vài ba câu chuyện để kể, toàn là những chuyện ông chữa bệnh cứu người. Hình ảnh, vị bác sĩ lớn tuổi, chân tình cởi mở, tận tụy với người bệnh, in đậm trong ký ức họ.
Ông Lê Duy Du, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, là người tường tận việc làm ông Thông: Hồi ông ấy về nghỉ hưu, phường Hòa Hiệp Nam còn là xã Hòa Hiệp. Trạm xá chưa có bác sĩ, cơ sở vật chất nghèo nàn, bệnh viện huyện cách hơn 20 cây số. Dạo đó, ở địa phương, ai đau ốm, bệnh tật đều nhờ ông chữa trị. Chưa bao giờ ông từ chối khám chữa bệnh cho ai.
Giờ, với chiếc túi trên tay, trong đó có ống nghe, máy đo huyết áp, ngày ngày, ông Thông vẫn đến với mọi nhà, khi thì đo huyết áp cho người cao tuổi, khi thì tư vấn sức khỏe cho trẻ em. Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học Tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông là một trong 2 điển hình của địa phương được Thành ủy Đà Nẵng tặng Bằng khen.
Trải qua hơn 80 năm tuổi đời, 46 năm tuổi Đảng, ông là gương sáng giữa đời thường. Không chỉ tận tụy, chữa bệnh cứu người mà bác còn tích cực đóng góp giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh. Chỉ riêng năm 2011, ông đã vận động con cháu và trích lương hưu của mình hỗ trợ 9 triệu đồng.
Thầy thuốc Ưu tú Trần Đình Thông đã để lại trong lòng mọi người hình ảnh sâu đậm về sự tận tụy với người bệnh. Ông sống đạm bạc, giản dị trong ngôi nhà cấp 4. Hiện nay, các con ông đã trưởng thành, có người là Trưởng khoa Khoa tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Với ông, không có hạnh phúc nào bằng là khám chữa bệnh đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.
Sinh ra lớn lên tại Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, năm 1955, khi còn là y tá ở xã Hòa Liên (Hòa Vang) Trần Đình Thông tập kết ra Bắc và công tác nhiều năm tại Ty Y tế tỉnh Nghệ An, sau đó được cử đi học bác sĩ. Từ 1967-1969, ông là chuyên gia y tế tại nước bạn Lào. Năm 1976, ông và gia đình trở về quê hương. Sau 4 năm công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng, năm 1981, ông được cử phụ trách Trạm Tâm thần QN-ĐN. Đầu năm 1986, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần QN-ĐN; nghỉ hưu năm 1992. Tháng 5-1995, ông được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. |
NGUYỄN CẦU