.

Giá trị của giảm khí thải

.

Hàng triệu người có thể thoát khỏi lũ lụt hay hạn hán vào năm 2050 nếu như lượng khí thải nhà kính được giảm mạnh và nhanh chóng. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới nhất về biến đổi khí hậu. Nghiên cứu được cho là toàn diện về những tác động của môi trường lên toàn cầu và từng khu vực.

 Hạn hán ở Campuchia năm 2012 đã ảnh hưởng tới gần 100 nghìn ha đất nông nghiệp.
Hạn hán ở Campuchia năm 2012 đã ảnh hưởng tới gần 100 nghìn ha đất nông nghiệp.

Đội ngũ các nhà khoa học Anh và Đức đã tập trung nghiên cứu tác động tới môi trường từ việc thực hiện chính sách về lượng khí thải nhà kính theo hai kịch bản khác nhau. Thứ nhất, lên kịch bản môi trường vào năm 2030 khi mức khí thải nhà kính bắt đầu giảm 5%/năm từ năm 2016. Thứ hai, kịch bản môi trường cũng vào năm này (2030) để mọi thứ diễn ra bình thường như kế hoạch phát triển kinh tế dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch và tái tạo hoặc chỉ sử dụng năng lượng hóa thạch để đạt mức phát triển kinh tế nhanh hơn.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra kỹ mức độ ảnh hưởng về khả năng lũ lụt, hạn hán, nguồn nước hoặc năng suất nông nghiệp. Mức khí thải nhà kính sẽ giảm 5%/năm từ năm 2016. Với mức đó, nhiệt độ trái đất sẽ tăng 2oC và mực nước biển dâng 30 cm vào cuối thế kỷ này. Nếu không có sự kìm hãm này, nhiệt độ có thể tăng 4oC tới 5,6oC và mực nước biển tăng 47 tới 55cm. Duy trì được mức giảm 5% khí thải thì tới năm 2030 sẽ có từ 100 tới 161 triệu người thoát khỏi lũ lụt và từ 17 tới 48 triệu người thoát cảnh hạn hán. Sản lượng lúa mì giảm 20% vào năm 2030 thay vì 60% trong trường hợp không giảm lượng khí thải...

Nhà khí hậu học thuộc Đại học Reading (Anh), Nigel Arnell nhận định giảm lượng khí thải không giúp tránh hoàn toàn tình trạng biến đổi khí hậu nhưng hành động nhanh và mạnh sẽ giúp cho mọi người tranh thủ được thời gian để xây dựng nhà cửa, xây dựng hệ thống giao thông và phát triển nông nghiệp một cách bền vững hơn. Một đồng nghiệp khác của ông Arnell là Treu Herve bảo rằng những dự báo nói trên thật khó tưởng tượng vào lúc này, nhưng chớ chủ quan không thực hiện kế hoạch giảm lượng khí thải nhà kính. Đó như là cái chuẩn, cái mục tiêu để mọi người hướng tới nhằm tránh thực tế tồi tệ nhất có thể xảy ra. Một khi tình trạng biến đổi khí hậu nặng nề thì rất khó để hồi phục...


ANH THƯ (Theo Le Monde)

;
.
.
.
.
.