Trong bi ký nói về việc lập Văn miếu tại Đông Bàn (Gò Nổi) vào năm Tự Đức hai mươi sáu (1873), ngoài tên các nhân vật nổi tiếng như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm... còn có tên ông - Lê Tấn Toán.
Bi ký Văn miếu Đông Bàn hiện đặt tại Bảo tàng Điện Bàn có ghi tên cử nhân Lê Tấn Toán. |
Lê Tấn Toán sinh năm 1837 (Đinh Dậu) tại làng Hà Lộc, tổng Phú Triêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Khoa Tân Dậu (1861), ba anh em nhà ông cùng đi thi thì hai em đỗ tú tài, ông đỗ cử nhân. Là người khiêm cung, trọng nhân nghĩa, ông không ra làm quan, ở lại quê nhà mở trường dạy học.
Trường học của cử nhân Lê Tấn Toán làng Hà Lộc là lò sôi kinh nấu sử của sĩ tử thời ấy. Đó là một ngôi nhà 5 gian cất theo kiểu cổ nhìn ra sông, giữa khu vườn rộng 4 sào chung quanh có tre xanh bao bọc. Trường học - tư thất của ông lúc nào cũng đầy học trò từ trong nhà ra ngoài sân. Học trò buổi đầu là con cháu trong họ tộc, sau đó khắp làng rồi cả tỉnh. Tiếng lành đồn xa, sĩ tử từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định cũng kéo về Hà Lộc theo học rất đông.
Nhân cách và tài năng của người thầy để lại dấu ấn trong tâm hồn các môn sinh, mà hai người đã làm rạng rỡ trang sử cách mạng nước nhà là Nguyễn Duy Hiệu với Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887) và Châu Thượng Văn với phong trào xin xâu kháng thuế Trung Kỳ (1908).
Nguyễn Duy Hiệu sinh sau thầy mình 10 năm; đỗ cử nhân (1876), rồi phó bảng (1879), noi gương thầy, không chịu ra làm quan. Đến khi có đạo dụ của vua Tự Đức, vạn bất đắc dĩ ông mới nhận chức phụ đạo giảng tập cho Thái tử (1882). Năm sau, nhân xảy ra sự biến 4 tháng 3 ở kinh thành, ông từ quan. (Triều đình Huế phong hàm Hồng lô tự khanh, từ đó người ta gọi ông là Hường Hiệu).
Những năm sau đó kinh thành Huế đầy biến động. Sự biến thất thủ kinh đô ngày 23-5 Ất Dậu (5-7-1885) dẫn đến việc vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, xuống chiếu Cần vương chống Pháp. Hường Hiệu cởi bỏ áo mão cân đai, được tự do tung cánh chim bằng, dốc sức vào công cuộc xây dựng lực lượng kháng chiến.
Bằng uy tín và nhân cách của mình, thầy Cử Lê Tấn Toán giúp học trò kêu gọi sĩ phu khắp nơi quay về dưới bóng cờ đại nghĩa. Vì thế, khi Hường Hiệu thay tiến sĩ Trần Văn Dư làm Hội chủ Nghĩa hội, có lời đồn đoán rằng cử nhân Lê Tấn Toán là quân sư của Nghĩa hội. Tuần phủ Quảng Nam lúc đó là Châu Đình Kế liền cho lính xuống Hà Lộc mời thầy cử Lê về tỉnh đường nói là để dự tiệc. Châu Đình Kế toan tính, trước uy vũ một quan đầu tỉnh như y, thế nào thầy Cử cũng sẽ không dám đồng tình với người học trò “khởi ngụy”. Theo đó, y sẽ ép thầy Cử viết thư dụ Hường Hiệu ra hàng. Việc nầy dù không thành thì quan hệ sư đệ cao trọng xưa nay thế nào cũng bị sứt mẻ, uy tín hai người khó được toàn vẹn.
Y theo kế hoạch, giữa tiệc rượu, Châu Đình Kế khích thầy Cử: “Thiên hạ khen thầy là người đức độ. Triều đình cũng mong thầy dốc sức đào tạo nhân tài ra giúp nước. Nào ngờ thầy lại có hạng học trò như Hường Hiệu, đúng là một thằng giặc!”.
Không dằn được cơn giận, thầy Cử đứng vụt dậy, thẳng tay ném ly rượu xuống nền nhà, quắc mắt bảo Châu Đình Kế: “Thời thế này, chẳng dễ biết ai là giặc, ai là vua. Quan tuần nên cẩn trọng lời ăn tiếng nói”.
Nói xong, ông đùng đùng bỏ ngang bữa tiệc ra về. Châu Đình Kế rắp tâm bắn một phát tên trúng hai con chim, nào dè chính mình bị hại. Chuyện lan ra, càng thêm nung nấu tinh thần kháng chiến trong hàng ngũ nghĩa quân.
(Còn nữa)
LÊ GIA LỘC