Tháng Chạp là “mùa tiêu tiền”, dân gian nói đố có sai, bởi cứ đến thời điểm đó là tiền bạc cứ bay vèo vèo.
Đi chợ Tết, chị em phụ nữ luôn cân nhắc, mua gì cho hợp túi tiền. |
Mọi người đến “mùa tiêu tiền” là trăm mối lo, riêng chị Trương Thị Bích Hạnh ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, có đến... nghìn mối lo, như cách nói đùa của chị. Không lo sao được, khi chị một cảnh bốn quê. Tết, ngoài việc sắm sửa cho nhà mình, chị còn phải lo cho hai bên nội, ngoại hiện đang sống ở 3 huyện khác nhau trong tỉnh Quảng Nam.
Con đường Hoàng Văn Thái trước nhà chị mọi năm bước qua tháng Chạp vẫn bụi bay mịt trời vì các đoàn xe chở đất đá cho các công trường xây dựng. Năm nay đến cái rằm cuối cùng của năm cũ rồi mà con đường vẫn sạch đẹp như có người lau. Nhìn thế, chị bảo, đủ biết Tết năm nay khó khăn đến mức nào. Làm chi cũng phải tính toán để khỏi phải thiếu trước hụt sau. Có điều, nhiều khi cũng vì “bệnh sĩ” mà mình tự làm khó mình.
Về quê đi đám cưới, mang cái “mác” người Đà Nẵng mà vô lẽ chỉ bỏ bì vài trăm ngàn? Tệ nhất cũng phải được nửa triệu đồng. Tết, mừng tuổi mỗi cụ 100 nghìn, lì xì mỗi cháu 20 nghìn... Khổ nỗi, thấy chị “rộng rãi”, có người hiểu nhầm, cứ hỏi sao không mua xe con mà đi cho khỏe?!
Nhân nói chuyện sĩ diện, sực nhớ có anh bạn tổ chức cưới vợ cho con vào đúng cái “mùa tiêu tiền”. Hằng năm thì lễ lạt, Tết nhứt, phải không… đã trăm mối lo, giờ thêm chuyện “lập đời” này nữa khiến vợ chồng anh bạc tóc. Cả hai định tận dụng hiên nhà rộng, xin tổ dân phố và hàng xóm che rạp thêm hai dãy bàn ra mặt đường Trần Huy Liệu, phường Khuê Trung; tiệc thì nhờ những người chuyên nấu lễ tiệc lo giùm; được thế thì tiết kiệm được khối tiền. Thế nhưng, khi đem chuyện bàn với con trai, nó giẫy nẩy lên: “Bạn con đãi nhà hàng thì con cũng nhà hàng. Nó 5 xe thì con cũng 5 xe. Ba mẹ mới có sui lần đầu mà làm như thế là mất mặt con”. Ui trời, thời buổi kinh tế khó khăn mà sĩ diện như thế thì rõ khổ!
“Gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Thế mà có đến khoảng 60-70% đám cưới trong năm cứ lựa cái tháng tiền bạc bay vèo vèo này mà tổ chức. Tháng Chạp không chỉ là “mùa tiêu tiền” mà còn được mệnh danh là tháng của mùa cưới. Tháng Chạp, vì thế mà có người gọi là tháng hạnh phúc của tuổi trẻ và là mùa lo âu của tuổi già.
Không ít người quan niệm cả năm chỉ có ba ngày Tết, rước ông bà về gần gũi con cháu mà hà tiện quá sao được. Đó là cách nghĩ nghiêng về phía tâm linh, về đạo lý ở đời. Có khó khăn gì thì chí ít cũng phải sửa sang lại nhà cửa, vườn tược cho tinh tươm chút để mừng năm mới.
Anh Nguyễn Thế Hùng ở tổ 6 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, từng bôn ba qua Lào làm thợ mộc mười năm trước, Tết nào cũng về nhà. Từ khi vợ bị bệnh tim nặng phải nghỉ việc ở Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, anh không qua Lào nữa, tìm việc ngay tại Đà Nẵng để chăm sóc vợ và 3 đứa con. Nhà anh nằm trong căn hẻm nhỏ ở đường Trần Huy Liệu, qua mấy mùa mưa gió đã xiêu vẹo. Vừa rồi, vợ anh vay tiền qua kênh Phụ nữ, được người thân trong nhà hỗ trợ thêm, anh bỏ công xây lại cái nhà mới, tuy không là gì so với các nhà chung quanh nhưng so với chính nó thì đã là “ghê gớm” lắm rồi. Người sống đã có nơi trú thân yên bình mà người đã khuất cũng có được nơi hương khói đàng hoàng, nhất là khi Tết đến xuân về.
Đã an cư nhưng chưa lạc nghiệp, năm này gia đình anh Hùng ăn “Tết tinh thần” là chính. Nói thế, gì là gì cũng phải ưu tiên sắm sửa đồ ăn thức uống cho 3 ngày Tết. Trước đây mọi người quanh năm làm ăn quần quật dành tiền đến Tết là “trút ống”, bày đủ loại đồ ăn thức uống mà ngày thường không dám nghĩ đến. Chừ thì cuộc sống đã khấm khá, ngày thường người ta cũng đã biết ăn sao cho ngon, cho thanh lịch. Tết, vì thế, chuyện ăn uống không còn đặt nặng nữa, nhất là giữa thời buổi tiết kiệm hiện nay. Những cảnh nhà như anh cũng cảm thấy chan hòa trong cái không khí chung của xuân, của Tết.
Không ít người dạo chợ Tết thấy giá đã “sốc”. Chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, cho biết giá chả giò ở chợ Cồn đầu tháng Chạp đã 300 nghìn đồng/kg, cận Tết sẽ còn cao hơn. Cá ngừ từ 50-60 nghìn vọt lên 120 nghìn đồng/kg, Tết thế nào cũng cụng trần 250 – 300 nghìn đồng. Nông dân như chị thì có tiền cũng không dám mua, mấy đứa em đưa con cháu ở ngoài phố về thăm xuân thì mua biết mấy cho đủ.
Mỗi nhà có một cách ăn Tết riêng, nhưng với tình hình này thì “liệu cơm gắp mắm” vẫn hơn. Nguyễn Công Trứ xưa từng viết: Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc - biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Hơn một thế kỷ rưỡi qua câu thơ đầy tính triết lý này vẫn còn nguyên giá trị...
VĂN THÀNH LÊ