.

Nhà thơ Phan Hoàng: Cái đẹp hiện hữu tâm hồn mỗi người

.

Đầu năm 2012, nhà thơ Phan Hoàng (ảnh) nhận Giải 3 cuộc thi “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức. Cuối năm, anh được Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh quyết định trao giải thưởng thường niên chính thức duy nhất cho tập thơ “Chất vấn thói quen” vốn được dư luận văn học chú ý trong năm qua. Đây là tập thơ thứ ba của anh sau hai tập Tượng tình (1995) và Hộp đen báo bão (2002). Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Phan Hoàng.

* Thưa nhà thơ, anh nghĩ gì về việc xét Giải thưởng VHNT TP. Hồ Chí Minh 5 năm (2006-2011)?

- Đây là việc làm cần thiết đối với một trung tâm văn hóa lớn như TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ có tính tổng kết 5 năm, mà giải thưởng còn là nguồn động viên sáng tạo đối với văn nghệ sĩ. Điều quan trọng là làm sao duy trì cho được thường xuyên và phải công tâm trao giải cho các tác phẩm xứng đáng. Không chỉ chờ tác giả gửi tác phẩm tham dự, mà ban tổ chức và các hội chuyên ngành cần phải mạnh dạn tìm đề cử những tác phẩm thực sự xuất sắc của thành phố.

* Tập thơ “Chất vấn thói quen” của anh vừa trở thành tác phẩm duy nhất được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh năm 2012, chắc anh có cảm xúc đặc biệt? Trong đó có câu/ bài thơ nào anh tâm đắc?

- Như mọi phần thưởng khác, tôi xem đó là sự khích lệ lớn trên hành trình sáng tạo, đi tìm cái đẹp của mình. Giải thưởng này còn là món quà ý nghĩa khi gia đình tôi vừa mừng sinh nhật mẹ tôi 80 tuổi. Bài“Mẹ gánh ước mơ”, tôi dành tặng mẹ, người phụ nữ như những người phụ nữ Việt Nam khác đã phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát vì chiến tranh. Trong bài có đoạn viết cảnh mẹ gánh con tản cư:

“…
Bàn chân trần rễ tre tóe máu
thúng gióng gió đánh hụt hơi
mẹ đặt con ngồi dưới hố bom khét
                                                    bầm thân đất
ngoái cổ ngóng về đồng làng tan hoang
                                                   mồ mả ông bà

Gỡ nón quạt mùi bom
bóng mẹ che tầm đạn
âu yếm con mẹ khóc
bập bẹ mẹ con cười
nụ cười con thơ
                      mạnh hơn
                                     tiếng gầm đại bác
nụ cười gieo vào lòng mẹ hạt giống
                                                             hy vọng
đồng làng bình yên gặt những
                                                        mùa sau…”

* Đã ba năm rồi Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh mới trao giải thưởng chính thức cho một tập thơ với sự đồng thuận cao. Đó là một niềm vinh dự. Vì lý do nào, hồi đầu năm tập thơ “Chất vấn thói quen” của anh lại ra mắt ở Hà Nội mà không phải là tại TP. Hồ Chí Minh.

- Sau tròn 10 năm kể từ tập thơ thứ 2 là “Hộp đen báo bão”, tôi mới xuất bản tập “Chất vấn thói quen” nhờ hai bạn thơ Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Quyến mang về in ở Hà Nội. Nhân dịp tôi ra Bắc tham dự Liên hoan Thơ quốc tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 1 hồi đầu năm 2012, các anh ấy đã tổ chức ra mắt sách và tôi ngẫu nhiên trở thành người “xông đất” văn học Thủ đô. Nghĩa cử của tình bạn thơ làm tôi xúc động.

* Anh có nghĩ thơ ca không phải hoàn toàn bị người đọc quay lưng hoặc lãng quên, đúng không, thưa anh?

- Thơ ca đích thực đồng nghĩa với cái đẹp. Mà cái đẹp luôn hiện hữu trong tâm hồn mỗi người. Nghĩa là thơ cũng như cái đẹp không bao giờ bị lãng quên, mà điều quan trọng là chúng ta biết phát hiện, sáng tạo và thưởng thức nó hay không. Muốn làm được điều ấy mỗi người phải tự “chất vấn” mình.

* Anh cũng là nhà thơ xê dịch không ngừng. Mới đi Trường Sa về, anh lại “hành quân” lên các tỉnh biên giới phía Bắc, rồi duyên hải miền Trung, nông trường cao su miền Đông Nam Bộ,… Những chuyến đi thực tế có mang lại cho anh nhiều cảm hứng sáng tác?

- Mỗi chuyến đi mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm bổ ích. Khi lênh đênh giữa trùng khơi quần đảo Trường Sa hay đứng trên địa đầu biên giới phía Bắc, tất nhiên sự hiểu biết và cảm xúc của chúng ta sẽ khác rất nhiều khi ở giữa thành phố này nhìn về những nơi ấy. Nhờ những chuyến đi ấy, đặc biệt là hành trình đầy ấn tượng ở Trường Sa, đã giúp tôi sắp hoàn thành tập thơ mới Bước gió truyền kỳ nói về hành trình dựng nước và giữ nước của dòng giống Lạc Hồng.

* Với tư cách Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, anh nghĩ gì về đội ngũ viết trẻ ở thành phố  hiện nay?

- Ở bất kỳ thời điểm nào, thành phố này cũng sản sinh và hội tụ nhiều bạn viết trẻ tài năng, tâm huyết từ nhiều nguồn khác nhau. Những năm qua đội ngũ văn trẻ thành phố ngày càng lớn mạnh, họ vừa có nền tảng văn hóa tri thức của thời hội nhập lại vừa có tình yêu, bản lĩnh văn chương. Có điều không phải lúc nào xã hội cũng có cách nhìn đúng đắn và công bằng đối với tác phẩm của các nhà văn trẻ. Tất nhiên, thời gian sẽ là thước đo kiểm chứng giá trị tác phẩm của họ. Bạn đọc hãy tin có một đội ngũ văn trẻ thực tài đã và đang mang đến cho đời sống văn học thành phố cũng như cả nước những sản phẩm văn hóa cao cấp đích thực. Không hiểu sao tôi luôn tin rằng mai sau có thể nhiều thứ của giai đoạn này mất đi, nhưng sẽ có những tác phẩm văn học, trong đó có văn trẻ vẫn còn hiện diện mãi trong đời sống văn hóa tinh thần.

* Xin cảm ơn. Chúc anh có nhiều tác phẩm mới!

 TRẦN HUY MINH PHƯƠNG (thực hiện)
 

;
.
.
.
.
.