.

Nhà văn Trầm Hương: Người phụ nữ nghị lực và đa năng

.

Viết văn, làm thơ, viết lịch sử, làm báo, soạn kịch bản phim, tuyên truyền viên bảo tàng…, Trầm Hương đa năng là đúng rồi. Nhưng hơn cả nhan sắc và sự đa năng của chị, ấy là một phụ nữ giàu nghị lực, tự vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt để sống, một mình nuôi con trưởng thành và tiếp tục cầm bút.

Nhà văn Trầm Hương và con gái Kỳ Nam tại một buổi ra mắt sách.
Nhà văn Trầm Hương và con gái Kỳ Nam tại một buổi ra mắt sách.

Cuối tháng 12-2012, tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ của nhà văn Trầm Hương nhận giải ba Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh 5 năm (2006-2011) lần đầu tiên do UBND thành phố tổ chức trao tặng. Đây là tiểu thuyết viết về cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn, với những góc khuất đầy oanh liệt, bi thương mà Trầm Hương đã dày công sưu tra tư liệu và tạo dựng tác phẩm. Chị cho biết: “Tôi không muốn viết lại lịch sử. Tôi chọn cách viết tiểu thuyết để thể hiện những gì mình cảm nhận được về sự kiện này, từ những trang lịch sử thấm máu, đã ố vàng, cũ kỹ; từ những góc khuất số phận con người mà mình được gặp, được họ đón nhận, trải lòng, gửi gắm, tin cậy”.

Với cảm xúc đó, chị đã hóa thân vào nhân vật Kim - một cán bộ nghiên cứu lịch sử một cách hết sức tự nhiên. “Trong quá trình đi tìm tư liệu Mậu Thân 1968 làm luận văn cao học, chợt phát hiện ra nhân thân của mình, Kim đã đau khổ, giằng xé. Nhờ nhân vật Kim mà tôi mở rộng được biên độ không gian và thời gian, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, những số phận trong chiến tranh và hòa bình, sự ứng xử giữa những thế hệ về nhân thân, về trách nhiệm làm người, về lòng nhân ái, sự bao dung, những toan tính thấp hèn, những tham vọng, tăm tối trong tâm hồn con người…”.

Từng tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, nhưng số phận đã đưa đẩy Trầm Hương vào nghiệp cầm bút, như lời chị tâm sự: “Tôi không được đào tạo nghề viết văn, cũng chưa qua trường ngữ văn. Viết văn, làm thơ, sáng tác kịch bản, viết lịch sử do lòng say mê, không ngừng học hỏi. Đọc cũng là một cách học hiệu quả cho tôi. Môi trường công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ giúp tôi có nhiều chất liệu từ những nhân chứng sống động của lịch sử. Góc nhìn báo chí giúp tôi có được những bài viết được độc giả yêu mến. Lòng tôi vẫn không nguôi tự hỏi: Hiện thực có quá nhiều những con người bình thường làm nên những điều phi thường. Sứ mạng của mình là ghi lại, viết lại mà không làm nổi, làm không xứng với tầm vóc thì mình thật vô dụng, thật có lỗi”.

Tự vấn, không ngừng đi thực tế từ Nam chí Bắc rồi lao vào viết, hơn 20 năm qua Trầm Hương đã xuất bản gần 20 tác phẩm,  mới nhất là Nếu như có linh hồn (tập truyện ngắn - 2012). Đề tài chủ yếu trong phần lớn tác phẩm của Trầm Hương là chiến tranh cách mạng, đặc biệt là hình tượng những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó cũng là sự lựa chọn xuất phát từ hoàn cảnh lẫn trái tim của người cầm bút, như lời chị thổ lộ: “Tôi đã đi trên con đường không bằng phẳng, không có hoa hồng, không ít nước mắt, đau thương, uẩn khúc. Nhưng trên con đường gập ghềnh thiên lý ấy, tôi hạnh phúc biết bao khi được lắng nghe, đồng cảm, ghi chép những câu chuyện bi hùng từ quá khứ. Tôi được thanh lọc tâm hồn từ những giọt nước mắt sáng trong của những người mẹ, người chị - những bông hoa của đất. Sự đa cảm - gia tài quý báu nhất của cha mẹ cho khiến tôi giàu có biết bao khi chạm tay vào những số phận con người. Hơn 20 năm, tôi không còn nhớ mình đã có bao chuyến đi, đến với những vùng đất xa xôi của đất nước. Những chuyến đi được ghi lại bằng hàng trăm quyển sổ tay. Hàng ngàn bài viết đã kết nối biết bao tấm lòng”.

Những quyển sổ ghi chép, nhật ký của chị về các mẹ, các chị có nhiều đoạn nhòe đi vì nước mắt. Kỳ lạ thay, “chính nỗi đau, nước mắt và cuộc đời anh hùng của các nhân vật đã động viên tôi, an ủi tôi, nâng đỡ tôi; giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua nỗi đau cuộc đời riêng của mình. Trong sâu thẳm, tôi được truyền thêm năng lượng để vượt qua số phận”.

Ngọn lửa tình yêu văn học nghệ thuật của nhà văn Trầm Hương đã lan truyền sang cô con gái Kỳ Nam vừa tới tuổi trưởng thành. Cô bé bắt đầu vẽ tranh, viết văn. Trầm Hương bảo rằng chị không ngăn cản cũng không khuyến khích con theo con đường của mẹ, vì một khi dính món nợ văn chương, có ngăn cấm cũng chẳng được. Bản thân chị đã từng vùng vẫy cố thoát khỏi niềm đam mê văn học nghệ thuật, nên chọn thi vào y khoa, rồi phải học nông nghiệp vậy mà cũng không thoát nổi sự quyến rũ của chữ nghĩa. Từ kinh nghiệm bản thân của chị cho thấy: “Trong chuyện này có chút định mệnh, muốn cũng không được mà không muốn cũng không được. Có lẽ cuộc sống bên một người mẹ đơn thân nuôi con khiến các con tôi nhạy cảm. Tụi nhỏ sớm tìm thấy niềm vui trong sách, ham đọc sách, sách hay ngấm vào người mà thích viết văn. Một đứa trẻ có tâm hồn đa cảm, cá tính, tinh tế trong quan sát, độc lập trong suy nghĩ, cô độc và thích tĩnh lặng mà viết truyện thì tôi không có gì ngạc nhiên. Điều quan trọng là cô bé ấy có đủ dũng khí như mẹ, bởi con đường trở thành nhà văn, gập ghềnh, chông chênh, cô độc lắm”.

Vâng, trăn trở ấy của một người mẹ có trách nhiệm như nhà văn Trầm Hương thật đáng để các bậc phụ huynh suy nghĩ, nhất là những ai mong muốn hướng nghiệp con mình vào con đường gập ghềnh cô đơn này.

PHAN HOÀNG
 

;
.
.
.
.
.