Phan Đăng Di |
Là một trong những người tiên phong trong phong trào làm phim độc lập ở Việt Nam, bộ phim truyện dài đầu tay “Bi, đừng sợ!” (2009) của đạo diễn Phan Đăng Di được trình chiếu tại hàng chục liên hoan phim lớn trên thế giới và giành được nhiều giải thưởng, trong đó có hai giải thưởng uy tín tại Liên hoan phim Cannes năm 2010. Nhân dịp tham gia lớp giảng dạy dành cho các bạn trẻ yêu điện ảnh của câu lạc bộ (CLB) điện ảnh trẻ miền Trung (Xine Tập sự) tại thành phố Đà Nẵng, anh đã dành cho ĐNCT cuộc trò chuyện.
- Tôi có một tình yêu với điện ảnh và tôi muốn nhân rộng tình yêu ấy cho nhiều người. Tôi biết đến CLB điện ảnh trẻ miền Trung bởi Nguyễn Mỹ Dung - Chủ nhiệm CLB này chính là học trò cũ của tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, Mỹ Dung học thêm một năm nữa và trở về Đà Nẵng tiếp tục viết kịch bản, làm phim. Quá trình trao đổi công việc đã khiến chúng tôi không chỉ là thầy trò mà còn là đồng nghiệp của nhau. Mỹ Dung và CLB tổ chức được nhiều hoạt động như những wordshop về kịch bản, quay phim; chiếu phim theo chuyên đề; thảo luận phim; thực hành làm phim ngắn… Nhưng, để mọi hoạt động trở nên chuyên nghiệp và mang tính định kỳ, lâu dài, CLB cần phải có kinh phí. Cho nên tôi đã cùng Mỹ Dung xây dựng dự án Cinema Land và đã xin được tài trợ của quỹ Hà Lan, Đan Mạch và Hội đồng Anh.
*Anh có thể cho biết cụ thể về dự án Cinema Land cũng như đối tượng mà dự án hướng đến?
- Cinema Land là mô hình trọng tâm trong hoạt động của Xine Tập sự được thực hiện tại miền Trung và hướng đến tất cả các bạn trẻ yêu điện ảnh khu vực này. Cinema Land giúp các thành viên tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành điện ảnh, thảo luận và giao lưu chiếu phim hoàn toàn miễn phí. Cinema Land gồm 3 bộ phận chính. Cinema Library - một thư viện phim với các đĩa phim kinh điển, phim nghệ thuật, các thành viên của Xine Tập sự có thể xem tại chỗ và tra cứu tại chỗ một số sách và tạp chí chuyên ngành điện ảnh bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp. Cinema Talk - tổ chức các buổi thảo luận và chiếu phim chuyên đề hằng tuần, với diễn giả là các nhà làm phim, các nhà phê bình phim hay các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Cinema Factory - một xưởng thực hành làm phim quy mô nhỏ, nơi các nhà làm phim trẻ có thể được dự các workshop về làm phim với các nhà làm phim chuyên nghiệp, mượn các thiết bị quay phim HD cầm tay gọn nhẹ để thực hành quay phim, dựng phim và thực hành các khâu hậu kỳ, được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện một số bộ phim được đánh giá xuất sắc.
*Anh có lãng mạn quá không khi dự án này được thực hiện ở một nơi có thể gọi là “vùng đất trắng” về nghệ thuật thứ bảy?
- Điện ảnh và phong trào làm phim trong giới trẻ Việt Nam lâu nay luôn được chú trọng và ưu tiên tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Miền Trung với hai thành phố quan trọng là Đà Nẵng và Huế, nơi có nhiều bạn trẻ rất say mê điện ảnh đáng tiếc lại là nơi đã bị bỏ quên trong hầu hết các chiến lược phát triển về điện ảnh của cả nhà nước lẫn giới làm phim tư nhân, cũng như nằm ngoài sự quan tâm của các quỹ hỗ trợ nghệ thuật nước ngoài đã và đang hiện diện ở Việt Nam.
Chính vì vậy mà tôi tin rằng, khi mở ra những hoạt động điện ảnh ở đây, chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của những bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, bởi các bạn sẽ được tiếp cận với những điều mới lạ hoàn toàn. Chỉ riêng ý nghĩ cùng với các bạn trẻ miền Trung bắt đầu từ đầu, từ những công việc rất nhỏ để nơi đây không còn là vùng đất trắng về nghệ thuật thứ bảy đã khiến tôi cảm thấy thú vị và tin tưởng.
* ... Và dường như anh còn kỳ vọng vào mảnh đất này nhiều hơn nữa?
- Tôi có may mắn được tham dự nhiều liên hoan phim trên thế giới như Cannes, Busan, Hồng Kông… Đó là những thành phố biển gắn liền với hoạt động điện ảnh thật đẹp, thật quyến rũ. Đà Nẵng là một thành phố có độ khang trang, cũng nằm ngay bên biển hiền hòa, khí hậu tốt. Cho nên, ngay lần đầu tiên đến Đà Nẵng, ngoài việc dạy về điện ảnh, tôi đã nghĩ đây quả là một thành phố lý tưởng nếu các hoạt động điện ảnh tầm cỡ quốc tế được kéo về đây như liên hoan phim Cannes hay Busan… Đà Nẵng từng có kinh nghiệm trong việc tổ chức được những sự kiện lớn như thi bắn pháo hoa quốc tế vậy tại sao không mơ ước trở thành nơi tổ chức liên hoan phim quốc tế? Và tôi tin rằng khi tổ chức được những sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế như vậy, hình ảnh Đà Nẵng sẽ được biết đến là một thành phố có tầm văn hóa hơn.
16 năm trước, khi Busan (thành phố cảng lớn nhất Hàn Quốc) chưa tổ chức liên hoan phim quốc tế, Busan chỉ là một thành phố cảng, phát triển kinh tế rất tốt nhưng gần như là một địa điểm zero về văn hóa. Nhưng ngày nay, Busan được biết đến không chỉ là một thành phố lớn mạnh về kinh tế mà còn về văn hóa. Nói đến Busan, giới làm văn hóa nghĩ ngay đến một thành phố với liên hoan phim quốc tế Busan và liên hoan phim Busan đã trở thành một sản phẩm đáng tự hào của thành phố biển này. Mỗi kỳ liên hoan phim Busan được tổ chức thì cả thành phố ngày nào cũng như một ngày hội.
* Nếu một ngày nào đó, mơ ước anh vừa nói trở thành hiện thực?
- Mục đích lớn nhất của chúng tôi là giúp mọi người làm quen với điện ảnh, tiếp xúc với điện ảnh một cách bài bản, có những hiểu biết cụ thể về điện ảnh qua những hoạt động như xem phim, thảo luận về phim. Sau một quá trình sàng lọc, một số người có tố chất và đam mê thực sự sẽ được chúng tôi hỗ trợ để có thể làm phim và trở thành tác giả, bên cạnh đó sẽ có nhiều người trở thành những khán giả chuyên nghiệp với những hiểu biết về điện ảnh. Nếu Đà Nẵng trở thành nơi tổ chức những liên hoan phim quốc tế thường niên thì chính CLB này là nơi tạo ra một lượng khán giả hiểu biết về điện ảnh, đây được coi như những viên gạch đầu tiên bởi một thành phố tổ chức những sự kiện văn hóa thì những công dân của thành phố ấy cũng cần có hiểu biết về văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay CLB đang hoạt động nhờ vào sự trợ giúp về tài chính từ các quỹ văn hóa nước ngoài. Nếu CLB nhận được sự trợ giúp của thành phố, các hoạt động sẽ phát triển tốt và bền vững hơn nữa.
Khiếu Thị Hoài (thực hiện)