Masha Hamilton là một nữ nhà báo, nhà văn người Mỹ (chuyên viết tiểu thuyết) đã sáng lập ra Dự án mang tên The Afghan Women’s Writing Project (AWWP - Tạm dịch là dự án văn chương cho phụ nữ Afghanistan) vào năm 2009, tức sau 10 năm, kể từ lần đầu tiên bà tới Afghanistan.
AWWP hy vọng giúp phụ nữ Afghanistan thoát khỏi sự im lặng. |
Ngay từ đầu, bà nhận ra khi gặp bất cứ người phụ nữ nào cũng dễ nhận thấy họ đều có khát khao học hỏi và thể hiện mình. AWWP tập hợp những tình nguyện viên là giáo viên và nhà văn nhằm giúp phụ nữ Afghanistan viết ra những gì họ muốn nhưng chưa bao giờ có dịp thể hiện.
Hơn ba năm sau khi AWWP hoạt động, dự án này mang lại tác động tích cực cho phụ nữ Afghanistan khi họ dần có thói quen bày tỏ ý kiến, cảm xúc của mình thay cho thói quen chấp nhận mọi thứ bằng sự im lặng. Cô Zahra, khoảng hơn 20 tuổi, tỏ ra phấn khởi nói về câu chuyện của riêng mình trên website của dự án này. Cô cho biết cha mẹ cô đều thất học, rất muốn cô học hành tới nơi tới chốn, nhưng gặp phải định kiến xã hội quá lớn không thể vượt qua. Zahra thông qua AWWP dần dần thay đổi. Zahra miêu tả xã hội Afghanistan bằng những câu chữ ngắn gọn xúc tích được trích đăng trên website qua bằng thơ “Cô gái của chiến tranh”: Tôi là con gái của chiến tranh/ Khi tôi sinh ra chiến tranh đã có/ Bầu trời đen tối/ Nhà cửa sụp đổ... Cho tới giờ Zahra đã có khả năng dạy tiếng Anh tại một trại mồ côi và thường viết về cuộc sống và khát vọng của phụ nữ Afghanistan.
AWWP không dạy cho phụ nữ Afghanistan học tiếng Anh mà chỉ khuyến khích họ viết bằng vốn tiếng Anh của mình. Từ từ, các tình nguyện viên sửa chữa giúp cho họ hoàn thiện dần trình độ tiếng Anh. AWWP muốn phát huy tối đa khả năng kể chuyện sáng tạo của các học viên. Cho tới nay đã có 100 học viên. Người lớn nhất là 45 tuổi và nhỏ nhất 14 tuổi.
Những phụ nữ tham gia AWWP thường phải đối diện với nguy hiểm vì những câu chuyện họ viết ra. Họ phải giấu laptop dưới lớp áo choàng khi đi ngang qua khu vực do Taliban kiểm soát. Họ viết với ý thức càng kín đáo càng tốt. Trong số này có một người đã trở thành nhà văn. Người phụ nữ này đã đi cùng với một người đàn ông có quan hệ bà con suốt 4 tiếng đồng hồ để tìm ra quán cafe Internet. Mahnaz, một học viên tâm sự, cô cố tập viết để trở thành nhà văn nhằm có cơ hội thể hiện tiếng nói của mình. Mới đây, AWWP đã chuyển trụ sở tới thủ đô Kabul để các học viên có thể lui tới sử dụng Internet và trao đổi lẫn nhau.
ANH THƯ (Theo VOA)