- Abác Lang Vè đây rồi, gớm, em mong bác mãi!
- Để tán dóc chuyện hôm trước chớ chi? Vậy thì xin vào đề ngay: Ai là tác giả bài “Thuốc nam đệ nhứt danh truyền” Toa căn bản?
- Bác giỡn hoài, cứ như là MC trên Game show truyền hình. Vậy thì… xin thưa, “Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng” là đáp án cuối cùng của em.
- Trước đây tôi cũng hoàn toàn nghĩ như chú. Đọc sách Nam Phương Gia Truyền của thầy Thích Từ Huệ có nói Toa căn bản dưới tên Thập bổn thang tui mới ngờ ngợ. Đến lúc xem tài liệu “Toa thuốc căn bản và vài toa thuốc thường dùng” (32 trang) do Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh biên soạn in năm 1976 mới biết là Toa căn bản ra đời vào năm 1950 do cụ Võ Văn Hưng, một lương y giàu kinh nghiệm ở miền Đông Nam bộ soạn. Sau đó Toa căn bản được cố Bộ trưởng Y tế Nguyễn Văn Hưởng khuyến khích đưa ra áp dụng. Tui vào mạng tìm kiếm thêm, thấy một thư viện nọ có lưu trữ quyển sách “Toa căn bản” (142 trang) do NXB Tổng hợp Hậu Giang xuất bản năm 1988, mà tác giả ghi là “Võ Văn Hưng, Nguyễn Văn Hưởng”.
- Cách ghi tên tác giả Võ Văn Hưng ở vị trí thứ nhất dường như khẳng định vai trò biên soạn chính hay đầu tiên của cụ đối với Toa căn bản.
- Đúng vậy. Đọc một bài khác, được biết trong kháng chiến chống Pháp khi thuốc Tây bị địch phong tỏa, dân quân thiếu thuốc, BS. Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Sở Y tế Nam Bộ lúc bấy giờ, đã tập hợp các cụ danh y thuốc cổ truyền khắp lục tỉnh Nam Kỳ như Võ Văn Hưng, Lê Kháng, Vương Quốc Chiêm, Nhị Văn Muồi, Đỗ Hữu Vạn... là những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Phòng Đông y, Sở Y tế Nam bộ. Một tài liệu nữa cho biết Võ Văn Hưng có biên soạn sách “Tủ thuốc nhân dân” vào năm 1953-1954. Như rứa, nói Toa căn bản do cụ Võ Văn Hưng soạn là có cơ sở. Rất tiếc là nhiều giáo trình chính thống như Bài giảng Y học cổ truyền (Trường Đại học Y khoa Hà Nội) có viết về Toa căn bản nhưng không nêu tác giả Võ Văn Hưng.
- Vậy theo bác Lang Vè thì vai trò của bác Hưởng đối với Toa căn bản là gì?
- Phải nói là nếu không có ông bác sĩ Tây y từ lò luyện Pháp quốc mà lại có “con mắt xanh” đối với y dược dân tộc như bác Hưởng, thì ngày nay chắc gì nhiều người còn biết Toa căn bản. Nhất là về sau, khi ở nhiều cương vị chủ chốt trong ngành như vụ trưởng đầu tiên của Vụ Đông y đồng thời là viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu Đông y (1957), rồi kiêm chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Đông y của Đại học Y khoa Hà Nội (1958), sau nữa là Bộ trưởng Bộ Y tế (1969), bác Hưởng đã mở rộng nghiên cứu, ứng dụng, phổ cập toa căn bản từ bưng biền miền Nam lan rộng khắp hệ thống y tế miền Bắc.
- Nên bác Hưởng hoàn toàn xứng đáng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân và Huân chương Hồ Chí Minh (cho cụm công trình Toa căn bản, Kháng sinh thảo mộc và Phương pháp dưỡng sinh)?
- Đúng vậy! Tuy nhiên, tác giả chính thức của Toa căn bản cần được ghi nhận trong y văn, y sử chính thống và phổ cập cho mọi người cùng biết. Không lẽ tác giả nhiều bài thuốc Đông y Trung Quốc như Bát vị hoàn của Trương Trọng Cảnh, Lục vị hoàn của Tiền Ất, Bổ trung ích khí thang của Lý Đông Viên… cách ta hàng ngàn năm mà thầy thuốc đông y nào cũng biết rõ, trong khi tác giả Toa căn bản độc đáo có một không hai của ta thì lại lờ mờ nhầm lẫn lung tung. Kiểu như vanh vách sử Tàu, làu làu sử Tây (nhờ phim truyền hình, Internet) mà lại loay hoay sử Việt giống các sĩ tử dự thi đại học môn Sử bây giờ.
- Em hoàn toàn tán thành ý kiến của bác về tác giả Toa căn bản:
“Toa này cụ Võ Văn Hưng
Soạn ra ứng dụng trong rừng U Minh...”
Thế nhưng còn...
- Thôi, lại hẹn trong kỳ tới nói chuyện tiếp nhé.
PHAN LANG