.

Tôn vinh người có công, đừng để quá muộn

Nhan đề bài viết này là ý của Đại tá Lâm Quang Minh, 90 tuổi, hiện ở Đà Nẵng, Phó trưởng Ban liên lạc cựu học sinh “Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945” (TTNTTH), tại buổi lễ mừng hai nhà trí thức nổi tiếng, hai vị sáng lập TTNTTH là luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu được công nhận là “cán bộ tiền khởi nghĩa” trong tháng 12-2012 vừa qua.

Dù sự kiện hai nhà trí thức cống hiến cho cách mạng diễn ra cách đây đã 67 năm  và giáo sư Tạ Quang Bửu đã mất cách đây 26 năm, luật sư Phan Anh “đi” sau cũng đã hơn 10 năm, nhưng với đồng đội hai ông và các gia đình cựu học sinh TTNTTH, việc “công nhận” đó vẫn là chuyện đáng mừng, vì một lần nữa, hoạt động ở ngôi trường đặc biệt này được chính thức công nhận là “hoạt động cách mạng”.

Nói “một lần nữa”, vì từ năm 1994, trong cuốn sách “Giải phóng quân Huế 1945” (NXB Lao động) và sau đó, trong cuốn “TTNTTH 1945, một hiện tượng lịch sử” (NXB Công an Nhân dân, 2008) với những chứng nhân lịch sử có uy tín như ông Hoàng Anh (nguyên Bí thư Trung ương Đảng), Trung tướng Lê Tự Đồng và nhiều tướng lĩnh khác cùng các nhà sử học uy tín, đã khẳng định vai trò to lớn của TTNTTH trong lịch sử Cách mạng Tháng Tám ở Huế và cả trong việc xây dựng Quân đội Nhân dân thời kỳ đầu cách mạng.

Việc “khẳng định” vai trò của TTNTTH trong lịch sử cách mạng Việt Nam phải qua một quá trình hàng chục năm như thế chỉ vì ngôi trường đó lập ra dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim. Đã đành, lịch sử có những thời đoạn phức tạp, nhưng khi hai nhà trí thức sáng lập TTNTTH được Hồ Chủ tịch trọng dụng ngay sau Cách mạng Tháng Tám, khi các vị lão thành cách mạng ở Huế xác định TTNTTH là “xanh vỏ đỏ lòng”, khi hầu hết học viên của TTNTTH  đều hăng hái tham gia cách mạng, trong đó có đến 8 vị tướng cách mạng nổi tiếng (như Cao Văn Khánh, Phan Hàm, Cao Pha, Đoàn Huyên…) và có người là anh hùng như liệt sĩ Lê Thiệu Huy đã hy sinh thân mình khi cứu lãnh tụ cách mạng Lào là Hoàng thân Xu-pha-nu-vông… thì sự
“khẳng định” đó là quá muộn màng.

 Việc công nhận “cán bộ tiền khởi nghĩa” đối với hai vị trí thức có công lớn với dân tộc như Tạ Quang Bửu và Phan Anh lại càng muộn màng hơn nữa! Những người như các ông, ngay khi cách mạng còn “trứng nước”, đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang đi theo cách mạng, thì có cần gì hưởng thụ vật chất. Vấn đề là các tổ chức hữu trách cần thực hiện các chính sách với người có công - nhất là với các nhân sĩ, trí thức - với sự quan tâm và cách xử lý linh hoạt, đừng vì rào cản thủ tục hành chính hoặc là quan điểm “giai cấp”, “lập trường” máy móc đã lỗi thời mà làm dân chúng nghĩ rằng tầng lớp trí thức luôn bị “cảnh giác” và hiểu lầm đường lối đại đoàn kết toàn dân mà Hồ Chủ tịch cũng như Đảng ta luôn coi trọng.

Tuy vậy, đây chưa phải là chuyện đã qua. Còn đến 16 người cùng là cựu học sinh TTNTTH, vẫn chưa được công nhận là người hoạt động tiền khởi nghĩa, trong đó có hai người đang sống thì tuổi đã xấp xỉ 90. Được biết, sự chậm trễ còn do các thủ tục giấy tờ nhiêu khê - với người đã mất, với người chuyển cơ quan nhiều lần và nay đơn vị đã giải thể thì lấy đâu ra đầy đủ giấy chứng nhận! Nhưng sự “chứng nhận” quan trọng nhất là họ đã hiến cả cuộc đời cho cách mạng.

Trong lớp cựu học sinh TTNTTH còn có một trường hợp đặc biệt, một người xứng đáng phong anh hùng nhiều lần từ nửa thế kỷ trước, nhưng cũng chưa được phong tặng. Đó là Đặng Văn Việt, nổi tiếng với danh hiệu “Con hùm xám trên đường số 4” từ chiến dịch biên giới 1949-1950. Sau đó, ông còn tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch nữa giành thắng lợi (như chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc…). Nhiều tướng Pháp đã bị ông đánh bại nên báo chí Pháp gọi ông là vị “tướng không sao”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo… đều đánh giá cao tài năng chỉ huy và công lao của Đặng Văn Việt.

Một nhân vật nổi tiếng như thế, nhưng mãi gần đây mới làm hồ sơ đề nghị phong anh hùng. Lý do: vì ông là con quan! Bố ông là cụ Phó bảng Đặng Văn Hướng, quê Diễn Châu, Nghệ An, từng là Thượng thư Bộ Hình dưới Triều Nguyễn, gia đình bị đấu tố trong Cải cách ruộng đất. Mãi đến tháng 1-2012, theo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ mới ra văn bản “xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng”. Có được văn bản này, Ban liên lạc TTNTTH mới xúc tiến việc đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông Đặng Văn Việt. Được biết hồ sơ đang phải chờ “nghiên cứu tìm hiểu”!

Thiết nghĩ, việc vinh danh những người có công đã quá hiển nhiên đừng để quá muộn. Như ông Đặng Văn Việt, nay đã gần tuổi 95.

Nguyễn Khắc Phê
 

;
.
.
.
.
.