.

Hình tượng Đảng trong mỹ thuật

.

Với đôi bàn tay tài hoa, người họa sĩ đã thổi vào tác phẩm của mình tình yêu thiên nhiên, đất nước. Với họ, hình tượng Đảng được chuyển hóa vào đề tài cuộc sống đương đại như xây dựng nông thôn mới, vẻ đẹp biển đảo hay đơn giản là ghi lại cuộc sống yên bình ở một vùng quê…

Tác phẩm điêu khắc “Tình Bác” với hình ảnh Bác Hồ với  3 cháu thiếu nhi tượng trưng cho 3 miền đất nước của nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh.
Tác phẩm điêu khắc “Tình Bác” với hình ảnh Bác Hồ với 3 cháu thiếu nhi tượng trưng cho 3 miền đất nước của nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh.

Mỗi tác phẩm, một thông điệp

Bằng nét vẽ phóng khoáng, sắc sảo, lẫn sự mẫn cảm trong suy nghĩ người họa sĩ, bức tranh cuộc sống được đưa vào dòng tranh nghệ thuật khá tự nhiên. Để tác phẩm có trọng tâm, những năm qua, Hội Mỹ thuật (MT) TP. Đà Nẵng thường xuyên khuyến khích hội viên sáng tác theo chủ đề, tư tưởng lớn như Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vấn đề biển đảo, nông thôn mới hay sự phát triển thành phố trẻ… Trong đó, hình ảnh đổi mới trong xây dựng và bảo vệ đất nước là đề tài trọng tâm, được đông đảo họa sĩ, nhà điêu khắc thể hiện qua tác phẩm của mình. 54 hội viên của Hội, mỗi người có một sở trường, góc nhìn riêng, tạo nên sự phong phú trong cách thể hiện tác phẩm.

Hơn 40 năm cầm cọ, họa sĩ Vũ Dương là một trong số ít họa sĩ thường xuyên sáng tác về chủ đề biển đảo. Sinh ra và lớn lên ở Huế, tuổi thơ của Vũ Dương “mở mắt ra là thấy biển”. Biển gần gũi, thân thương ấy đã đi sâu vào tâm hồn người họa sĩ. Tình yêu biển đảo đến với anh một cách tự nhiên, không gượng ép. Đặc biệt, những tác phẩm của Vũ Dương đều gửi gắm thông điệp về tình yêu thiên nhiên, cuộc sống như “Cá”, “Người và biển”, “Cá về”, “Ngư thuyền và biển”… Trong đó, tác phẩm “Ngư thuyền và biển” được Hội MT Việt Nam tặng thưởng năm 2009, đồng thời nhận được giải thưởng 5 năm của UBND TP. Đà Nẵng năm 2011. Dòng tranh mà Vũ Dương theo đuổi thể hiện chiều sâu về tư tưởng, về nhân sinh quan, thế giới quan của con người.

Ngoài phản biện cuộc sống, thể hiện ước mơ của con người trong thời đại mới, hội họa hiện nay còn ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên. Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội MT TP Đà Nẵng cho rằng, mỗi tác phẩm đều hàm chứa một thông điệp mà người họa sĩ muốn chuyển tải. Vì thế, để vẽ đúng, vẽ đẹp và mang giá trị nghệ thuật, người họa sĩ phải thường xuyên đi thực tế để nuôi dưỡng cảm xúc lẫn sự nhạy bén trong tâm hồn. Cần có kiến thức phong phú và đa dạng trên nhiều lĩnh vực để hỗ trợ quá trình sáng tác. Ví như, cũng vẽ về đề tài người bộ đội cầm súng, nhưng mỗi giai đoạn, mỗi nhiệm vụ, người lính lại có trang phục, loại súng, cách cầm súng khác nhau, nếu vẽ không đúng, tác phẩm sẽ phản tác dụng tuyên truyền.

Đảng ở trong tim

Nói về hình tượng Đảng và Bác Hồ trong hội họa điêu khắc, họa sĩ Nguyễn Tường Vinh cho rằng, trong tim mỗi người Việt Nam đều có Đảng và Hồ Chủ tịch. Chỉ cần một ít chất xúc tác sẽ bùng lên tình yêu đó. Với Tường Vinh, chuyến đi thực tế sáng tác mang tên “Hành trình theo chân Bác” gần 10 ngày tại Quảng Tây, Quảng Châu (Trung Quốc) năm ngoái giúp ông và đồng nghiệp có thêm nhiều trải nghiệm và cảm xúc khi đặt chân lên những nơi Bác Hồ từng đi qua. Sau một tuần trở về Việt Nam, ông đã miệt mài ngồi vẽ bức tranh “Khi Bác Hồ ở Quảng Châu” để thể hiện tấm lòng yêu kính của mình. Đây là tác phẩm khá thành công của ông, được Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP. Đà Nẵng chọn gửi ra Ban Tuyên giáo Trung ương trong khuôn khổ cuộc thi sáng tác về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tường Vinh chia sẻ: “Những ngày đặt chân trên đất bạn, tôi mới thấm thía sự gian khổ mà Người đã trải qua và càng thêm yêu kính Người. Về Đà Nẵng, tôi vẽ Người bằng cả cảm xúc chân thành và tài hoa của người họa sĩ”.

Từng là người lính ở chiến trường Nam Lào nên trong tâm tưởng của mình, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh luôn đau đáu về những anh em, đồng đội đã hi sinh tại chiến trường phía Nam. Vốn là họa sĩ ở dòng tranh cổ động nhưng từ khi xuất ngũ, con đường nghệ thuật mà anh theo đuổi là xây dựng tượng đài hay các công trình đền ơn đáp nghĩa tại nghĩa trang liệt sĩ. “Chứng tích Thủy bồ La Thọ” là công trình tượng đài đầu tiên của anh, được xây dựng trên đất Điện Thọ (Điện Bàn) rồi tượng đài tại Nghĩa trang liệt sĩ Gò Nổi (Điện Quang), Đài tưởng niệm tại huyện Hiên (Tây Giang). Anh chia sẻ, thời gian tới sẽ tiếp tục thi công Tượng đài Chiến thắng ở Tây Giang với tổng kinh phí 21 tỷ đồng.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.