“Wave” - Con sóng là tên cuốn sách mới nhất của nữ tác giả Sonali Deraniyagala vừa được McClelland & Stewart Limited, Công ty xuất bản Canada phát hành. Trên bìa 4 cuốn sách in lời giới thiệu trang trọng của Michael Ondaatje, nhà văn nổi tiếng Canada, gốc Sri Lanka, tác giả The English Patient (Bệnh nhân người Anh): “Đây là cuốn sách mạnh mẽ và đã ám ảnh tôi nhất trong số sách tôi đã đọc trong những năm qua”.
Sonali Deraniyagala và bìa sách “Con sóng”. |
Đó là câu chuyện từ ký ức của người viết sống sót từ cơn sóng thần đã xảy ra trên biển Ấn Độ dương. Và không thể tưởng tượng được rằng một cuốn hồi ký nói về một vẻ đẹp tinh tế, hy hữu lại phát sinh từ một sự kiện đầy bi kịch khủng khiếp ở sóng thần châu Á xảy ra vào năm 2004. Sonali Deraniyagala đã sáng tạo ra chính xác vẻ đẹp đó.
Trong Wave, Sonali mô tả sự mất mát toàn bộ người thân trong gia đình của mình - người chồng, hai đứa con trai bé nhỏ và cha mẹ cô, tất cả những người thân ấy bị vùi sâu, biến mất dưới làn sóng biển trong vòng một vài giây khủng khiếp trong buổi sáng của ngày 26-12-2004, trên bờ biển phía nam của Sri Lanka. Nhưng qua thời gian kháng cự với nỗi đau, cô bắt đầu viết với suy nghĩ phải ghi lại một cách chi tiết những gì mình đã gặp trong trận thiên tai đó. Một ai đó sẽ làm thế nào để đối phó với sự mất mát khủng khiếp đến thế? Như Deraniyagala đã viết trong cơn sốc kéo dài và cô đã không thể chấp nhận được sự ra đi vĩnh viễn của những người thân yêu, bởi “họ là thế giới của tôi”.
Sonali Deraniyagala sống sót một cách kỳ diệu. Cô mô tả những khoảnh khắc kinh hoàng đầu tiên và cuộc hành trình dài của cô khi cô cố gắng vượt qua những tháng đầu tiên sau thảm kịch, phải chống lại thực tế mà cô không thể không đối mặt hay phủ nhận, và sau đó, trong những năm tiếp theo, sức khỏe và trí nhớ của cô phục hồi trở lại.
Gần 10 năm sau, Deraniyagala bây giờ có thể nói chuyện một cách bình tĩnh trong những sự kiện của ngày hôm đó: Đó là một buổi sáng đầy nắng với bầu trời xanh và không có gió. Cô và gia đình đi nghỉ ở Công viên Quốc gia Yala. Sóng thần ập đến. Công viên tan hoang, đổ nát. Cha mẹ cô chìm nghỉm dưới làn nước trong phòng nghỉ, phòng của họ. Chồng cô đang tắm. Cô và chồng cô nắm lấy các chàng trai và chạy. Họ quá giang một chuyến đi trên một chiếc xe jeep, nhưng ngay sau đó chiếc xe bị phủ đầy nước. Cô ấy nghĩ cô bị dầm trong nước ít nhất 20 phút. Và một làn sóng đẩy cô lên trên mặt nước cô đã có thể bám vào một nhành cây. Cô là người duy nhất trong gia đình tồn tại.
Sonali đến New York vào cuối năm 2006, một phần là để được gần các cơ sở trị liệu tinh thần và ổn định cuộc sống của cô. Bác sĩ chuyên khoa của cô, Mark Epstein, thường xuyên đề nghị và khuyến khích cô nên viết, nên ghi lại những cảm nghĩ của mình để cho tinh thần được thư thái. Cuối cùng cô đã bị thuyết phục. Sonali Deraniyagala bắt đầu viết và tự khám phá những gì đã xảy ra với chính mình trong sóng dữ.
Dù bắt đầu viết từng bước, tuy hơi bối rối nhưng Sonali Deraniyagala phát hiện sự liên kết là lạ, thú vị xuất hiện trên trang giấy và trong suy nghĩ của mình, thêm nữa, cô vẫn bỏ thời gian trở về lại Sri Lanka để nối lại cảm xúc của mình. Con sóng khổng lồ ập sâu vào đất liền tận 3 km và tàn phá cả công viên Yala quốc gia - khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất Sri Lanka, ngôi nhà của 200 con voi châu Á, cá sấu, lợn rừng, trâu nước và khỉ xám châu Á. Đôi khi cô trở lại Yala, nơi bi kịch đã xảy ra với gia đình, cô tìm kiếm khách sạn đã bị san bằng và vào rừng tìm lại các đầu mối cho cuộc sống đã bị lấy mất. Và kết quả, Sonali đã mang lại cho độc giả một câu chuyện sinh động với ý chí quyết liệt, khẳng định cuộc sống với sức mạnh của những ai đã từng sống sót mất mát đau thương.
Sonali sẽ tham dự buổi ra mắt, công bố cuốn sách trong tuần này với rất nhiều lo lắng, đặc biệt là các đồng nghiệp ở New York và những người láng giềng trong khu căn hộ nơi cô đang sống. Họ hoàn toàn chưa hề biết câu chuyện của cô.
Sonali Deaniyagola sinh ra và lớn lên ở Colombo, Sri Lanka. Hiện cô sống và làm việc ở New York và giảng dạy Đại học Kinh tế ở Bắc London.
HOÀNG ĐẶNG