Nguyễn Thế Quang là cây bút mới. Năm 2010, anh mới công bố tiểu thuyết lịch sử đầu tay Nguyễn Du được dư luận chú ý, NXB Hội Nhà văn vừa tái bản. Vào những ngày đầu Xuân 2013, anh lại vừa trình làng cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ hai: Khúc hát những dòng sông(*) viết về bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong một lần Nguyễn Thế Quang vào Huế tìm tư liệu, gặp gỡ các nhà nghiên cứu Huế để hiểu thêm cuộc đời bà Hoàng Thị Loan và để tự mình nếm trải những phong vị đặc sắc của vùng đất mà nhân vật từng sống, tôi có nói rằng “viết tiểu thuyết về một nhân vật như thế rất khó, vì liên quan đến Cụ Hồ, bạn không thể phóng trí tưởng tượng đi xa, không thể hư cấu tùy thích…”. Tác giả đã tâm sự với tôi đại ý rằng, cuốn sách viết về thân mẫu của Cụ Hồ mà cũng là viết về người mẹ, ngọn nguồn sinh thành nên những giá trị cơ bản nhất của đời sống dân tộc, nhưng lại chưa có nhiều tác phẩm xây dựng được nhân vật người mẹ thành công. Và anh đã quyết thực hiện đề tài ấp ủ đã lâu, vẫn giữ tên sách xem ra không ăn khách ở thời buổi thị trường này vì nó gắn với hồn cốt tác phẩm được gợi từ câu hát dân gian: “… Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”.
Thật ra, nhân vật người mẹ đã hiện diện, có khi là nhân vật chính của nhiều tác phẩm như “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, “Gia đình má Bảy” của Phan Tứ, “Hòn đất” của Anh Đức… nhưng các tác phẩm này chủ yếu thể hiện người mẹ anh hùng trong chiến đấu. Qua nhân vật chính, tác giả muốn dựng một người mẹ với biết bao lo toan, dám vượt qua mọi chướng ngại và cám dỗ, hy sinh tất cả chỉ vì con, muốn con nên NGƯỜI. Đây chính là chức năng và cũng là vẻ đẹp chủ yếu của người mẹ.
Chính vì thế, mở đầu tiểu thuyết, sau những trang viết miêu tả cảnh mẹ con bà Hoàng Thị Loan trên bãi dâu bên sông Lam đầy thơ mộng, người mẹ phải đứng trước một sự lựa chọn khó khăn và bà đã có một quyết định can đảm, không phải người phụ nữ nào cũng dám làm: rời xa tổ ấm làng quê thân thuộc, bồng bế con nhỏ theo chồng vào “Kinh”, một vùng đất xa lạ, thân cô, thế cô, để có thể giúp chồng ăn học thành tài và nuôi dạy con nên người.
Với quyết tâm đó, người mẹ trẻ đã vượt qua biết bao thử thách khó khăn mà ngòi bút tác giả chưa hẳn đã diễn tả hết. Chỉ riêng chuyện vượt chặng đường gian nan từ Nam Đàn, qua Đèo Ngang vào Huế, với quang gánh trên vai và hai con nhỏ chưa đủ sức tự lập, ngày nắng giữa bãi cát, đêm mưa trên đèo, rồi thú dữ rình rập… đã là một kỳ tích.
Cho dù vậy, nỗi gian nan trên đường vào kinh chỉ là thách thức ngắn hạn về thể lực, không thấm gì so với những khổ ải mà người mẹ phải gánh chịu trong những năm ở Huế, với bao nỗi lo toan suốt năm này sang năm khác. Và cho dù nhiều lúc túng thiếu, buôn bán không đủ tiền lo bữa ăn hằng ngày, bà Loan vẫn giữ được cuộc sống thanh sạch, không bị sa ngã khi bị Quản cơ Tấn đem vàng bạc đến dụ dỗ.
“… Chị cử Loan dứt khoát:
- Không! Không bao giờ! Thầy về ngay đi!
Không kiềm chế được ngọn lửa dục bừng bừng, chưởng cơ chụp lấy tay Loan rồi đứng dậy, bước nhanh sang bên kia bàn, dang tay phải ra để ôm lấy tấm thân ngà ngọc thơm tho của người đẹp. Loan vùng mạnh tay ra, vụt đứng dậy, lui vào góc nhà. Quản cơ lấn tới. Bỗng chị đưa tay ra phía sau, rút cái soạt và giơ ra một cây dao nhọn sáng, sắc lẻm. Quản cơ đứng sững lại.
- Ông dừng lại, nếu bước thêm một bước thì...”
Điều đặc biệt hơn là bà Loan không chỉ cứng cỏi và quyết liệt chống lại sự cám dỗ và mọi thiếu thốn về vật chất, mà trong mọi hoàn cảnh - từ buổi hai mẹ con rời bờ sông Lam cho đến mỗi chỗ dừng chân trên đường vô xứ Huế, rồi những buổi dẫn Nguyễn Sinh Cung đi thăm các đình chùa nơi kinh đô, nghe hát vè “Thất thủ kinh đô”… - bà đều khơi gợi và giảng cho con nghe về những tấm gương giàu nghĩa khí của tiền nhân, về cách đối nhân xử thế, cả về những vẻ đẹp của các điệu dân ca… Ngày ngày, bà dõi theo mỗi đường đi nước bước của con. Một lần, chỉ mỗi việc Sinh Cung hái nhãn dọc đường Hộ Thành về cho mẹ, tim bà đã nhói đau, buồn và giận khôn cùng. “… Con tự bẻ nhãn của người khác là con làm việc bất chính… Con tự lấy của người khác dù chỉ một chùm nhãn nhưng mọi người sẽ chê cười ông bà, chê cười cả dân xứ Nghệ chúng ta. Nỗi nhục này làm sao mà xóa được!?”.
Qua nhân vật Hoàng Thị Loan trong tiểu thuyết, chúng ta nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp của bao người mẹ Việt Nam khác, ngọn nguồn tạo nên những người con đất Việt biết sống vì nghĩa lớn, dám hy sinh vì độc lập và tự do của tổ quốc. Có lẽ vì thế mà cuốn sách vừa xuất bản đã được tái bản theo yêu cầu của một số cơ quan, đơn vị - như Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An đã đặt mua để đưa sách đến tất cả các trường học trong tỉnh.
Tôi nghĩ Khúc hát những dòng sông còn nhiều điều đáng để bạn đọc khám phá. Ví như ở phần “Vĩ thanh”, khi tác giả phóng trí tưởng tượng sang trời Tây, dựng hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đứng bên bờ sông Seine tưởng nhớ đến người mẹ đã quá cố ở trời Đông xa cách:
- “... Trong dòng chảy lạnh lùng của thời gian, trong dòng đời dữ dội, qua dông bão và lửa cháy, Mẹ như dòng sông trong trẻo của tình yêu và đức hy sinh nuôi dưỡng tâm tính con, gột rửa bao lỗi lầm và tiếp cho con bao sức mạnh, vượt qua bao thác ghềnh để hôm nay con tìm được hướng đi …”.
Cái kết có hậu có thể giảm độ bi thương sau chuyện Hoàng Thị Loan từ trần khi sinh đứa con thứ tư trong cảnh đói nghèo. Một sự hư cấu khá hợp lý, nhưng chưa hẳn đã thuyết phục được nhiều người. Với một tác phẩm văn học, như thế là chuyện thường. Và nhiều khi đó lại là điều thú vị…
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(*) NXB Hội Nhà văn, 2013.