Trong tập Truyện ký “Cha tôi”(*), nhà văn Bùi Công Dụng đã dành trọn một chương Mẹ cũng vượt Trường Sơn để mô tả người mẹ tình nguyện vào chiến trường phục vụ tại căn cứ Phước Trà. Đây là nơi diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng bộ Khu V (tháng 12-1973) và nhiều hội nghị quan trọng khác dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V và Bộ Tư lệnh Quân khu trước khi mở cuộc Tổng tiến công vào mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
ĐNCT xin giới thiệu cùng bạn đọc trích đoạn này.
Căn cứ Phước Trà ở huyện Hiệp Đức tỉnh Quảng Nam được đi vào lịch sử là một đại bản doanh của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Mẹ tôi vào đây là lúc khu căn cứ đã được di chuyển từ Nước Oa - Trà My về mới được mấy tháng, tuy thế căn cứ Phước Trà cũng đã có nhiều khu nhà lá được dựng lên, có hầm trú ẩn, khu vực hội họp, có giếng nước.
Bác Năm Công trên đường Trường Sơn. |
Khi mẹ tôi vào, ông Năm Công (tức ông Võ Chí Công) nói với mấy anh ở Văn phòng Khu ủy làm một cái nhà lá cho mẹ tôi ở, phía sau nhà làm một cái bếp nữa. Khu vực đó chỉ có nhà ông Năm Công, nhà ông Phan Đấu, Phó Văn phòng Khu ủy kiêm thư ký cho ông Năm Công và căn nhà nhỏ của mẹ tôi.
Một hôm, anh Hải phục vụ hậu cần cho ông Năm Công mang ở đâu về tám con cá. Những con cá nhỏ xíu, chỉ bằng hai đốt ngón tay. Mẹ tôi nhận tám con cá đang còn quẫy, bà lấy dao cạo vẩy làm sạch sẽ, xếp cá vào hộp thành ba lớp, cho ít nước mắm, đường, mì chính, xay ít tiêu rắc vào. Để cho cá ngấm một lát, mẹ gạt lấy than trong bếp Hoàng Cầm rồi kê ba viên gạch, mẹ cho lửa lim rim…
Đến bữa chiều mẹ dọn cơm cho ông Năm Công, thấy có cá kho tiêu, ông trầm trồ khen. Biết ông ăn được cơm, mẹ mừng ghê lắm. Ông Năm Công hỏi mẹ cá kho tiêu có còn không thì để dành cho ông Hai Mạnh (tức là ông Chu Huy Mân) ăn với. Mẹ tôi nói còn được sáu con nữa. Nói mà mẹ suýt khóc vì thương ông Năm Công. Chỉ có mấy con cá thôi, ông cũng nhớ để dành cho đồng đội. Sao trong này khó khăn thiếu thốn quá vậy trời!
Trưa hôm sau, khi ngồi vào bàn ăn cơm với ông Năm Công, nhìn thấy tô canh tỏa hơi nghi ngút, dĩa rau dớn luộc, mấy con cá kho bóng lẫy, săn chắc thơm lừng mùi tiêu, ớt, ông Hai Mạnh nói liền:
- Chà, hôm nay có cấp dưỡng mới đây!
Anh cảnh vệ của ông Hai Mạnh nói: Có cô mới ở Hà Nội vào phục vụ đó chú!
Ông Hai Mạnh vừa ăn vừa tấm tắc khen. Bữa cơm của hai người rất ngon miệng và vui vẻ. Ăn xong ông nói với anh cảnh vệ: chiều xuống mời cô lên cho ông gặp!
Ông Hai Mạnh là Thường vụ Khu ủy, Tư lệnh Quân khu 5, là Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu, oai hùng lắm. Mỗi buổi chiều, ông thường hay ra sân đá bóng với anh em trong Khu ủy, ông tập luyện đều nên dẻo dai và rất nhanh nhẹn.
Đúng 5 giờ, mẹ tôi đến thì đã thấy ông Hai Mạnh ngồi chờ. Ông tươi cười bắt tay, mời mẹ tôi uống nước rồi thân mật hỏi chuyện:
- Tôi được anh em cho biết là chị mới vào đây. Chị đi đường thế nào, có mệt không, đã quen trong này chưa?
Lần đầu tiếp xúc với vị tướng tư lệnh, thấy ông có thái độ gần gũi thân tình như thế, mẹ tôi phấn chấn, vui vẻ kể lại chuyện đi đường… Vị tư lệnh lắng nghe rồi hỏi mẹ chuyện con cái học hành thế nào, rồi ông hỏi chồng làm gì, làm ở đâu. Mẹ tôi trả lời tất cả những câu hỏi của ông, rồi mẹ nói:
- Chồng tôi ảnh cũng làm ở đây, tên ảnh là Trọng, Bùi Công Trọng đó anh.
Ông Chu Huy Mân chưa nhớ ra là ai. Ông chỉ gật đầu nói: Ồ, thế hả, rất tốt.
Đến lúc đó ông mới nói về lý do ông muốn gặp mẹ là để nói cảm nghĩ của ông khi được ăn bữa cơm do mẹ nấu trưa nay. Ông nói sở dĩ ông quan tâm vì trước đây khi bắt đầu đi hoạt động cách mạng, ông cũng đã đi làm thuê làm mướn, rồi làm đầu bếp phục vụ nấu ăn cho một nhà hàng, nhưng lại chuyên làm bánh. Ông biết cách làm rất nhiều loại bánh, rồi hỏi mẹ tôi có biết làm bánh caramen không, hôm nào làm mấy cái cho bác Năm Công và mấy anh thưởng thức. Mẹ tôi cười đồng ý.
Thời gian ở Văn phòng Khu ủy, cứ đến chiều thứ bảy và ngày chủ nhật là mẹ được về ở bên khu làm việc của cha tôi, là khu làm việc của các ban Đảng. Mỗi lần về là mẹ tôi đem hết tiêu chuẩn sinh hoạt hằng tháng của mẹ về bên đó. Tiêu chuẩn mỗi tháng của mẹ là bốn gói chè Thanh Hương, mấy cân gạo nếp, đậu xanh, có cả thuốc anh em để dành cho mẹ ăn trầu nữa.
Ông Bùi Công Trọng cùng vợ ở căn cứ Khu ủy Khu 5. |
Có lần, một chú trinh sát đi đâu về đưa cho mẹ một củ sắn to, nói cô nướng cho chú để dành mỗi bữa ăn một miếng. Ở căn cứ thiếu ăn quá, toàn rau rừng, khoai sắn. Mẹ cầm củ sắn mà lòng nao nao thương cảm. Lần khác, có một chú cán bộ đi công tác Bình Định ra, đem theo 30 lon gạo nếp mới, đi đường dài ngày quá, chú chỉ còn để dành được một lon, đem đến nói với mẹ: chị nấu cho anh Trọng chén cháo, gạo thơm ngon lắm. Mẹ cảm động không cầm được nước mắt.
Tối hôm đó mẹ nấu hai chén cháo, bỏ đường vào. Cha tôi nói: Em qua gọi chú Ba, nghe! Mẹ cầm đèn pin đi sang lán ở của chú Ba. Thấy chú đang nằm trên võng, buồn xo nhớ nhà. Mẹ nói: anh Hai đang viết cái gì mời chú qua một chút. Chú Ba đi qua, hai anh em ngồi bên bếp lửa, húp xì xụp chén cháo đường. Cha quay sang hỏi mẹ: Em ăn chưa? Mẹ dối lòng: Em ăn rồi!
Sáng hôm sau, khi chiến sĩ đến đưa mẹ tôi qua lại cơ quan khu ủy, cha tôi dặn:
- Em vô đây là để lo cho mấy anh khu ủy ăn uống để họp, nên nấu nướng làm cái chi cũng đem hết tâm trí phục vụ cho mấy anh, đừng nghĩ anh và mấy anh bên này cực, đừng nghĩ điều nọ điều kia mà sao nhãng công việc, nghe không!
Mẹ gật đầu “Biết hết rồi!.”
Trung tuần tháng 12, cán bộ khắp nơi tập trung về khu căn cứ rất đông. Sắp đến ngày đại hội rồi. Những ngày đó mẹ thấy có thêm nguồn lương thực, thực phẩm từ đồng bằng chuyển lên. Tổ nấu ăn cho đại biểu về dự đại hội có nhiều người, mỗi người được phân công mỗi việc, riêng mẹ được các anh giao cho nhiệm vụ lo bữa ăn cho các ông Thường vụ Khu ủy. Tất cả có bảy người là ông Võ Chí Công, Hồ Nghinh, Bùi San (Chín Liêm), Chu Huy Mân, Nguyễn Xuân Hữu (Bảy Hữu), Nguyễn Xuân Nhĩ (Tám Tâm) và ông Trần Kiên.
Để quen dần với việc ăn uống trong điều kiện no dồn đói góp, bữa cơm đầu tiên mẹ nấu những món nhẹ, ít đạm nhưng đậm đà và nóng sốt. Mẹ rất mừng khi kiểm tra lại những mâm cơm được chiến sĩ phục vụ thu dọn mang xuống, tất cả hầu như… không còn gì. Những bữa tiếp theo mẹ bắt đầu nấu những món ăn theo khẩu vị các ông. Ông Năm Công thích món cá kho tộ, rau dớn luộc và chút canh, nếu có điều kiện thêm món gà rô-ti là nhất hạng. Ông Chín Liêm thích mỗi bữa ăn có được vài miếng thịt gà, dĩa rau xào và một chén canh. Ông Tám Tâm hơi khó ăn, tất cả thức ăn phải không được cho bất cứ thứ gia vị nào…, các ông khác thì dễ ăn hơn nhưng lại ăn rất ít. Ông Trần Kiên mỗi bữa chỉ ăn một chén cơm nhỏ.
Có lần mẹ làm cho ông Tám Tâm một dĩa gà xé. Không biết mẹ chế biến cách nào mà khi ông Tám Tâm cầm dĩa gà xé thơm phức mùi vị mà từng miếng thịt gà đều trắng bóc không hề có chút xíu gia vị dính vào. Ông ăn ngon miệng và khen nức nở. Về sau mẹ mới tiết lộ kỹ thuật chế biến giấu gia vị của mẹ. Hồi nhỏ mẹ thấy bà dì Năm nấu chè đãi khách, mỗi một chén chè lại có một hương vị khác nhau. Chén thì hương hoa bưởi, hương chanh, chén thì có mùi hương sen, hương quế… Dì nói riêng với mẹ, trước khi múc chè ra chén thì trong từng cái chén không đó, dì ủ kín những hoa lá có mùi hương riêng biệt, khi múc ra là có mùi hương thơm ngào ngạt, không chén nào lẫn với chén nào.
... Cha tôi cùng ông Hồ Quốc Phương, Phó ban tuyên huấn Khu ủy 5 trong thư ký đoàn hội nghị, làm việc ghi chép liên tục, hình thành các văn bản dự thảo nghị quyết về những nội dung của hội nghị, những vấn đề nóng hổi về phát triển đấu tranh võ trang chống địch lấn chiếm, mở rộng vùng giải phóng theo tinh thần Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng.
Mẹ tôi không hề nghĩ rằng bà đã là một trong những người vinh dự được chứng kiến và phục vụ một đại hội lớn đồng thời cũng là đại hội cuối cùng của Đảng bộ Khu 5.
... Sáu tháng đã trôi qua, khu căn cứ yêu thương gần gũi mà mẹ quý trọng đếm từng ngày vì sợ phải xa cách, nay đã đến lúc mẹ phải rời xa để trở về miền Bắc. Từng căn nhà lá, giếng nước, bờ suối, cỏ cây, rau rừng, những căn hầm trú ẩn,… lâu nay có dấu chân mẹ, có bàn tay mẹ chạm vào, từ nay mẹ đã phải xa tất cả.
Khi mọi người đã đến đủ, ông Năm Công nói:
- Hôm nay Văn phòng Khu ủy tổ chức buổi liên hoan chia tay chị Trọng để ngày mai chị về với các cháu. Thời gian sống ở đây, ở khu căn cứ cách mạng này, chị đã để lại cho anh em chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp về lòng tận tụy trong công tác. Chị nấu ăn phục vụ cho chúng tôi nhiều rồi, hôm nay chị hoàn toàn nghỉ ngơi để anh em chúng tôi phục vụ lại chị…
Mọi người cùng cười. Mẹ tôi nhìn quanh. Bữa tiệc có khoảng bảy, tám người. Bên cạnh ông Năm Công là hai vợ chồng ông bà Chín Liêm, ông Phan Đấu. Phía bên này có cha tôi, mẹ và một anh quản trị Văn phòng. Chừng đó tháng ngày sống với nhau, giờ đây mọi người có mặt ở bàn tiệc này đều trở nên vô cùng thân thiết.
Sau đại hội, các ông thường vụ cũng đã đi triển khai công việc. Ngày mai ông Bảy Hữu ra phía Quảng Trị, đi cùng xe với mẹ. Khi xe nổ máy, mẹ đưa tay ra ngoài cửa xe mà nắm lấy áo cha tôi, mẹ như muốn ôm cha tôi vào lòng một lần nữa để không cần biết lần chia tay này sẽ có thế nào. Chiến tranh kéo dài quá lâu rồi, hòa bình rồi mà vẫn chưa có hồi kết, cha tôi và mọi người vẫn lặng lẽ chiến đấu, tiếng đạn thù vẫn còn nổ. Mẹ đi về miền Bắc mà lòng đầy thương cảm, chưa yên…
BÙI CÔNG DỤNG
(*) Dự kiến phát hành vào tháng 5-2013.