Đà Nẵng cuối tuần
Thuốc quý chữa bệnh rọm
Trong kho tàng kinh nghiệm dân gian có những cây thuốc chữa lành bệnh rọm mà không để lại di chứng, đây là điều không phải ai cũng biết được: Rọm ăn hoại tử ngón tay/ Ruột gà có khớp đắp ngay sẽ lành!
Mẹ tôi có một ngón tay cái bị tháo khớp, di chứng của một lần mắc bệnh rọm. Đây là loại bệnh nhiễm trùng hoại tử phát trên các ngón hay mu bàn tay, bàn chân, ban đầu ngứa rồi sưng đỏ, sau đó tụ mủ kết hình một cái kén con sâu rọm, khi vỡ mủ, vết thương lan rộng và ăn sâu vào các khớp xương, điều trị Tây y thường phải tháo khớp. Tuy bệnh không nguy hiểm chết người, nhưng lại vô cùng đau đớn. Có người bệnh phải cột dây trên sườn nhà để treo ngón tay (và cả cánh tay) lên cả ngày đêm mới hòng đỡ nhức đôi chút.
Bài viết này xin giới thiệu thêm một kinh nghiệm dân gian quý báu chữa bệnh rọm đã được Lương y Lê Quý, Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), kế thừa ứng dụng. Nguyên gốc bài thuốc này là kinh nghiệm bí truyền của một ông lang vườn có tên là Thiên ở thôn Thạch Nham, xã Hòa Nhơn. Mỗi khi có người tới xin thuốc, ông Thiên mới lên gò hái thuốc về giã dập để người ta khó đoán biết lá cây gì. Người bệnh mang nắm lá thuốc về chỉ cần giã thật nhuyễn đắp lên chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc một lần, khoảng một tuần là khỏi.
Có lần do tình cờ, một người dân đã phát hiện cây thuốc “bí truyền” ông Thiên thường hái, đã nhổ một cây mang về cho Lương y Quý nhận diện. Sau khi ông Thiên qua đời, bài thuốc gia truyền của ông dần mai một do không ai kế thừa. Một lần, bà mẹ của Lương y Quý bị mắc bệnh rọm trên mu bàn tay, sau khi uống một số thuốc Đông, Tây đều không đỡ nhức. Nghe bà chép miệng rên rỉ “Phải chi còn ông Thiên…”, Lương y Quý sực nhớ chuyện cũ, đi tìm cây thuốc đó về giã đắp cho mẹ. Điều kỳ diệu xảy ra, chỉ sau 15 - 20 phút đắp thuốc, bà nghe đỡ đau nhức hẳn. Sau một tuần đắp thuốc, vết thương sâu hoắm đã khép miệng lên da non, điều đặc biệt hơn nữa là về sau không để lại vết sẹo nào. Kinh nghiệm này đã được Lương y Quý ứng dụng điều trị cho hơn mười bệnh nhân khác, đều có kết quả tương tự.
Lương y Lê Quý đã kể chuyện trên và mang mẫu vật cây thuốc đến cho tôi xem. Tôi đã mang mẫu cây này đến tận nhà TS. Võ Văn Chi ở TP. Hồ Chí Minh nhờ định danh cây thuốc. Sau hơn một tuần, tôi đã nhận được kết quả TS. Võ Văn Chi cho biết đó là cây Ruột gà có khớp; tên khoa học là Borreria articularis (L. f.) F. Williams, (tên đồng nghĩa Spermacoce articularis L.f.) thuộc họ Cà-phê (Rubiaceae). Cây này đã được TS. Võ Văn Chi đưa vào Từ điển Cây thuốc Việt Nam (bộ mới, 2012, tập 2, tr.626) với công dụng ghi là cành trị đau mắt; rễ giải khát, trị sốt… Tuy nhiên, từ điển này chưa cập nhật kinh nghiệm chúng tôi vừa nói ở trên.
PHAN PHÚ SƠN