Đà Nẵng cuối tuần
Bài thuốc dân gian trị ngứa
Ngứa là một chứng phổ biến, hay gặp nhiều trong mùa nắng nóng. Dân ta thường xếp ngứa là một trong hai cực hình khó chịu bậc nhất: “đau đẻ, ngứa ghẻ”. Nó bắt phải “sột soạt luôn tay tựa gẩy đàn” mọi lúc mọi nơi, không chỉ khó chịu mà nhiều khi rất… bất lịch sự.
Cây đậu săng (đậu chiều, đậu cọc rào). |
Trên thực tế, ngứa không chỉ do ghẻ và các ký sinh trùng gây bệnh ngoài da, mà còn do nhiều bệnh khác dẫn tới như: ung thư, đái tháo đường, bệnh gan mật, bệnh thận, rối loạn chức năng thần kinh, dị ứng… Nếu để kéo dài, chứng ngứa sẽ làm cho người bệnh luôn ở trạng thái căng thẳng, cáu gắt, bực bội triền miên, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến tâm thần, làm giảm sút năng suất, chất lượng công tác, học tập.
Để giải quyết chữa trị một số chứng ngứa thông thường, xin giới thiệu một bài thuốc Nam tâm đắc gồm 7 vị, có thể tìm thấy dễ dàng ở mọi miền trên nước ta. Đó là: Rau má, chó đẻ, cỏ sữa nhỏ lá, đậu săng (mỗi thứ một nắm, khoảng 60g tươi hoặc 30g khô), khoai lang (một củ), đường bát (đường đen xứ Quảng) 1/4 tán, gan heo tươi (1 lạng). Tất cả rửa sạch cho vào ấm sắc thuốc, đổ 2 lít nước, sắc còn 1 lít, chia uống 3 lần trong ngày. Không để qua ngày vì dễ thiu. Có thể tóm tắt như sau:
Rau má, cỏ sữa, khoai lang
Đậu săng, chó đẻ, miếng gan, cục đường.
Chớ chê vị thuốc tầm thường
Bách phương chữa ngứa, chẳng nhường thua ai.
Trong bài thuốc này, gan heo, đường đen, khoai lang là các vị thuốc bổ huyết, bổ tỳ vị (tỳ sinh huyết). Riêng khoai lang còn có tác dụng nhuận trường. Còn các vị rau má, chó đẻ, cỏ sữa (nếu không có loại nhỏ lá có thế thay bằng cỏ sữa lớn lá), đậu săng là thuốc thanh nhiệt tiêu độc.
Tôi đã ứng dụng điều trị bằng cách kê đơn và hướng dẫn người bệnh tự tìm thuốc trong nguồn thuốc Nam hoang dã, hầu như không tốn kém. Theo dõi kết quả, nhận thấy bài thuốc rất thích ứng các chứng ngứa ngoài da mà mắt thường không thấy gì đặc biệt (trừ những tổn thương do gãi). Thường chỉ dùng từ 1 đến 3 thang là có kết quả. Sau đó có thể dùng thêm vài ba ngày nữa (liều lượng giảm 1/2 ) để phòng tái phát.
Đối với các bệnh ngoài da như ghẻ, nấm (có tổn thương da mà mắt nhìn thấy được như nốt ngứa, luống ghẻ...) mà cơ địa người bệnh nóng nhiệt có thể dùng bài này uống trong kèm với thuốc bôi ngoài đặc trị theo từng loại bệnh thì kết quả càng nhanh. Đối với các bệnh khác dẫn đến chứng ngứa cần điều trị bệnh gốc đồng thời có thể kết hợp bài này để giảm ngứa. Nhưng lưu ý, người bệnh có triệu chứng hàn (như sợ lạnh, ăn kém, ỉa chảy lỏng kéo dài...) thì không được dùng bài này.
Xin nói thêm, đây là bài thuốc lưu truyền trong dân gian, do Lương y Lâm Quang Thành ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang trực truyền cho tôi cách đây vài chục năm. Tôi đã để tâm truy tìm nguồn gốc bài thuốc, nhưng trong tất cả các sách thuốc Nam cổ điển và hiện đại mà chúng tôi đang có chưa thấy ở đâu ghi bài thuốc này. Căn cứ vào vị thuốc “đường bát”, rất có thể đây là bài thuốc có xuất xứ từ quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng.
Lương y PHAN CÔNG TUẤN