.

Lượt về V-League 2013: Niềm tin mong manh

.

Những người làm bóng đá Việt Nam hồ hởi bảo rằng thời buổi bấy giờ, cầu thủ nào ra sân cũng phải chí thú thi đấu, bởi lơ là một chút là bị đẩy ra đường chịu cảnh thất nghiệp ngay. Tiền vệ Thanh Hưng của SHB Đà Nẵng là ví dụ mới nhất của thời buổi khó khăn hiện tại. Anh là một trong những ngôi sao lớn của bóng đá hiện tại nhưng vì thiếu quyết tâm thi đấu đã bị HLV Huỳnh Đức đẩy xuống đội trẻ tập luyện. Nếu như mọi năm, Thanh Hưng chắc chắn sẽ có một vài CLB sẵn sàng chi ra vài tỷ để có được chữ ký của anh.

Các trận đấu quyết liệt dần kéo khán giả trở lại sân nhiều hơn những mùa giải trước. Trong lúc khó khăn, nhận được sự động viên của người hâm mộ cũng là thứ cầu thủ, HLV hay những ông bầu rất cần. Nói tóm lại, gần hết lượt đi V-League 2013 nhận được nhiều “điểm cộng” so với dự báo ảm đạm trước khi giải đấu này khai mạc.

Ở đây, chúng ta không bàn tới chuyện “đường dài mới biết ngựa hay”, không bàn luận SLNA có đủ sức duy trì ngôi đầu bảng để đánh bại đương kim vô địch SHB Đà Nẵng khi mùa giải kết thúc hay không. Ở những mùa giải trước, lượt đi và lượt về thường là hai bộ mặt khác nhau. Lượt đi chơi tới bờ tới bến nhưng lượt về là lúc tình cảm bị chi phối rất nhiều những đôi chân cầu thủ. Chính vì thế, chúng ta bàn chuyện liệu lượt về V-League 2013 sẽ bắt đầu vào 15-6 tới (hiện tại V-League đang tạm nghỉ 20 ngày) có khác so với mọi năm vì hoàn cảnh khó khăn kinh tế? Các đội có bắt tay liên minh với nhau để trụ hạng? Những trận đấu như thể diễn kịch khiến khán giả nhanh chóng quay lưng?

Nhận định của một quan chức bóng đá Việt Nam hồi đầu mùa giải rằng sẽ có ít nhất một đội bỏ cuộc chơi giữa chừng vẫn chưa xảy ra. Những dấu hiệu tích cực ở lượt đi là nguyên nhân lớn giữ chân các đội bóng ở lại. Nói như thế để thấy nếu lượt về xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực thì không loại trừ có đội bỏ cuộc chơi giữa chừng. Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tỏ ra quyết tâm giữ cho nhịp điệu V-League lượt về giống như lượt đi nhằm giúp cho bóng đá nước nhà vượt qua khó khăn. VPF cho biết ở lượt về sẽ có lực lượng an ninh tham gia theo dõi các trận đấu để tránh tiêu cực.

Tuy nhiên, đây không phải là “sáng kiến” mới của VPF bởi vì từ thời bóng đá bao cấp cho tới trước khi các đội bóng thực sự chuyển giao từ địa phương sang các ông bầu đều có một công an theo ăn ngủ cùng đội. Lúc đó, tình trạng nhường điểm, diễn kịch xảy ra như cơm bữa bởi vì công an quá khó để tìm ra chứng cứ. Nhiều đội không nhường điểm, diễn kịch vì tiền mà vì tình cảm nên một lỗi cá nhân bất chợt xuất hiện dẫn tới bàn thua hay một quyết định thay người không hợp lý làm vỡ thế trận… là quá khó để buộc tội. Chính vì thế, nếu VPF chỉ mong chờ vào lực lượng an ninh sẽ chặn được tiêu cực ở lượt về là quá mong manh.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.