Mùa hè này, nếu có dịp đi du ngoạn Bà Nà, từ cáp treo nhìn xuống những vạt rừng nguyên sinh bên dưới, bạn sẽ nhìn thấy nhiều đám lá trổ trắng phấp phới như những đàn bướm bay lượn. Đó chính là cây Bướm bạc - tên khoa học Mussaenda pubescens Ait. f., thuộc họ Cà-phê - Rubiaceae.
Bướm bạc là loài cây nhỏ mọc trườn, cao 1-2m, phân nhiều cành. Điều đặc biệt giúp dễ nhận dạng cây này là trong số 5 lá đài có một lá đài phát triển, màu trắng, mềm, gân nổi rõ, có cuống dài, khiến người dân lầm tưởng là một cánh hoa lớn màu trắng như ngọc (thực tế hoa nhỏ màu vàng). Chính đặc điểm này mà ở Trung Quốc, cây có tên là Ngọc diệp kim hoa (lá ngọc hoa vàng).
Theo Đông y, Bướm bạc có vị hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, khai uất, hòa lý, lương huyết, tiêu viêm. Dân gian nước ta dùng nó làm thuốc giảm đau, trị ho, bạch đới, tê thấp. Theo các tài liệu Trung Quốc, Bướm bạc thường dùng trị cảm mạo, sổ mũi, say nắng; viêm khí quản, sưng amidan, viêm hầu họng; viêm thận phù thũng, viêm ruột ỉa chảy; chảy máu tử cung; rắn cắn; viêm mủ da; trị thấp chẩn ngoài da, giải độc lá ngón, dùng nước sắc bướm bạc rửa vết loét giúp tiêu trừ thịt thối, sinh da thịt mới.
Thân cây Bướm bạc thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ và phơi khô. Lá thường dùng tươi. Liều dùng 15-30g dược liệu khô hoặc 30-60g tươi, có thể giã vắt dược liệu tươi lấy nước uống. Dưới đây là một số bài thuốc dùng độc vị Bướm bạc:
1- Phòng ngừa say nắng: Bướm bạc 60-90g, nấu nước uống như trà.
2- Chữa lao nhiệt, nóng âm ỉ trong xương: Rễ Bướm bạc 1 nắm sắc uống.
3- Viêm dạ dày - đường ruột cấp tính: Cọng và lá Bướm bạc 40-80g sắc uống.
4- Trị kiết lỵ do nhiễm nắng nóng lâu ngày (phục thử hạ lỵ): Bướm bạc 40- 80g sắc uống.
5- Trị mụt nhọt lở loét (ác sang thũng độc): Bướm bạc (tươi) giã đắp chỗ đau.
6- Trị trúng độc thức ăn: Lá Bướm bạc tươi giã vắt nước uống.
7- Tử cung xuất huyết: Rễ tươi Bướm bạc 15g sắc uống hoặc nhai nuốt nước.
8- Trị ho, viêm họng đỏ hoặc viêm amidan cấp: Lá và thân Bướm bạc 150g/ngày, sắc uống trong 3 ngày. Đây là phác đồ điều trị của Viện Y học cổ truyền Việt Nam. Kinh nghiệm riêng của chúng tôi dùng Bướm bạc 15g, phối hợp Bạc thau 30g, Bạc hà 10g sắc uống chữa ho rất hiệu quả (xem lại bài “Dây Bạc thau và nghiệm phương chữa ho”, ĐNCT ngày 7-4-2013).
Các sách dược liệu của Việt Nam và Trung Quốc mà chúng tôi có đều không thấy ghi cấm kỵ khi dùng Bướm bạc. Nhưng theo Trung hoa bản thảo, phần nghiên cứu dược lý có nói kinh nghiệm dân gian ở Phúc Kiến dùng nước sắc cành lá Bướm bạc để làm thuốc tránh thai hoặc phá thai, đã có nghiên cứu thực nghiệm chứng minh điều này. Vì vậy, theo chúng tôi, phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng Bướm bạc.
Tra trên mạng Bách độ bách khoa (http://baike.baidu.com), chúng tôi còn thấy khuyên không dùng Bướm bạc cho trẻ em dưới 10 tuổi, nay ghi lại khuyến cáo này bằng câu ca để bạn đọc dễ nhớ: “Bướm bạc lá ngọc hoa vàng/ Trẻ em, phụ nữ có mang, chớ dùng!”.
PHAN CÔNG TUẤN