.

Công người ngoài

.

Nguyên Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) Mai Liêm Trực từng bảo rằng mặt bằng chung của VFF thấp hơn mặt bằng xã hội. Không ít người cho rằng ông Trực hơi quá lời bởi nhiều người lãnh đạo bóng đá Việt Nam có bằng cấp tiến sĩ. Tuy nhiên, phần lớn người hâm mộ đánh giá ông Trực nói chính xác cho tới tận thời điểm bây giờ. Chẳng hạn như Đại hội Ban chấp hành VFF hồi tháng 5 vừa qua chỉ có 19 phiếu nhưng cũng kiểm sai. Đó là lý do khiến đại hội phải hoãn lại vào tháng 10 tới.

Công Vinh ra mắt màu áo Sapporo.
Công Vinh ra mắt màu áo Sapporo.

Trong thế giới hội nhập như hiện nay, V-League tràn ngập cầu thủ ngoại là bình thường. Nhưng người hâm mộ vẫn cứ thấy “đắng cuống họng” khi từng chứng kiến quá nhiều tuyển thủ Thái Lan góp mặt. Thậm chí, nhiều CLB còn cố bay sang Indonesia để săn tiền đạo lắm tài nhiều tật Salossa hay tiền đạo Safee của Malaysia (nhưng bất thành). Trong lúc nhiều cầu thủ trong cùng khu vực ASEAN không chỉ sang Việt Nam thi đấu mà còn có cơ hội được sang châu Âu đầu quân như Teerathep (Thái Lan) chơi cho Lierse (Bỉ) thì cầu thủ Việt Nam gần như im hơi lặng tiếng. Dư luận những nước này cho biết giới điều hành bóng đá nước họ rất tích cực PR hình ảnh các ngôi sao của mình nhằm đánh bóng thương hiệu đội tuyển quốc gia.

Sau lần cựu danh thủ Huỳnh Đức sang Lifan (Trung Quốc) thi đấu thì đến lượt Công Vinh sang Leixoes (Bồ Đào Nha) có cơ hội thử thách mới. Việt Thắng từng sang Porto B (Bồ Đào Nha), Trung Tuấn sang Cảng Thái Lan và Hữu Thắng thử việc (bất thành) ở Los Angeles Galaxy (Mỹ). Điểm chung của những cầu thủ này là nhờ những người nước ngoài tích cực giúp đỡ. Huỳnh Đức là do Lifan muốn dùng anh để quảng bá sản phẩm tại Việt Nam. Công Vinh được cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam Calisto “mai mối” sang Leixoes. Giờ đây, Công Vinh sang Nhật chơi cho Sapporo - một trong những thương hiệu bia mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam.  

Calisto “ăn cơm” Việt rất lâu nên việc ông nỗ lực đưa Công Vinh sang Bồ Đào Nha ngoài chuyện làm ăn còn có yếu tố tình cảm. Trong khi đó, chuyện Công Vinh sang CLB hạng nhì Nhật Bản là Sapporo có dấu ấn của ông Tanabe. Ai cũng biết vị cố vấn đặc biệt của VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) đã “cao chạy xa bay” khỏi Việt Nam vì quá khó hiểu bóng đá Việt Nam! Tuy nhiên, cái cách ông Tanabe góp sức đưa Công Vinh sang Nhật (từng thất bại hồi tháng Giêng) cho thấy ông chính hiệu là một giám đốc điều hành bóng đá tài giỏi bởi V-League chẳng có cầu thủ xuất sắc hơn tiền đạo xứ Nghệ.

Nói tới Lifan, Calisto và Tanabe để thấy các quan chức bóng đá Việt Nam giao du rất nhiều tới các nước bạn nhưng hầu như họ quên công việc đánh bóng thương hiệu bóng đá Việt Nam. Ở mức độ bán chuyên nghiệp như V-League, cầu thủ hầu hết chưa có người đại diện thì vai trò của người lãnh đạo bóng đá là rất quan trọng. Có thể tên tuổi của Leixoes hay Sapporo hơi bất ngờ nhưng tại sao những giải VĐQG Thái Lan, Malaysia hay Indonesia là nơi thừa sức cho các tuyển thủ Việt Nam thi đấu (cũng là để quảng bá thương hiệu nào đó) mà các ngôi sao Việt Nam vẫn không có cơ hội?

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.