Một tối thứ bảy gần đây, trong khi ngồi bù khú với mấy người bạn ngoài Bắc vào công tác ở Đà Nẵng, gần đến 9 giờ, bạn tôi bỗng nói “Cuộc vui đến đây xin phép tạm dừng vì gần đến 9 giờ”. Tò mò tôi mới hỏi, sao lại dừng ở mốc thời gian này thì mới hay là mọi người phải đến cầu Rồng để xem rồng phun lửa, ở ngoài Bắc vào Đà Nẵng chỉ tranh thủ được một buổi tối mà không xem được rồng phun lửa thì tiếc quá!
Chợt nghĩ lại, mình là người Đà Nẵng mà sao lạc hậu quá. Bản thân đã từng có hình ảnh đăng lên Facebook về cầu Rồng, có cả cảnh rồng phun lửa, vậy mà thú thật giờ phun lửa lúc nào cũng không nhớ cụ thể và... cũng chưa chứng kiến thực tế rồng phun lửa ra sao. May mà hôm nay nhờ bạn phương xa đến mới biết thế nào là rồng phun lửa. Chạy xe về nhà trên đường Trần Hưng Đạo tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến những dòng người nườm nượp đổ về hướng cầu Rồng để được “mục sở thị” cảnh rồng phun lửa. Đường chật cứng, có đoạn tắc cục bộ, đó là mới ở bờ Đông sông Hàn, đó là chưa nói đến bờ Tây nữa. Đến đây mới hiểu rằng, cây cầu có rồng phun lửa và nước vào những dịp cuối tuần và lễ, Tết, có lẽ là độc nhất vô nhị này, quả là điểm thu hút du khách gần xa đến Đà Nẵng, làm sinh động hơn diện mạo thành phố qua những hình ảnh độc đáo.
Được biết, sau 4 tháng khánh thành thì lượng người đến xem rồng phun lửa và nước vẫn đông như thường, trong đó ngoài người dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, không ít du khách trong Nam, ngoài Bắc và cả du khách nước ngoài. Theo ý kiến của một số người thì, phần lửa thì không phàn nàn gì nhưng riêng phần rồng phun nước xong thì ở xa nhìn thấy nước không rõ, trông gần giống như khói. Để tăng thêm vẻ đẹp và hấp dẫn thì nên có hệ thống ánh sáng chiếu làm sao cho nước từ miệng rồng phun ra đẹp hơn, lung linh hơn hoặc có thể tạo hiệu ứng cầu vồng trong đêm.
Đi dọc sông Hàn tối rồng phun lửa, trong lòng tôi thấy thật dễ chịu, nhìn cảnh lung linh sông nước và ngọn lửa phun ra từ miệng rồng uy nghi và hùng dũng, lại càng thấy yêu và tự hào về thành phố của mình biết bao!
DÂN HÙNG