Không phải sau khi cầu Rồng được khánh thành và đi vào hoạt động, thì vấn đề ùn tắc giao thông, xung đột về các luồng, tuyến giao thông tại điểm phía Tây cầu Rồng mới được đặt ra. Từ trước đó, khi chọn địa điểm và thiết kế để thi công cầu Rồng, các nhà tư vấn, thiết kế cũng như lãnh đạo thành phố đã sớm nhìn nhận vấn đề này.
Tuy nhiên, trước những ý kiến phản biện xác đáng về địa điểm, thiết kế cầu Rồng liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới là Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), lãnh đạo thành phố quyết định chọn phương án cầu Rồng không bắc ngang đường Bạch Đằng như cầu Sông Hàn, mà bắt đầu từ đường Bạch Đằng; vì vậy thực tế đã diễn ra xung đột về giao thông như hiện nay, mà các cơ quan chức năng đang tích cực tìm hướng hóa giải tình trạng này.
Có thể nói, trong quá trình phát triển đô thị hơn 15 năm qua, Đà Nẵng chú trọng sớm đến vấn đề quy hoạch để bảo đảm giao thông đô thị một cách tốt nhất, hợp lý nhất; bảo đảm giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông… Thế nhưng, cũng như nút giao thông phía Tây cầu Rồng, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn thành phố gặp phải những vấn đề do “lịch sử để lại”, tác động không nhỏ đến quy hoạch, phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.
Đó là, trong số 10 “điểm đen” về ùn tắc và cả tai nạn giao thông mà Sở Giao thông vận tải đang lên kế hoạch giải quyết có đến hai điểm giao với đường sắt là ngã ba Huế và ngã tư đường Trần Cao Vân. Lãnh đạo thành phố đã sớm đề xuất Trung ương cho di dời ga Đà Nẵng ra khỏi khu vực nội thành để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông do lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông ra vào cửa ngõ trung tâm và trong đô thị ngày càng lớn. Nhưng đề xuất hợp lý này vẫn chưa được thực hiện nên tình trạng ùn tắc còn kéo dài.
May mắn là gần 2.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng nút giao thông ngã ba Huế, dự kiến khởi công vào tháng 9 năm nay. Nhưng việc di dời ga đường sắt vẫn là lời giải cần ưu tiên cho bài toán giải quyết ùn tắc giao thông một cách căn cơ và đồng bộ hơn. Còn các “điểm đen” khác cũng là do vấn đề lịch sử trong quá trình phát triển đô thị, khi các điểm giao lộ thường xuyên ùn tắc đều rơi vào các tuyến nội thành, dù đã được mở rộng, nâng cấp nhưng vẫn chưa bảo đảm giải tỏa lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao do sự phát triển nhanh chóng về nhiều mặt của thành phố trong quá trình đô thị hóa.
Có thể nói, trong quá trình phát triển của mình, Đà Nẵng được và cũng tự đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí của mình nên đã triển khai quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông một cách khá đồng bộ; nhất là trong vai trò là đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy của cả nước và trong khu vực Đông Nam Á. Vai trò đó được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; được thực hiện với tầm nhìn chiến lược của Trung ương và thành phố trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; kịp thời điều chỉnh quy hoạch và thiết kế chưa phù hợp để bảo đảm giao thông ngày một thuận lợi hơn, xứng đáng với tầm vóc của mình.
Theo đó, bên cạnh việc hóa giải những vấn đề về giao thông đô thị bằng cách đầu tư mở rộng các tuyến đường như Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Hiến…, thành phố cũng mạnh dạn thu hút đầu tư từ nhiều nguồn để xây dựng các tuyến đường huyết mạch, các cây cầu quan trọng để vừa mở rộng không gian đô thị, vừa tạo mạng lưới giao thông thông suốt như Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công, các cầu Sông Hàn, Thuận Phước, Rồng, Trần Thị Lý, Nguyễn Tri Phương, Khuê Đông... Đồng thời, các tuyến đường vành đai như tuyến tránh Nam Hải Vân, ĐT 602, ĐT 605... và mới đây là tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi được hình thành và mở rộng đã tạo điều kiện giảm tải áp lực đối với giao thông của thành phố.
Như vậy, việc đầu tư giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông được xem là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, tạo diện mạo đô thị ngày càng khang trang hơn; đồng thời cũng là tiền đề để việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông một cách căn cơ. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, với sức hấp dẫn và lan tỏa của mình, Đà Nẵng đang chịu một áp lực lớn về tăng dân số đô thị đồng thời với việc lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao. Thế nên, bên cạnh việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch về hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, đồng bộ, thì vấn đề quản lý và tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị được đặt ra vừa cấp bách vừa lâu dài. Đó không còn là việc giải quyết vấn đề “lịch sử để lại”, mà phải tạo nên thành quả để làm tiền đề tốt cho cả quá trình phát triển của thành phố trong giai đoạn tới, giảm tải cho các thế hệ sau!
ANH QUÂN