.

Nữ quyền ở châu Phi

.

Vào những ngày nghỉ cuối tuần (không làm việc ở trang trại), các phụ nữ Cameroon thường tụ tập lại với nhau để luyện tập kỹ năng phát biểu trước đám đông cũng như tìm hiểu thủ tục bầu cử quốc hội vào ngày 30-9 tới. Đó là những phụ nữ thuộc Phong trào dân chủ nhân dân Cameroon (CPDM) và Mặt trận dân chủ xã hội (SDF) đang quyết tâm hợp lực tạo dựng hình ảnh người phụ nữ hiện đại ở đất nước này.

Phụ nữ đang tập diễn thuyết trước đám đông.
Phụ nữ đang tập diễn thuyết trước đám đông.

Phụ nữ trong chính trường đang là xu thế thay đổi ở lục địa đen. Bề mặt chính trị của châu Phi lâu nay gần như toàn bộ là nam giới, từ chính khách vĩ đại như Nelson Mandela cho tới những người “hiểu lầm dân tộc” như Mugabe… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính trường ở lục địa đen đang dần có bóng dáng của XY (nữ). Dấu mốc đáng chú ý nhất là năm 2006, Ellen Johnson Sirleaf được bầu chọn là Tổng thống Liberia. 5 năm sau, bà tiếp tục thắng cử nhiệm kỳ hai. Tháng Tư năm ngoái, Malawi có nữ tổng thống đầu tiên là Joyce Banda. Tạp chí Forbes xếp bà Banda nằm ở vị trí thứ 47 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Tuần trước, bà Aminata Toure được bầu làm Thủ tướng Senegal dù nội các của bà chỉ có 4 nữ so với 28 nam.

Năm ngoái, Giám đốc điều hành của Tổ chức Phụ nữ LHQ, Michelle Bachelet kêu gọi một cam kết mạnh mẽ từ các lãnh đạo để tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong chính trường. Tác động đó là hết sức tích cực bởi vì các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch được tiếng có tỷ lệ nữ ở quốc hội khá cao, từ 39 tới 45%, nhưng có lẽ giờ đây phải ngã mũ chào đất nước nhỏ ở miền Trung châu Phi, Rwanda với 56%. Con số này vượt xa chỉ tiêu 30% trước cuộc bầu cử quốc hội. Những nước khác như Brundi hay Uganda cũng có tỷ lệ nữ trong quốc hội cao hơn 30%.

Sở dĩ Rwanda thành công là vì lãnh đạo xác định cần tận dụng tối đa lực lượng lao động nữ để hồi phục kinh tế sau quá nhiều biến cố chính trị. Phụ nữ không còn ru rú trong nhà nữa. Họ xông pha làm việc, nỗ lực thể hiện khả năng lao động để qua đó dần tạo dựng sự bình đẳng giới. Thành công của Rwanda chính là tấm gương để cho Cameroon cũng như các nước khác noi theo.

“Hạn ngạch” cho phụ nữ tại cuộc bầu cử quốc hội Cameroon vào cuối tháng 9 này là 25%. Tỷ lệ chưa ấn tượng như Rwanda, Uganda hay Brundi nhưng đủ làm cho phụ nữ Cameroon cảm thấy phấn khởi. Nhiều tổ chức phi chính phủ đã tiếp sức cho phụ nữ bằng cách đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, khả năng hòa nhập, làm việc tập thể cũng như lãnh đạo… Nghe đâu, hơn một năm qua các tổ chức đã đào tạo được 450 phụ nữ để họ sẵn sàng bước vào quốc hội, trong đó có cả những phụ nữ của dân tộc thiểu số.

ANH THƯ (Theo Guardian, Allafrica)

;
.
.
.
.
.