.
Phương hay thuốc quý

Phương pháp tốc cứu

.

Tại hội thảo khoa học các môn thuốc, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh của các dân tộc, tôn giáo Việt Nam tổ chức vào ngày 16-7-2013 tại Hà Nội, báo cáo về phương pháp tốc cứu của Đà Nẵng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng bằng khen.

Lương y Phan Công Tuấn đang tốc cứu cho bệnh nhân.
Lương y Phan Công Tuấn đang tốc cứu cho bệnh nhân.

Đây là phương pháp được tham khảo từ phương pháp Hỏa long cứu mới được sáng chế ở Trung Quốc (theo sách Đồ Giải Ngải Cứu Liệu Pháp do Dương An Sinh và Âu Dương Kì chủ biên, NXB Quân y Nhân dân xuất bản lần đầu ở Bắc Kinh vào tháng 5-2007). Chúng tôi đã nghiên cứu cải tiến và ứng dụng trên hàng ngàn lượt bệnh nhân tại các Tuệ Tĩnh Đường ở huyện Hòa Vang, cho kết quả rất tốt dù chỉ tốn 5-7 phút cho một bệnh nhân, nên đã đặt tên tiếng Việt là phương pháp tốc cứu (cứu nhanh).

Dưới đây xin giới thiệu dụng cụ và các bước tiến hành phương pháp tốc cứu.

1- Chuẩn bị dụng cụ:

* 2 - 3 khăn lông (loại khăn tắm khổ 50 x 80cm) nhúng nước vắt kiệt (nếu mùa đông nên nhúng khăn trong nước nóng rồi vắt kiệt, để còn giữ ấm khi đắp lên người bệnh không phải co cứng cơ vì lạnh).

* 1 lọ rượu thuốc xoa bóp (ngâm theo các bài thuốc vị thuốc chủ yếu có công năng hành khí hoạt huyết, khu phong tán hàn, giảm đau… như Ngải cứu, Gừng khô, Nhục quế, Quế chi, Thiên niên, Bạch chỉ, Địa liền, Hạt gấc, Hồng hoa, Huyết giác, Đại hoàng, Long não…).

* 1 chai cồn 90o để đốt.

* Một số dải vải lụa rộng 7-8cm, dài nhiều cỡ từ 20-30 đến 60-70cm để tẩm rượu thuốc.

* Một số dải khăn lông cắt nhỏ rộng 5-6cm, dài nhiều cỡ như trên để tẩm cồn.

2- Dùng các dải vải lụa đem tẩm rượu thuốc xoa bóp, trải chạy dài trên mạch Đốc (giữa cột sống, có thể trùm cả 2 nhánh kinh Bàng quang trên lưng), hoặc trên mạch Nhâm trên bụng, hoặc các vùng huyệt đang đau, hoặc các đường kinh có bệnh.

3- Dùng một khăn lông nhúng nước vắt kiệt trùm phủ lên dải lụa.

4- Dùng một số dải khăn lông cắt nhỏ, cho vào lọ cồn vắt cho ướt đều, đặt lên trên khăn vải ẩm, tương ứng vị trí dải vải tẩm rượu thuốc bên dưới.

5- Đốt lên, lửa sẽ bốc cháy chạy dài trên lưng hoặc bụng trông như một con rồng lửa (vì vậy còn gọi là Hỏa long cứu).

6- Theo dõi cảm giác bệnh nhân, nếu nghe nóng rát liền lập tức dùng khăn lông ẩm chuẩn bị sẵn trùm lên để dập lửa.

7- Lập tức bảo bệnh nhân hít thở sâu, thầy thuốc áp bàn tay lên giữ vài mươi giây, rồi dùng ngón hoặc mu bàn tay ấn mạnh các huyệt dọc theo mạch Đốc và kinh Bàng quang hoặc các vùng kinh huyệt đau.

8- Khi cảm giác nóng giảm, lại đốt tiếp như cũ. Khi hết cháy có thể nhúng cồn một lần nữa, lặp lại các thao tác từ 5-7 lần.

9- Sau khi cứu xong, gỡ hết các lớp khăn ra, thấy trên lưng (hoặc bụng) nơi cứu xuất hiện một dải dài da phản ứng ửng đỏ (rộng ngang bằng dải lụa) là dấu hiệu kết quả tốt.

Kỳ sau: Công dụng, chủ trị, kết quả ứng dụng phương pháp tốc cứu.

Lương y PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.