Trong các chuyến công tác tại Pháp trước đây, tôi đã dành thời gian đến các thư viện lớn ở thủ đô Paris để tìm tư liệu về thành phố Đà Nẵng xưa. Và thư viện của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (E.F.E.O) tại trụ sở chính nằm trong Maison de L’Asie (Nhà Á châu) số 22 đường President Wilson, quận 16 Paris, là nơi tôi tìm được nhiều tư liệu xưa về Đà Nẵng.
Bản vẽ số 1 và 2. (Tư liệu E. F. E. O) |
Viện hay còn gọi là Trường Viễn Đông bác cổ là một trung tâm nghiên cứu về Đông Phương học của Pháp, được Toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh thành lập vào đầu năm 1900, có trụ sở tại Hà Nội. Hơn một thế kỷ tồn tại, E.F.E.O đạt được nhiều thành tựu hết sức rực rỡ. Riêng về mặt lưu trữ được đánh giá là không nơi nào xử lý lưu trữ tư liệu bằng những kỹ thuật cực kỳ hiện đại và khoa học như E.F.E.O. Riêng phông tư liệu về Việt Nam có hơn 5.000 bản chuyên khảo, trong đó có 1.000 tựa về lịch sử, 1.400 về văn học, 400 tựa về tôn giáo, triết học và nhiều tài liệu khác về nhân học, ngôn ngữ... Với thời gian làm việc eo hẹp chỉ hơn một ngày rưỡi tại đây, thậm chí tôi không đủ để đọc hết tên các tựa, nói chi đến nghiên cứu nội dung và sao chép. May mắn được các nhân viên của E.F.E.O đã từng đến công tác tại Bảo tàng Đà Nẵng giúp đỡ, tôi tìm thấy được nhiều tư liệu quý về Đà Nẵng xưa, nhất là các tư liệu về thành Điện Hải. Các bản vẽ này được lưu trữ trong hệ thống microfilm, dễ dàng xem được trên máy chiếu, nếu sao chép phải qua nhiều công đoạn và tôi nhận được sự cho phép của lãnh đạo E.F.E.O, sự nhiệt tình của các cán bộ kỹ thuật, tôi mới có được những bản vẽ sơ đồ thành Điện Hải xưa.
Bản vẽ sơ đồ thành Điện Hải ở Paris
Thấy được vị trí chiến lược của Đà Nẵng trong việc phòng thủ đất nước trước mưu đồ thôn tính của thực dân Tây phương, từ vua đầu triều Nguyễn - Gia Long khởi xướng xây dựng đến ba đời vua nối nghiệp Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục mở rộng, củng cố thành Điện Hải, trở thành pháo đài, một công trình quân sự vững chắc và chính yếu nhất của triều đình nhà Nguyễn nhằm bảo vệ cửa biển Đà Nẵng và là phên dậu từ xa cho kinh thành Huế. Do vậy trận chiến cách đây tròn 155 năm, dưới hỏa lực mạnh của tàu to súng lớn của địch, thành Điện Hải vẫn kiên gan chống chọi kìm chân những tên thực dân Pháp đầu tiên muốn “đánh nhanh, thắng nhanh” để tiến thẳng ra kinh thành Huế. Đây chắc hẳn là ký ức đau buồn nhất của đội quân thực dân viễn chinh nhà nghề Pháp khi đụng đến Việt Nam. Do vậy, khi hoàn thành việc chiếm nước ta thành thuộc địa năm 1885, Toàn quyền Đông Dương Richaud đã ép buộc vua Đồng Khánh ký đạo dụ thành lập thành phố Đà Nẵng thành nhượng địa vào ngày 30-11-1888. Và từ trước năm đó, để xóa đi phần nào di tích khó chịu này, người Pháp đã có kế hoạch chuyển đổi công năng của thành Điện Hải. Các bản vẽ sau đây minh chứng điều đó .
Bản vẽ số I: Đây là bản vẽ có ghi chú trên góc trái “bản vẽ kèm theo báo cáo của chỉ huy công binh vào ngày 4-1-1888” thể hiện rõ mặt bằng hiện trạng của thành Điện Hải cho ta thấy rằng bệnh viện quân đội Pháp được xây dựng từ trước khi Đà Nẵng trở thành như nhượng địa. Điều gây chú ý, mặt bằng trong lòng thành Điện Hải bị xáo trộn, các công trình cũ của quan, quân trấn thủ tòa thành bị phá bỏ, nhưng tường thành xây bằng gạch vẫn nguyên trạng. Đáng chú ý hơn nữa là hệ thống hào lũy nối từ góc Đông - Bắc của thành vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta biết rằng sau khi các pháo hạm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược Đà Nẵng đã gặp phải sự kháng cự kiên cường của quân dân ta, quân địch bị kìm chân ở đất này và không thể tiến nhanh ra kinh thành Huế được. Nhưng quân địch với tàu to, vũ khí tối tân đã gây cho ta nhiều tổn thất, các tuyến phòng thủ, nhất là thành Điện Hải bị thiệt hại nặng. Để chuẩn bị đối đầu với các trận tiến công tiếp theo của địch, Vua Tự Đức chỉ dụ cần phải củng cố và xây đắp thêm đồn lũy, hào sâu để phòng thủ, đánh trả địch. Sau khi xây xong đồn Liên Trì, Nguyễn Tri Phương cho đắp một chiến lũy với tường thành chắc chắn, xuất phát từ hào phía Đông - Bắc thành Điện Hải chạy dọc theo bờ sông Hàn, lên đến các đồn Hải Châu, Phước Ninh. Hệ thống hào lũy này theo người Pháp mô tả dài đến 3km. Nhìn bản vẽ, ta thấy bờ thành của chiến lũy rất cao và đắp giật cấp trông rất vững chãi cho dù đến thời điểm vẽ ghi lại đã 30 năm!
Bản vẽ số II ghi hiện trạng mặt bằng bên trong thành. Bên trên bản vẽ có tiêu đề: “Sơ đồ đồn cổ của Tourane (Đà Nẵng) hiện nay là bệnh viện quân y, ngày 4 tháng Giêng năm 1888”. Chúng ta thấy hai khu nhà trung tâm được đánh dấu B và D và được ghi chú là khu bệnh nhân, phía sau là kho dược, nhà bếp, nhà tắm, phòng giặt... Vài nơi khác trong và ngoài thành là nhà ở của cán bộ y tế, cửa hàng. Một con đường giao thông được mở thẳng từ cửa Đông cho đến cuối thành. Trong các ảnh xưa về thành Điện Hải ta thấy ở góc lồi phía Đông - Bắc có một nhà nguyện được xây vào năm 1900.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước chia đôi từ vĩ tuyến 17, các trường học của người Pháp ở Hà Nội, Hải Phòng chuyển vào Đà Nẵng, họ lấy khu bệnh viện này làm trường học mang tên Trường Trung học Blaise Pascal. Thời vua Bảo Đại chuyển sang dạy tiếng Việt và mang tên Nguyễn Hiền. Đến năm 1974, chính quyền Sài Gòn cho thành lập trường Đại học cộng đồng Quảng Đà trên khu đất này. Sau ngày giải phóng 1975, Xưởng dược và Bệnh viện Da liễu Quảng Đà tiếp quản, năm 1976 lại bàn giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Quảng Nam-Đà Nẵng, sau này đổi thành Xí nghiệp Dược Trung ương 5. Năm 2004, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định di dời xí nghiệp dược và cho xây dựng Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng trong khuôn viên thành Điện Hải.
Thành Điện Hải được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia ngày 16-11-1988, đúng 100 năm sau ngày Đà Nẵng trở thành nhượng địa của thực dân Pháp. Thành Điện Hải bị hoang tàn đổ nát do chiến tranh, do hết đơn vị này đến đơn vị khác khai thác, sử dụng. Nhiều năm qua, với chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo thành Điện Hải với mục đích để di tích độc nhất của quốc gia trong buổi đầu chống Pháp mãi mãi trường tồn, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thành Điện Hải 155 năm nhìn lại, chúng ta thấy rằng đã làm được nhiều việc để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích đặc biệt quý giá này. Tuy nhiên vẫn còn có việc chưa trọn vẹn với tiền nhân. Thành Điện Hải hôm nay lại bị vây hãm tứ bề bởi các công trình dân sinh, hành chính. Cuộc giải vây này chắc người đương thời chỉ đành trông mong, phó thác cho các thế hệ con cháu mai sau!
HÀ PHƯỚC MAI