Đà Nẵng cuối tuần
Những điều trông thấy...
Người ta đã quá quen tai khi nghe ai đó than vãn về giao thông trong thành phố như phóng nhanh, vượt ẩu, kẹt xe tại các điểm nút giao thông như ngã ba Huế, giờ tan học tại các trường nằm trên trục giao thông đông đúc như Lê Lợi, Lê Duẩn, Quang Trung, Trần Cao Vân…
Thậm chí hậu quả thương tâm của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) được kể vanh vách như những thông tin nóng hổi lúc trà dư tửu hậu, nhưng lại ít ai quan tâm đến việc ứng xử cho phải phép trước TNGT xảy ra hằng ngày trên đường phố.
Vấn đề tuyên truyền, giáo dục ứng xử thế nào khi TNGT xảy ra hiện vẫn còn bỏ ngỏ. (Ảnh do Phòng CSGT – Công an Đà Nẵng cung cấp) |
Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam đều nhận xét giao thông ở đây rất kỳ cục. Người ta thản nhiên vi phạm Luật giao thông đường bộ và khi tai nạn xảy ra thì ra sức cự cãi dẫn đến ẩu đả hỗn loạn cả đường phố! Đến nỗi bây giờ việc TNGT đi kèm với cãi vã, đánh nhau đã trở thành chuyện thường ngày trên đường phố. Người ta bỏ mặc nạn nhân đang hấp hối nằm trên đường mà lao vào đánh nhau tranh “lẽ phải thuộc về ai”. Nhiều người qua đường cũng góp phần la ó, chửi rủa tạo nên hiệu ứng đám đông khiến vụ tai nạn càng thêm hỗn loạn. Đã có những cái chết oan uổng do cơn thịnh nộ của đám đông trút xuống đầu người gây TNGT. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều tài xế ô-tô bỏ chạy khỏi hiện tường, bỏ mặc nạn nhân khi vừa gây tai nạn. Nhiều lái xe đã tự thú trước cơ quan pháp luật rằng: Họ sợ bị đánh hội đồng!
Cái tâm lý tự cho mình là đúng, là lẽ phải mà không cần đến pháp luật cũng là vấn đề cần bàn trong cách ứng xử hiện nay của người dân trước TNGT. Không cần căn cứ vào pháp luật mà chỉ dựa vào cảm tính, dựa vào những luật bất thành văn đã lỗi thời như: Ô-tô tông xe máy, xe đạp, người đi bộ thì đương nhiên ô-tô có lỗi. Nhiều người còn rỉ tai nhau kinh nghiệm đối phó khi lỡ gây ra tại nạn giao thông: “ Cứ la to, vu vạ thì sẽ thoát, thậm chí còn được đền bù xứng đáng!”.
Cũng có lúc oái oăm hơn là nếu xe máy, xe đạp “cùi” va quệt vào xe SH, Vespa xịn thì xe cùi có lỗi và phải đền bù thiệt hại. Mới đây, một vụ va quệt trong giao thông trên đường Điện Biên Phủ, gần tượng Mẹ Nhu đã làm cho nhiều người không thể nhịn cười khi chủ chiếc xe SH là đôi trai gái rất model va phải một sinh viên đi Wave Tàu ngã sóng soài trên đường. Cặp đôi này đã đi ngược đường, gây va chạm mà còn lớn tiếng bắt đền vì con xe SH mới coóng bị trầy xước. Khi bị mọi người phản đối cách hành xử ngược đời thì chàng thanh niên còn lớn tiếng chửi: Cái xe cùi của mày đáng mấy đồng bạc mà dám so đo với con xe SH gần trăm triệu.
Ngày ngày đọc báo, chúng ta không khỏi giật mình thon thót bởi con số thương vong vì TNGT lên tới hàng chục ngàn người mỗi năm. Và đắng lòng hơn là phần lớn trong số bị thương vong ấy là do bị bỏ mặc, làm ngơ không cứu chữa kịp thời. Nhiều người bị nạn bị bỏ mặc trong khi đám đông vây quanh chỉ trỏ bàn tán. Khi nhận được yêu cầu giúp đỡ nhiều lái xe đã ngoảnh mặc làm ngơ vì ngại phiền hà, sợ người bị nạn chết trên xe mình, thậm chí sợ phải làm người nhà bất đắc dĩ cho nạn nhân.
Điều đáng lên án hơn cả là đám đông đã không giúp đỡ người bị nạn mà còn lợi dụng tình thế rối ren để hôi của. Cách đây không lâu, vụ “xe điên” tại đường ngã tư Lý Thái Tổ - Sư Vạn Hạnh, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh đã gây bàng hoàng trong cả nước không chỉ về hậu quả 2 người chết, 17 người bị thương mà còn tạo ra hiệu ứng căm phẫn của cộng đồng vì hành vi hôi của trắng trợn và mất nhân tính của một số người.
Nói đến TNGT là nói đến những đau thương, mất mát đến đau lòng. Từng giờ từng phút chúng ta đang đối diện với vấn đề này và đang tìm cách tháo gỡ. Hiện nay bên cạnh các chế tài thì việc phổ biến, tuyên truyền văn hóa giao thông đang được tiến hành sâu rộng trong nhà trường và xã hội, đã đem lại một hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vấn đề tuyên truyền, giáo dục ứng xử thế nào khi TNGT xảy ra hiện vẫn còn bỏ ngỏ.
Từ ngày 1-7-2013, việc phạt từ 5 đến 7 triệu đồng cho hành vi “hôi của” là động thái tích cực góp phần hạn chế hành vi thiếu văn hóa trước TNGT. Nhưng làm thế nào để người dân ý thức việc cứu giúp người bị nạn một cách kịp thời, tự nguyện như một nghĩa cử đẹp của lòng nhân ái và nghĩa vụ của một công dân là một vấn đề đòi hỏi thời gian và công sức của toàn xã hội. Đây được xem như một vấn đề bức thiết không chỉ góp phần hạn chế “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” của TNGT mà còn qua hành vi cư xử của công dân trên đường phố, người ta có thể thấy được trình độ giáo dục của một quốc gia, một dân tộc.
NHƯ HẠNH