.

Ba ơi!

Mọi người xung quanh bảo con càng lớn, càng giống ba. Con không chấp nhận điều đó. Bởi ký ức của con chỉ là những tháng ngày mẹ tần tảo cháo rau, bán từng cọng rau, mớ thóc để nuôi con lớn khôn và đến với giảng đường đại học.

Hai mươi tuổi. Con không biết chút nào về ba. Mỗi lần con hỏi mẹ: “Mẹ vất vả nuôi con trong sự kỳ thị của mọi người thì ba ở đâu?”. Mẹ chỉ im lặng rồi nói đủ cho con nghe: “Đừng trách ba con, cuộc đời ai cũng có nỗi khổ riêng con à!”. Thật lòng, đó không phải là câu trả lời mà con mong muốn.

Con kể cho cậu bạn thân nghe chuyện gia đình. Bạn bảo: “Cậu đừng có vô tâm và lạnh lùng như vậy. Mình tin ba cậu cũng buồn và mong được một lần gặp cậu đấy”. Biết con không thích nhưng cậu ấy vẫn khuyên: “Hãy gặp ba một lần, cậu sẽ có câu trả lời”. Họng con nghẹn ứ. Con giận bạn con hay đang giận ba? Con khóc vì tủi thân? Con thật sự không muốn gặp ba như con vẫn thường nói với cậu ấy? Con bối rối, nặng nề với hàng loạt câu hỏi.

Một tuần liền con gần như mất ngủ và suy nghĩ nhiều điều.

Nhưng rồi con vẫn quyết định gặp ba.

11 giờ trưa, một ngày, ba và con gặp nhau. Con không muốn ai biết mình gặp ba nên đã hẹn ba giờ đó. Con đã nhìn thấy một người đàn ông trung niên, gầy ốm, mồ hôi nhễ nhại. Ánh mắt hình viên đạn của con bỗng cụp xuống, ươn ướt khi nghe ba hỏi: “Có phải con đấy không?”.

Dường như chỉ cần ba nhìn con với ánh mắt đầy thương yêu và những câu nói hiếm hoi trong buổi gặp ấy thôi đã làm con xóa tan được căm giận, hậm hực ba ạ.

Một ngày đặc biệt. Con nhớ mãi. Đó là ngày đầu tiên trong cuộc đời con đã gặp ba, được nghe ba kể cho tất cả: 20 năm trước, cuộc sống của ba bây giờ… Những lần nhớ con nhưng ba chỉ dám tới thăm trộm, để lại gói quà và bỏ về...

Cuộc đời con đã có một ngày đặc biệt. Đó là ngày con được gọi “ba ơi!”.  

QUỲNH ANH

;
.
.
.
.
.