.

Kỷ niệm hào hùng từ tuổi đôi mươi

.

Anh Văn – Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kính yêu của chúng ta đã đi xa. Với niềm tiếc thương vô hạn, trong dòng người “dân tang” vô tận đến 30 Hoàng Diệu để viếng Đại tướng, tôi may mắn trước đấy được báo Quân đội Nhân dân ưu ái tặng chiếc xe lăn nên được bộ đội ưu tiên đẩy vào trước bàn thờ khói hương nghi ngút để viếng người. Bức chân dung như tỏa sáng ánh hào quang của một vĩ nhân, một “vị thánh bất tử”, mà thiên tài nhân cách lòng dạ của người sáng như sao KHUÊ, tôi vẫn như thấy nụ cười hiền hậu và bàn tay ấm áp của người mà tôi từng cảm nhận được trong những lần có dịp gặp anh.

Bức ảnh 6 anh em Huỳnh Thúc Cẩn chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bức ảnh 6 anh em Huỳnh Thúc Cẩn chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tháng 8-1996, nhân mừng anh Văn thượng thọ 85 tuổi, 6 anh em trai chúng tôi, trong đó có 5 anh em 5 cửa ô vào giải phóng thủ đô (10-10-1954), đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu chúc thọ anh. 6 anh em ruột trong một gia đình đồng hương Quảng Bình mà trong đó có 4 người từng là những cán bộ cộng tác gần gũi của anh, được anh và gia đình tiếp thân mật như người ruột thịt. Chị Đặng Bích Hà và cô Võ Hồng Anh cùng tham gia trò chuyện. Đang giữa câu chuyện, khi đến lượt tôi nói, bỗng Đại tướng cắt ngang:

- Nếu tôi nhớ không nhầm thì đồng chí Cẩn là người chỉ huy trận đánh Phát Diệm trong chiến dịch Quang Trung phải không? Đó là một trận tập kích bất ngờ đánh đòn phủ đầu khi đại tướng Đờ-tát-xi-nhi (sau được phong ngay Thống chế nước Pháp) từ Sài Gòn bay về Phát Diệm tập trung nhiều quân cơ động Âu-Phi với âm mưu thâm độc phá chiến dịch Quang Trung của ta và đánh vào Thanh Hóa…. Có thể nói đây là một chiến công lớn, đồng chí đã lập công lớn...

Tôi gần như không tin vào chính tai nghe của mình. Dưới sự chỉ huy của một vị Tổng Tư lệnh, bao nhiêu chiến dịch, bao nhiêu trận đánh lớn đó diễn ra, vậy mà một trận đánh cấp phân đội từ thuở xa xôi còn được Đại tướng nhớ tới.

Ngày ấy, mới hai mươi tuổi, tôi đã là một chỉ huy phân đội và kinh qua bom đạn hằng ngày như cơm bữa. Trải qua nhiều trận đánh không thể nào nhớ nổi, nhưng có một trận đánh tuy quy mô không lớn nhưng lại rất đặc biệt và có ý nghĩa rất lớn mà tôi không thể nào quên dù đã qua sáu mươi năm. Đó chính là trận đánh mà Đại tướng vẫn nhớ và đã nhắc tới.

...Vào một tối đầu tháng 6-1951, tại đền Rồng bên Quốc lộ 1 ở Tam Điệp, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 Hoàng Minh Thảo (sau này là Thượng tướng), chấp hành mật lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ vượt các cấp cho tôi, một cán bộ phân đội trẻ, cùng 8 pháo thủ tuổi 20 kiên cường và năng động nhất đi làm một nhiệm vụ đặc biệt. Trước đó ít ngày, tôi dẫn một phân đội với 2 khẩu SKZ bí mật, táo bạo đặt súng cách lô cốt địch 9m diệt gọn bốt Cổ Đôi, mở màn cho chiến dịch Quang Trung; và ngay sau đêm đó, tôi lại chỉ huy phân đội diệt gọn đồn Bụt Nổi. Đại tướng Tổng tư lệnh gửi điện khen chiến thắng mở màn này. Đại đoàn trưởng Hoàng Minh Thảo trong khi giao nhiệm vụ đã căn dặn tôi rất nhiều về yếu tố “thần tốc, bất ngờ, đánh nhanh, diệt gọn và bảo toàn lực lượng”.

Tối 6-6-1951, phân đội pháo đặc biệt của tôi lặng lẽ lên đường. Trời vẫn mưa tầm tã do lụt Tiểu Mãn, sấm chớp nhì nhằng, xóm thôn yên ắng. Cả phân đội, người khiêng nũng, người khiêng đế, người vác đạn, loại đạn nặng có uy lực lớn và sức công phá mạnh và vũ khí cá nhân với không dưới 3 tạ “hàng”, yên lặng men theo bờ ruộng, bờ mương nhằm hướng đông bắc mà tiến. Nước mưa thấm ướt lạnh run nhưng chúng tôi vẫn cởi áo bọc kỹ cho những viên đạn luôn khô ráo. Chúng tôi mải miết đi, không theo một con đường xác định, cố né tránh bốt đồn, làng xóm để tránh những con mắt dò la của địch và cả tiếng chó sủa cầm canh. Khoảng quá canh 3, sau 8 giờ hành quân, chúng tôi đã tới vùng Phát Diệm.

Cùng với 3 chiến sĩ giao liên, 9 cán bộ, chiến sĩ của phân đội (để giữ bí mật và nhân dịp chúc thọ lần thứ 61 của Bác Hồ tôi quy định bí danh mỗi người trong phân đội lần lượt là Vững, Chí, Bền, Gan, Lập, Công, Mừng, Thọ, Bác) được phân về trú quân tại 12 cơ sở bí mật trong các thôn xã khác nhau để chờ 10 giờ tối hôm sau (7-6-1951) hội quân đánh trận. Súng cối được giấu dưới ao bèo, đạn được vùi trong các bồ thóc của nhà mà tôi được  “khóa kỹ” trong buồng kho ở Thượng Kiệm, cách bờ đê sông Vạc non trăm mét. Đây là một gia đình theo đạo Thiên chúa, chỉ thấy có hai mẹ con, nằm trong buồng tối nên tôi không nhìn rõ mặt cả hai người. Bà cụ chừng ngoài năm chục, còn cô con gái ngấp nghé đôi mươi. Bà cụ nấu cơm cho tôi ăn. Bữa cơm đạm bạc nhưng có lẽ đó là tất cả những gì mà gia đình bà có. Tôi nhờ bà mẹ cho “mượn” cô con gái đóng giả vợ chồng, dẫn tôi ra đồng vờ như đi mò cua bắt ốc để quan sát địa hình, địch tình nơi đặt trận địa pháo. Dưới tấm áo tơi lụp xụp, tôi quan sát kỹ các mục tiêu cả gần lẫn xa và hình thành trong đầu một bản đồ địa hình khá hoàn chỉnh và chính xác. Tôi cũng đã chọn được nơi đặt pháo, ước lượng được phương vị các mục tiêu cơ bản. Chỉ còn một điều làm tôi băn khoăn lo lắng. Đó là vũ khí. Khẩu súng cối của Mỹ mới lấy được trong trận Cổ Đôi, chúng tôi chưa từng sử dụng, lại không có thước ngắm. Vậy là tôi phải vắt óc suy nghĩ để tính toán tầm xạ kích sao cho bắn nhanh, bắn trúng. May mắn thay, chập tối bà mẹ mang vào cho tôi một hộp đường Saint Louis vỏ bằng bìa cứng và trong tôi chợt lóe lên một sáng kiến, cắt hộp bìa làm thước đo góc bắn. Tôi lại xin thêm một sợi chỉ trắng để làm dây dọi dóng hướng bắn. Vậy là khẩu cối đã có đủ “phụ tùng” cần thiết.

Thời điểm này bộ chỉ huy của địch tập trung bên nhà thờ Phát Diệm. Quanh khu vực là vô số bốt đồn, chòi canh. Gần cầu Trì Chính là đơn vị thiết giáp với hàng chục xe tăng, xe bọc thép luôn sẵn sàng ứng phó. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đánh đòn tiêu diệt nhưng phải bảo vệ được tính mạng cho người dân và an toàn cho nhà thờ đá Phát Diệm. Rất khó khăn nhưng phải quyết tâm làm được. Giờ “G” đã đến. Tuy mỗi người mỗi nơi cách xa nhau tới gần chục cây số lại nằm ngay giữa sào huyệt địch, bằng nhiều phương tiện khác nhau như thuyền nan, bẹ chuối, các chiến sĩ của chúng tôi đã băng đồng, lội sông, lội ruộng, tập trung quân rất đúng giờ.

Súng đã được vớt lên, lau sạch. Đạn đã kê hàng ngay ngắn. Tự tay tôi chỉnh súng bằng “thiết bị đo” tự tạo của mình. Mọi người ai vào việc nấy. Người thì cảnh giới, người làm pháo thủ. Khi chiếc đồng hồ vy-le chỉ đúng 10 giờ, tôi ra lệnh bắn. Lần lượt 10 quả đạn pháo dồn dập rót trúng nơi tập trung của địch sát nhà thờ Phát Diệm. Đèn điện phụt tắt. Tiếng la hét, kêu gào inh ỏi. Các anh đã bắn trúng mục tiêu! Bỗng phía cầu Trì Chính có tiếng động cơ ầm ầm. Địch đang huy động thiết giáp chi viện. Lập tức tôi cho chuyển làn, bắn luôn 5 quả đạn về cầu Trì Chính. Tiếng xe im bặt. Lúc này tôi lại ra lệnh chuyển làn về hướng cũ và “nện” tiếp 5 quả pháo còn lại vào sở chỉ huy của địch. Có lẽ vì quá bất ngờ nên địch không kịp có phản ứng đáp trả. Phân đội vội vàng thu dọn và xóa bỏ dấu vết rồi chia ra 3 nhóm rút lui về căn cứ giữa lúc địch tập trung máy bay bắn phá trên đường rút của chúng tôi. Vậy là chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ một cách thần tốc, bất ngờ, nhanh gọn và chính xác chỉ chưa đầy 40 giờ kể từ khi nhận lệnh đến khi về tập kết mà Đại tướng gọi điện khen “chiến thắng sao mà nhanh vậy”.

Sau này, theo tin từ các nguồn trong hậu địch chuyển ra, Huyện ủy Kim Sơn báo cáo pháo ta đã bắn trúng, diệt 150 tên Âu-Phi gây nhiều thiệt hại cho địch và không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân. Trận đánh đã giáng một đòn phủ đầu quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất cả về sinh lực lẫn tinh thần và tạo nên niềm phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào theo đạo Thiên chúa tin vào cuộc kháng chiến tất thắng của dân tộc ta. Ngụy quân ngụy quyền đã tan rã hàng mảng buộc Đờ-tát-xi-nhi thất bại và bay về Sài Gòn.

Sáu mươi hai năm rồi nhưng những gì xảy ra hồi ấy với tôi nó như thể mới hôm qua. Hình ảnh về mỗi con người, về thôn xóm, ruộng đồng quanh Phát Diệm như vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Đặc biệt là về bà mẹ và cô con gái đã đùm bọc, che chở và giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ cực kỳ khó khăn lúc ấy. Cách đây 3 năm được sự giúp đỡ của huyện ủy và chính quyền huyện Kim Sơn, tôi đã về thăm và tìm gặp lại được gia đình bà mẹ (mẹ Cống) ở xóm nhỏ Thượng Kiệm năm xưa. Mẹ đã mất, nhưng người con gái (bà Chích) vẫn còn và sống lặng thầm trong một xóm nhỏ cách đấy khá xa. Không ai biết về chiến công thầm lặng của họ cho đến khi qua tôi huyện biết tin và cố công tìm kiếm. Gần đây, nghe tin huyện Kim Sơn đã giúp gia đình bà Chích xây dựng được ngôi nhà tình nghĩa để tri ân những đóng góp vô giá của mẹ con bà. Mong rằng rồi đây huyện Kim Sơn sẽ còn tìm được 9 gia đình còn lại, những gia đình cơ sở đã giúp che giấu 9 chiến sĩ trong phân đội đặc biệt của chúng tôi hồi ấy. Với tôi Kim Sơn đã luôn là một mảnh đất ân tình.

Đối với anh em pháo thủ “chân đồng vai sắt”, đến bây giờ không biết ai còn ai mất nhưng tuổi đời cũng đã 80 như tôi, hãy tự hào với những chiến công đã lập cũng như vinh dự được Đại tướng khen chung cả 12 người tham gia chiến đấu giá trị như những tấm huân chương cao quý. Sự kiện này chứng minh sức mạnh tinh thần của các thế hệ trẻ mai sau: “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, có thể dời non lấp biển như Bác Hồ và Đại tướng đã dạy”.

HUỲNH THÚC CẨN

;
.
.
.
.
.