Trong một lần đi uống nước mía, ba bạn sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng nảy sinh ý tưởng sản xuất tấm panel cách nhiệt từ những chất phế thải nông nghiệp làm chất đốt không hiệu quả hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường. Ý tưởng đã nhận giải Bảo vệ môi trường cuộc thi về phát triển bền vững “Holcim Prize 2013-Tôn vinh tài năng sáng tạo trẻ” với đề tài “Sản xuất tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp”.
Chuẩn bị các nguyên liệu như bã mía, xơ dừa, trấu… để sản xuất tấm panel cách nhiệt. Ảnh: K.O |
Tận dụng xơ dừa, rơm rạ...
Xuất phát từ thực tế cuộc sống, một số nơi người nông dân sử dụng các phế thải nông nghiệp để làm chất đốt nhưng không hiệu quả, hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng, thậm chí ở một số nơi chúng không được sử dụng rất lãng phí, nhóm 3 bạn trẻ Đoàn Nguyễn Vân Hiếu, Trương Thế Minh, Tạ Bảo Long, sinh viên Khoa Nhiệt lạnh, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã nảy ra ý tưởng tìm kiếm một loại vật liệu cách nhiệt để sản xuất những tấm panel hoàn toàn từ thiên nhiên.
Các bạn cho biết, ý tưởng ban đầu xuất hiện trong một ngày mùa hè nóng bức, các bạn rủ nhau đi uống nước mía trước cổng trường, nhìn những đống bã mía thải ra rất lãng phí, các bạn cùng chung suy nghĩ là phải sáng chế ra một cái gì đó để tận dụng những nguyên liệu bỏ đi này.
Từ ý tưởng đến ứng dụng, mất gần một năm trời, từ những phế phẩm như xơ dừa, rơm rạ, bã mía, trộn nguyên liệu với nhau bằng chất keo kết dính, sau đó cho vào máy ép thành tấm và đem phơi khô. Những tấm panel cách nhiệt để làm trần chống nóng cho nhà xưởng và vách ngăn cho các công trình xây dựng. Ưu điểm của sản phẩm này là giá thành rẻ, góp phần bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Ưu điểm chống cháy, giá thành thấp
Bạn Đoàn Nguyễn Vân Hiếu cho biết, sản phẩm tấm panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp còn có tác dụng chống cháy, chống mối mọt, tạo xốp không khí trong tấm cách nhiệt và giá thành chỉ bằng một nửa so với những sản phẩm cùng tác dụng trên thị trường.
PGS. TS Võ Chí Chính - Phó Trưởng Phòng khoa học, sau đại học và hợp tác quốc tế ĐH Bách khoa - giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu, cho biết khi nghe các em chia sẻ ý tưởng, tôi giúp các em tìm kiếm chất keo kết dính tạo độ bền cho sản phẩm, sáng chế ra máy ép để cắt từng tấm panel, ứng dụng vào thực tế sản xuất”.
Với ưu điểm tận dụng nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp sẵn có, 1m2 panel thành phẩm (dày 20mm) có giá thành chỉ khoảng 175 nghìn đồng, rẻ gần ½ so với 1 m2 trần thạch cao và trần nhôm.
Vân Hiếu, trưởng nhóm đề tài chia sẻ: Khi thực hiện đề tài Panel cách nhiệt từ phế phẩm nông nghiệp, nhóm mong rằng một ngày nào đó, ý tưởng này sẽ làm thay đổi tích cực cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, để tấm panel cách nhiệt được ứng dụng sản xuất rộng rãi, nhóm đang rất cần sự đầu tư hỗ trợ của các doanh nghiệp và Nhà nước.
Ra đời vào năm 2009, Giải thưởng Holcim Prize (do Công ty TNHH Xi-măng Holcim Việt Nam thành lập) nhằm vinh danh những sinh viên có những đóng góp hướng tới phát triển bền vững trong 3 lĩnh vực: Phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và xây dựng bền vững. Mục đích cao nhất của Holcim Prize là khuyến khích sinh viên đưa ra những ý tưởng phát triển bền vững phục vụ cho cộng đồng. Cao hơn nữa, từ những ý tưởng này sẽ thúc đẩy ý thức phát triển bền vững nhân rộng hơn trong cộng đồng của các em sinh viên, từ đó phát triển ra toàn xã hội. Ngoài giải đặc biệt và ứng dụng, còn có các giải bảo vệ môi trường; giải phát triển cộng đồng; giải xây dựng bền vững. Giải thưởng Holcim Prize 2014 đã được khởi động ngay trong tháng 11 và 12-2013 tại 7 trường đại học có hợp tác với công ty và hạn đăng ký đề tài là tháng 12-2013 với tổng giá trị giải thưởng là 600 triệu đồng. |
KIM OANH