.

Tôi muốn trở thành con tằm

Hôm nay, khi mở xem vở bài tập của con gái, thấy đề bài thầy ra: “Em muốn trở thành...”, tôi liền đọc xem con gái mình viết như thế nào. Thấy con gái viết: “Em muốn trở thành con tằm!”, tôi giật mình: “Trở thành cái gì không muốn, lại muốn trở thành con tằm, nó đã là học sinh cấp ba rồi, vậy mà vẫn còn suy nghĩ ấu trĩ vậy sao?”. Để xem con gái viết gì trong đó, tôi liền mở ra xem.

“Em muốn trở thành một con tằm. Con tằm ngoài ăn lá dâu ra, nó không ăn thứ gì khác. Khi ăn, tằm hết sức trân trọng, không để lãng phí thức ăn, ngay đến cả những mẩu thức ăn nhỏ nó cũng không để lại. Không như một số người, luôn coi miếng ăn là trên hết. Cũng có người luôn tỏ ra mình sành ăn, thường kén cá chọn canh, chê món này không ngon, món ăn kia dở.

Phải rồi, đất nước mình còn nghèo, đời sống vật chất của các tầng lớp nhân dân còn khó khăn. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn hiện nay xuất hiện một bộ phận, trong đó có không ít người là cán bộ Nhà nước, là “nô bộc” của dân, tổ chức tiệc tùng linh đình, lãng phí, gây dư luận không tốt trong xã hội. Không ít người thích bày biện phô trương để chứng tỏ mình giàu có, có chức quyền, tổ chức đám cưới cho con, mời cả ngàn khách, đặt hàng trăm mâm cỗ, thức ăn bày đầy trên bàn mà khách ăn không đến phân nửa. Khách vào nhà hàng, thức ăn không ăn hết, thậm chí có những món ăn chưa ai đụng đũa, chủ quán không ngần ngại đổ cả vào thùng rác.

Tôi tiếp tục xem bài văn của con gái: “Khi ăn, tằm không giành nhau thức ăn, càng không vì một chút lá dâu mà chiếm cứ làm lãnh địa của mình. Hai con tằm gặp nhau, chúng chỉ đụng đầu, chạm nhẹ vào nhau, sau đó mỗi con lại đi tìm chỗ khác ăn. Giữa hai bên, không có hiện tượng cãi nhau, đánh lộn”.

Đọc đến đây, tôi thầm mỉm cười. Nói đâu xa, chiều hôm qua, ở khu chung cư gia đình tôi ở, trên lầu ba có hai vị hàng xóm sát cạnh chỉ vì cái bếp than tổ ong đặt trên hành lang, trước là nói chuyện phải trái, sau đó cãi nhau ầm ĩ, rồi cả hai xông vào đánh nhau, gây náo loạn cả khu chung cư. Quả thực, tôi thấy họ thật không bằng những con tằm kia.

Ngẫm nghĩ lại, tôi thấy con tằm có rất nhiều ưu điểm, không kể là chủ nhân chăm sóc nó thế nào, nó vẫn hết sức khiêm tốn, ý thức được về bản thân, không biết nịnh nọt. Con tằm dù thân mềm dẻo như vậy, nhưng trái lại nó chưa từng uốn lưng bó gối để quỵ luỵ người khác bao giờ.

“Con tằm từ nhỏ đến lớn thân mình rất sạch sẽ, trước khi kéo kén nó không ăn bất cứ thứ gì, tiêu trừ hết các tạp chất trong mình ra ngoài, làm cho thân tằm trở nên trong suốt, sạch sẽ, tinh khiết. Tằm ăn lá dâu, nhả ra tơ. Không giống như một số người, ăn thì ăn toàn của ngon vật lạ, uống thì chọn rượu ngon, thuốc bổ, nhưng khi nói thì tuôn ra toàn những lời sáo rỗng, giả tạo, nịnh bợ và thô tục…”.

Đọc đến đây, mặt tôi bất chợt đỏ lên, tôi thấy có hình bóng mình trong đó. Mới sáng ngày hôm kia, khi lãnh đạo cấp trên xuống thăm đơn vị, báo cáo kết quả công việc với lãnh đạo, tôi thao thao bất tuyệt cho rằng, đơn vị chúng tôi làm cái gì trước tiên cũng xuất phát từ sự đả thông tư tưởng, đề cao nhận thức, quán triệt tính tất yếu và tầm quan trọng của công việc đang tiến hành, sau nữa phải tăng cường lãnh đạo, bám sát thực tế, phối hợp công tác tốt… Đó đều không phải là những lời nói sáo rỗng, giả tạo hay sao?

Nghĩ đến đây, tôi chợt ước: “Tôi muốn trở thành con tằm!”.

TRẦN DANH NAM

;
.
.
.
.
.